10 lời khuyên đáng suy nghĩ dành cho sinh viên khi tìm kiếm việc làm

Võ Thanh Hương Hoài Linh

(Dân trí) - Sinh viên có thể tìm đến trung tâm nghề nghiệp của các trường đại học để được hỗ trợ về hồ sơ, phỏng vấn và thảo luận cơ hội việc làm.

10 lời khuyên đáng suy nghĩ dành cho sinh viên khi tìm kiếm việc làm - 1

Sinh viên năm cuối có thể nhờ các nhân viên tại trung tâm hướng nghiệp đại học tổ chức một buổi phỏng vấn xin việc giả để tập dượt (Ảnh: Getty Images).

Những đình trệ và quy định hạn chế do đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng đóng băng trên thị trường việc làm, cùng với tình trạng cắt giảm lương và nhân công trong mấy năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng thị trường việc làm sẽ trở nên "khốc liệt" vào năm 2022 đối với các sinh viên sắp ra trường. 

Dưới đây là 10 lời khuyên của chuyên gia dành cho sinh viên năm cuối đại học đang xin việc:

1. Xác định rõ mối quan tâm

Trước khi tìm kiếm việc làm trên mạng, sinh viên cần xác định ngành nghề, nơi làm việc, quy mô công ty và môi trường làm việc như thế nào phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân.

Ông Luis Santiago, Phó Giám đốc hoạt động huấn luyện của Đại học Washington (Mỹ) cho biết: "Hãy bắt đầu xác định mục tiêu tìm việc, những điều bạn không sẵn sàng thỏa hiệp. Nhiều khi sinh viên chưa có thời gian để nghĩ tới vấn đề này".

2. Tham quan các trung tâm hướng nghiệp của trường

Các trung tâm hướng nghiệp của trường đại học có thể cung cấp các nguồn lực và thông tin liên quan đến quá trình tìm kiếm việc làm. Sinh viên có thể đặt lịch hẹn với các nhân viên tại đây để thảo luận về mục tiêu nghề nghiệp, xem xét sơ yếu lý lịch hay thậm chí là tham gia một cuộc phỏng vấn giả định.

Ngoài ra, các trung tâm hướng nghiệp thường có danh sách các trang web tìm kiếm việc làm dành cho những sinh viên không biết tìm kiếm cơ hội việc làm ở đâu.

3. Bổ sung những kinh nghiệm và kỹ năng có liên quan vào sơ yếu lý lịch

Hồ sơ xin việc thường phải có sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu phải có hồ sơ trực tuyến. 

Bạn nên đưa những kinh nghiệm có liên quan tới lĩnh vực đang xin việc vào sơ yếu lý lịch, chẳng hạn như công việc thực tập hoặc việc làm mùa hè.

Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao các kinh nghiệm rộng hơn của ứng viên, như hoạt động tình nguyện, công trình nghiên cứu, công việc bán thời gian... 

Ông Jeff Beavers, giám đốc điều hành của Mạng lưới Dịch vụ Nghề nghiệp tại Đại học Bang Michigan (MSU - Mỹ), cho biết: "Những kinh nghiệm và kỹ năng đó sẽ củng cố hồ sơ của bạn và làm nổi bật toàn bộ các kỹ năng và trình độ chuyên môn mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm".

Tất cả những kinh nghiệm này có thể thể hiện các kỹ năng mềm của ứng viên, bao gồm khả năng lãnh đạo, sáng kiến, đạo đức, giải quyết vấn đề, trí tuệ ứng dụng, làm việc nhóm và giao tiếp...

Đặc biệt, hiện nay các nhà tuyển dụng cũng đang tìm hiểu cách sinh viên thích nghi với việc học trực tuyến và những thay đổi khác do Covid-19, theo ông Phil Gardner, Giám đốc Viện Nghiên cứu Việc làm Collegiate tại MSU.

"Họ muốn xem sinh viên có khả năng thích nghi như thế nào khi gia nhập tổ chức," ông Phil Gardner nói thêm.

Kinh nghiệm và kỹ năng cũng có thể được giới thiệu trên LinkedIn để thu hút các nhà tuyển dụng.

4. Rà soát lại hồ sơ

Hãy chỉnh sửa cẩn thận sơ yếu lý lịch và đơn xin việc của bạn trước khi nộp hồ sơ. Để tránh bất kỳ lỗi chính tả hoặc sai sót nào đó, chẳng hạn như ghi sai tên công ty, hãy nhờ một nhân viên của trung tâm nghề nghiệp hoặc một người bạn đáng tin kiểm tra giúp.

"Những thứ như vậy có thể để lại ấn tượng xấu. Hay nói cách khác là tạo cảm giác bạn thiếu sự chú trọng vào chi tiết", bà Stacy Bingham, hiệu phó phụ trách phát triển nghề nghiệp của Đại học Vassar ở New York (Mỹ) cho biết.

5. Kết nối

Hãy chú ý đến thị trường việc làm tiềm ẩn. Ông Santiago nói rằng phần lớn các công việc thậm chí không được đăng trực tuyến vì các vị trí đều đã tìm được qua truyền miệng.

