250 nhà khoa học Vật lý hàng đầu châu Á và thế giới đến Việt Nam tham dự ISAMMA
(Dân trí) - “Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Vật liệu từ tiên tiến và Ứng dụng” (the 4th International Symposium on Advanced Magnetic Materials and Applications - ISAMMA 2017) đã được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 10 - 13/12/2017 tại Phú Quốc - Kiên Giang.
Hội nghị ISAMMA 2017 do ĐH Quốc gia HN phối hợp với Hội Từ học Châu Á và Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam tổ chức thu hút của gần 250 nhà khoa học hàng đầu của Châu Á và thế giới đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là GS. Kyung-Ho Shin, Chủ tịch Hội Từ học Châu Á, GS. Koki Takahashi – Chủ tịch hội từ học Nhật Bản; GS. Nikokai Perov – Chủ tịch Hội từ học Liên bang Nga; các nhà khoa học thuộc các Hội Từ học các nước thành viên: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Việt Nam.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã trao đổi các nghiên cứu mới về vật liệu từ tiên tiến, các hướng ứng dụng các nghiên cứu từ cơ bản đến công nghệ mới. Với gần 300 báo cáo khoa học chất lượng cao, hội thảo đã phát huy vai trò ngọn cờ đầu của ĐHQGHN trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và các công nghệ ứng dụng vào thực tiễn.
Các phiên báo cáo của Hội nghị gồm: Nghiên cứu cơ bản vật liệu từ tính; Vật liệu từ cứng/từ mềm và ứng dụng; Vật liệu và linh kiện spin điện tử; Vật liệu từ tính cấu trúc nano; Vật liệu từ đa chức năng; Động học spin và Vi từ; Vật liệu từ và ứng dụng; Spin điện tử sinh học tiên tiến; Chuyển giao công nghệ.
Ngành nghiên cứu Vật lý từ học và Vật liệu từ (magnetic materials) được các nhà vật lý đánh giá là phát triển mạnh mẽ nhất trong cả thế kỷ qua với rất nhiều ứng dụng to lớn trong đời sống cũng như trong công nghệ. Vật liệu từ xuất hiện hầu hết trong các thiết bị điện tử, y tế từ trước đến nay, đặc biệt là cho chế tạo các thiết bị công nghệ cao.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, công nghệ từ đang là những vấn đề nóng bỏng cho tương lai của công nghiệp công nghệ cao. Công nghệ vật liệu từ với các ứng dụng hết sức thực tiễn như nam châm siêu mạnh, kỹ thuật làm lạnh từ nhiệt không gây ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng,… cũng như vô vàn ứng dụng cho đời sống thường ngày, các ngành công nghiệp công nghệ cao như hàng không vũ trụ đến máy tính lượng tử.
Các nhà khoa học quốc tế tham dự hội thảo
Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, ISAMMA 2017 không chỉ có giá trị về khoa học đỉnh cao mà còn là sự kiện đánh dấu tinh thần hội nhập và hợp tác sâu sắc của Chi hội Từ học Việt Nam với cộng đồng khoa học trong khu vực. Đây là cơ hội để thúc đẩy và tăng tốc các nghiên cứu và ứng dụng từ học cho công nghiệp Việt Nam.
Sơ lược về lịch sử của Hội nghị ISAMMA 2017
Hội nghị ISAMMA đã được tổ chức lần đầu tiên năm 2007 tại Jeju (Hàn Quốc), lần thứ 2 năm 2010 tại Sendai (Nhật Bản), lần thứ 3 năm 2013 tại Taichung (Đài Loan).
Tiền sử của Hội nghị ISAMMA là Hội nghị Quốc tế về Vật lý Vật liệu từ (International Symposium on Physics of Magnetic Materials - ISPMM) do GS. Minoru Takahashi Đại học Tohoku (Nhật Bản) khởi xướng năm 1987. Hội nghị ISPMM đã được tổ chức 5 lần tiếp sau đó vào các năm 1992 (tại Bắc Kinh, Trung Quốc); năm 1995 (tại Seoul, Hàn Quốc); năm 1998 (tại Sendai, Nhật Bản); năm 2001 (tại Teipei, Đài Loan) và năm 2005 tại Singpore.
Năm 2007, Hội nghị ISPMM đổi tên thành Hội nghị ISAMMA, do GS. Migaku Takahashi (con trai của GS. Minoru Takahashi) chủ trì.
Hội nghị ISAMMA 2017 được tổ chức sau 30 năm kể từ Hội nghị ISPMM lần thứ nhất (1987) và 10 năm sau Hội nghị ISAMMA làn thứ nhất (2007).
Đối với Việt Nam, GS. Nguyễn Hữu Đức đã tham gia Ban chỉ đạo ISAMMA (Steering Commitee) từ hội nghị ISAMMA lần thứ nhất năm 2007.
Trong khuôn khổ hội thảo ISAMMA 2017 đã diễn ra phiên họp lần thứ 18 Ban Chấp hành Hội Từ học Châu Á (18th AUMS Council Meeting) được tổ chức vào ngày 10/12/2017; Đại hội lần thứ nhất Chi hội Vật lý Từ học Việt Nam (nhiệm kỳ 2017-2022) được tổ chức vào ngày 11/12/2017; Phiên họp thường niên của Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Vật liệu và Linh kiện tiên tiến (Journal of Science: Advanced Materials and Devices) được tổ chức vào ngày 12/12/2017.
Tại Đại hội lần thứ nhất Chi hội Vật lý Từ học Việt Nam (nhiệm kỳ 2017-2022), các đại biểu đã bầu Ban chấp hành với 19 thành viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong toàn quốc, và cả thành viên là các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài, Phó giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức được bầu làm Chủ tịch hội.
Nhật Hồng