11 cơ sở đại học Việt Nam lọt top châu Á
(Dân trí) - Bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học châu Á 2023 có sự góp mặt của 11 cơ sở giáo dục tại Việt Nam, trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở vị trí cao nhất.
Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) Anh vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học châu Á 2023 (QS AUR 2023).
Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng này. Trong đó Trường ĐH Tôn Đức Thắng dẫn đầu ở vị trí 138.
Lần lượt các vị trí tiếp theo gồm Trường ĐH Duy Tân vị trí 145; ĐH Quốc gia Hà Nội vị trí 162 , ĐH Quốc gia TPHCM vị trí 167; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vị trí 248; ĐH Huế nhóm 351-400; Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhóm 401-450; ĐH Đà Nẵng nhóm 501-550; ĐH Cần Thơ nhóm 551-600; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhóm 551-600; Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhóm 651-700.
11 đại học của Việt Nam được xếp hạng đều là những gương mặt quen thuộc so với những lần đợt trước. Năm nay, 6 trường tăng hạng, 4 trường giảm và một trường giữ nguyên.
Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (tiếng Anh: QS World University Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) - Anh Quốc. Đây được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới.
Trong kỳ xếp hạng QS AUR 2023, Tổ chức QS đã xếp hạng cho 760 cơ sở giáo dục đại học của châu Á, trong đó có 34 cơ sở giáo dục đại học lần đầu được xếp hạng.
Kết quả xếp hạng này được dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 151.000 học giả và 99.000 nhà tuyển dụng trên toàn thế giới. QS cũng đã phân tích hơn 117,8 triệu trích dẫn (trong giai đoạn 2016-2021) từ 16,4 triệu công bố khoa học (trong giai đoạn 2016-2020).
Về tiêu chí và trọng số xếp hạng, QS AUR 2023 giữ nguyên phương pháp xếp hạng khi đánh giá các cơ sở giáo dục đại học theo 11 chỉ số: Đánh giá của học giả (30%); đánh giá của nhà tuyển dụng (20%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%); tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); số bài báo khoa học/giảng viên (5%); tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học (10%); mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên đến trao đổi (2,5%) và tỷ lệ sinh viên đi trao đổi (2,5%).