10 sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2005

Nhìn lại một năm đã đi qua, nền giáo dục nước nhà cũng đã có không ít sự đổi thay, có cái được và chưa được. Và, dưới đây được coi là 10 sự kiện giáo dục tiêu biểu trong năm 2005, bạn đọc có thể tham khảo cùng.

1. Sửa đổi Luật Giáo dục

 

Luật Giáo dục 2005 gồm chín chương, 120 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Luật Giáo dục năm 1998. So với Luật Giáo dục năm 1998, Luật Giáo dục 2005 bỏ bớt ba điều, bổ sung 13 điều mới và sửa đổi 83 điều. Bắt đầu từ ngày 1/1/2006, luật có hiệu lực và thay thế Luật Giáo dục năm 1998.

 

Những điều bổ sung mới đáng chú ý bao gồm bỏ văn bằng tốt nghiệp tiểu học; phân cấp cho trưởng phòng giáo dục có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THCS; các cá nhân, tổ chức khác ngoài Bộ GD- ĐT cũng có quyền soạn sách giáo khoa; văn bằng của các trường dân lập, tư thục, quốc lập có giá trị pháp lý ngang nhau.

 

Như vậy, các điều sửa đổi, bổ sung tập trung vào bốn nhóm vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, xã hội hóa và xây dựng xã hội học tập, hệ thống giáo dục, tăng cường quản lý nhà nước và phân cấp mạnh cho địa phương.

 

Năm 2005 cũng là năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS cuối cùng và bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học.

 

2. Điểm thưởng chưa ngã ngũ

 

Vấn đề điểm thưởng được dư luận quan tâm sau sự kiện một nữ sinh gửi thư cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long.

 

Việc cộng điểm thưởng đã duy trì được 12 năm. Cộng điểm thưởng cho học sinh giỏi toàn diện có kết quả thi tốt nghiệp loại giỏi là mục đích đúng, khuyến khích học sinh học toàn diện. Nhưng vì sức ép tuyển sinh quá lớn nên xảy ra khá nhiều hiện tượng tiêu cực, mất công bằng.

 

Qua khảo sát của Bộ GD-ĐT, sinh viên từng được cộng điểm thưởng vào đại học và sinh viên không được cộng điểm đều có trình độ tương đương nhau. Thậm chí, nhiều sinh viên diện này có sức học trung bình và có cả những sinh viên lưu ban.

 

Bộ GD- ĐT đủ căn cứ bỏ điểm thưởng nhưng đến cuối tháng 12 mới có kết luận cuối cùng.

 

3. Rắc rối phân ban

 

Cuối cùng Bộ Giáo dục cũng chọn phương án thứ hai là phân thành ba ban từ lớp 10 (ngoài hai ban nâng cao như phương án một, có dạng ban cơ sở dành cho học sinh không thiên về thế mạnh nào).

 

Với phương án này, đích của phân ban đến năm học 2008-2009, học sinh THPT được học đủ chương trình phân ban của ba lớp 10, 11, 12.

 

Sự lựa chọn này hoàn toàn khác so với những gì Bộ định chọn cách đây hơn sáu tháng. Khi đó, phương án phân hai ban ở lớp 10 và 11, đến lớp 12 thành bốn ban được Bộ GD-ĐT lựa chọn đề nghị Chính phủ xem xét để điều chỉnh.

 

Sau năm năm có Nghị quyết 40 của Quốc hội và sau ba năm thí điểm, không biết đây đã là lần cuối cùng Bộ GD-ĐT điều chỉnh phân ban hay chưa.

 

10 sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2005  - 1

Ngày 14/1/2006 học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ thi thử trắc nghiệm

4. Thi trắc nghiệm ngoại ngữ

 

Bắt đầu từ năm nay, học sinh cuối cấp THPT được làm quen với kiểu thi trắc nghiệm ngoại ngữ.

 

Theo đó, đề thi ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung) được ra hoàn toàn dưới hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 6/2006) và kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (tháng 7/2006).

 

Với các nước, thi trắc nghiệm không phải là kiểu thi mới nhưng đây là lần đầu tiên kiểu thi này được áp dụng ở Việt Nam. Học sinh vẫn chưa thạo hình thức ôn thi và cách thi khiến trong các đợt thi thử, học sinh làm bài chưa tốt. Và số học sinh làm sai quy định theo yêu cầu của đề thi lên đến cả nghìn em.

 

Kiểu thi này còn một điểm mới, đó là các giáo viên không phải lo khoản chấm thi mà có các máy chấm thi đảm nhiệm. Hình thức chấm thi mới mẻ này đảm bảo được tính chính xác và công bằng cho mọi thí sinh.

 

Sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm thi trắc nghiệm ở một số địa phương, ngày 14/1/2006, học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi thử trắc nghiệm trong cả nước.

 

5. Hoang mang học phí

 

Mặc dù chưa có quyết định chính thức tăng học phí nhưng "đề án điều chỉnh học phí" của Bộ GD-ĐT trình lên Chính phủ nóng như quả bom gây bức xúc trong dư luận. "Học phí có thể lên tới 900.000 đồng/tháng" là tiêu điểm để mọi người bàn tán.

 

Mở màn phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc Hội Khoá XI, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Minh Hiển đăng đàn và phải đối chất với những bức xúc về đề án điều chỉnh học phí. May thay, đề án dang dở được huy bỏ sau khi Bộ trưởng trình bày về lộ trình tăng học phí.

 

Bộ GD-ĐT chính thức cho phép chín trường đại học "nhập khẩu" và triển khai 10 chương trình tiên tiến vào năm 2006. Và học phí chương trình có khả năng lên tới 2.000 USD/năm. Liệu sinh viên Việt Nam có chịu nổi khi muốn học chương trình tiên tiến?

 

6. Sự cố đội tuyển toán

 

Vòng thi thứ hai chọn đội tuyển toán dự thi olympic toán quốc tế năm 2005 gặp sự cố. Theo các thí sinh, ba trong sáu câu của đề thi từng xuất hiện trong các kỳ thi trước đó. Đặc biệt có một câu giống với đề thi của kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia của Sở GD-ĐT Hà Nội.

 

Cuối cùng, Bộ GD- ĐT quyết định chọn một số em xuất sắc đưa vào thành phần chính thức của đội tuyển. Đồng thời triệu tập thêm một số em tham gia tập huấn và dự kỳ kiểm tra tuyển chọn các thành viên còn lại của đội tuyển. Các địa phương, các trường có thí sinh bị triệu tập dự tuyển không đồng tình với cách làm này nhưng vẫn phải theo.

 

Kết quả kỳ thi Olympic toán Quốc tế 2005 tại Mexico, Việt Nam rớt hạng thảm hại với ba huy chương bạc và ba huy chương đồng, xếp thứ 15 toàn đoàn. Lần đầu tiên trong ba năm gần đây, Việt Nam không giành được huy chương vàng và bật khỏi top năm. Phạm Kim Hùng suýt không có mặt trong đội tuyển lại là người đạt điểm cao nhất của đoàn Việt Nam.

 

10 sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2005  - 2
Tiến sỹ Ngô Bảo Châu

7. Hiện tượng Ngô Bảo Châu

 

Sự kiện một tiến sỹ khoa học 33 tuổi, Ngô Bảo Châu, được đề nghị đặc cách công nhận giáo sư đang trở thành đề tài gây tranh cãi.

 

Anh Châu từng hai lần đoạt huy chương vàng olympic toán quốc tế, là người Việt Nam duy nhất từ trước tới nay được nhận giải thưởng cao quý của toán học Clay. Hiện anh là tiến sĩ khoa học, giáo sư ĐH Paris 11, kiêm chức tại Viện Toán học (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam).

 

Nhiều ý kiến đề nghị phải cân nhắc xem trường hợp ngoại lệ này một khi phá vỡ thông lệ. Danh hiệu cao quý đó phải được trao cho người có đóng góp cho nước nhà.

 

Cũng không ít ý kiến phản đối kiểu làm việc theo kiểu sống lâu lên lão làng. Đến nay, vấn đề này vẫn bị nhiều người mổ xẻ.

 

8. “Sự kiện” Phi Thanh

 

Tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005, thay vì phân tích cái hay, cái đẹp của tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Phi Thanh (Học sinh lớp 11A18, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) viết rằng mình không thích tác phẩm đó. Đồng thời em thẳng thắn nhận xét về cách dạy văn và học văn trong nhà trường hiện nay.

 

Sự kiện Phi Thanh khiến nhiều người đòi hỏi phải nhìn nhận lại cách giảng dạy môn văn khô cứng, một chiều, đơn điệu trong trường học hiện nay.

 

10 sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2005  - 3

Học sinh tiểu học vẫn phải làm bài tập về nhà

 

 

9. Loay hoay giảm tải tiểu học

 

Giảm tải chương trình tiểu học năm 2005 - 2006 được Bộ GD-ĐT thông báo từ tháng 8/2005. Bộ yêu cầu các sở trực thuộc chỉ đạo các trường tiểu học có kế hoạch giảng dạy phù hợp để học sinh hoàn thành bài tập tại lớp. Tuyệt đối không giao bài làm thêm ở nhà đối với học sinh học hai buổi/ngày.

 

Vậy nhưng, các địa phương lúng túng khi thực hiện chỉ thị này. Nhiều địa phương vẫn chưa biết phải giảm tải những gì, giảm tải như thế nào cho phù hợp. Các trường tự linh động là chính. Thậm chí, Bộ cấm nhưng nhiều trường vẫn có hiện tượng giao bài về nhà cho học sinh học hai buổi/ngày.

 

10. Nâng cao chất lượng giáo dục

 

Bộ GD- ĐT chính thức có quyết định cho phép chín trường đại học trọng điểm cả nước thí điểm đào tạo 10 chương trình tiên tiến bậc đại học vào năm 2006.

 

Thí điểm đào tạo một số chương trình, giáo trình tiên tiến được coi là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện Đề án Đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam 2006 - 2020. Đây cũng là khâu đột phá để giáo dục đại học Việt Nam hội nhập với giáo dục đại học các nước trong khu vực và thế giới.

 

Việc thành lập trường ĐH Quốc tế đầu tiên của Việt Nam trực thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh được coi là điểm nhấn trong xu hướng quốc tế hóa bằng cấp các trường đại học Việt Nam bên cạnh các chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài.

 

Tiếp theo đề án chuyển đổi sáu trường đại học, cao đẳng bán công sang mô hình tư thục, từ năm 2006, Bộ GD- ĐT xây dựng phương án chuyển đổi thí điểm một số trường đại học, cao đẳng công lập sang tư thục.

 

Theo Netnam