"Đây là một cơ hội mà rất nhiều sinh viên đã bỏ lỡ hoặc thậm chí không nghĩ đến bởi vì suy nghĩ đầu tiên của họ là 'Tôi cần một công việc, hãy để tôi đến với hội đồng tuyển dụng'," ông nói thêm.

Hãy tìm hiểu thông tin việc làm từ các thành viên trong gia đình, bạn bè và cựu sinh viên đang làm việc trong lĩnh vực ngành nghề mà bạn quan tâm. Sinh viên cũng có thể tìm kiếm sự kết nối tại các sự kiện việc làm của trường hoặc thông qua LinkedIn. Bà Bingham khuyên: "Đừng chỉ lặng lẽ đi tìm việc".

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng việc quá phụ thuộc vào sự kết nối này có thể tạo ra sự bất bình đẳng. Một số sinh viên có lợi thế hơn trong việc tiếp cận các cơ hội, dựa trên nơi họ trưởng thành, trường họ theo học và những người họ biết...

6. Tiếp cận nhân viên công ty

Sinh viên nên xem liệu có cựu sinh viên nào của trường của họ đang làm việc tại công ty mà họ đang muốn ứng tuyển không. Người đó có thể cung cấp những thông tin hữu ích về công ty, trả lời những băn khoăn, thắc mắc, và thậm chí giới thiệu bạn với nhà tuyển dụng.

"Họ có thể sẽ trò chuyện vui vẻ, hòa nhã với bạn và sẵn sàng gọi cho người phụ trách tuyển dụng và giới thiệu bạn", bà Bingham nói.

7. Nghỉ ngơi

Tìm việc có thể mất vài tháng, và việc liên tiếp bị từ chối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của sinh viên. Các chuyên gia khuyên sinh viên chú ý tự chăm sóc bản thân và thỉnh thoảng tạm dừng việc nộp đơn ứng tuyển.

Christine Cruzvergara, Giám đốc chiến lược giáo dục tại trang tìm kiếm việc làm Handshake, nói: "Tìm việc chính là một công việc toàn thời gian, điều quan trọng là phải giữ thái độ tích cực. Hãy coi việc bị từ chối như một cơ hội học hỏi, hơn là một kết quả tiêu cực.

"Nhà tuyển dụng thực sự có thể cảm nhận được tâm lý tiêu cực của ứng viên. Điều đó không có lợi cho việc ứng tuyển. Ai cũng muốn làm việc cùng những người lạc quan và luôn nhìn thấy tiềm năng. Vì vậy, hãy duy trì suy nghĩ tích cực, điều thực sự quan trọng trong quá trình ứng tuyển", bà Cruzvergara giải thích. 

8. "Đeo bám" một cách lịch sự

"Đôi khi sinh viên nghĩ rằng: 'Chà, tôi đã gửi tất cả hồ sơ và giờ tôi sẽ ngồi chờ'", bà Bingham nói. Tuy nhiên, trừ khi quảng cáo tuyển dụng ghi rõ là "không gọi điện hoặc email"; nếu không, hãy chủ động liên hệ với công ty nếu không nhận được phản hồi.

Hãy viết thư cho phía tuyển dụng để nhắc lại việc bạn ứng tuyển và hỏi xem tình hình tuyển dụng của công ty đang tiến triển như thế nào.

9. Luyện tập trước cuộc phỏng vấn

Đừng bước vào cuộc phỏng vấn mà không chuẩn bị gì. Hãy tìm hiểu trước về công ty để hiểu rõ những giá trị, sứ mệnh và công việc mà công ty theo đuổi. Chú ý bất kỳ thông báo hay tin tức gần đây, chẳng hạn như việc sáp nhập.

Hãy luyện tập trả lời các câu hỏi. Chuẩn bị giới thiệu ngắn gọn về các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, nhưng tránh việc nói như đọc thuộc lòng; hãy nói thật tự nhiên.

Do dịch bệnh Covid-19, nhiều công ty thực hiện phỏng vấn từ xa, ít nhất là trong vòng sơ tuyển. Hãy làm quen với việc sử dụng camera, kiểm tra Wi-fi và phần mềm trước thời hạn để tránh sai sót. 

Vào cuối cuộc phỏng vấn, hãy đặt các câu hỏi như: Ông/bà yêu thích nhất điều gì khi làm việc ở đây? Những thách thức lớn nhất mà tôi sẽ phải đối mặt ở vị trí này là gì?

"Hãy nhớ rằng đó không chỉ là việc bạn trả lời các câu hỏi, mà còn là cơ hội để bạn để phỏng vấn ngược lại người phỏng vấn", ông Drew McCaskill, một chuyên gia nghề nghiệp của LinkedIn, cho biết. "Nhiều người đến cuộc phỏng vấn chỉ với một trọng tâm duy nhất là được tuyển dụng. Nhưng việc tìm hiểu xem công việc có phù hợp với bạn hay không cũng rất quan trọng".

"Hãy nhớ gửi thư viết tay hoặc email cảm ơn vào ngày họ phỏng vấn của bạn", ông nói thêm.

10. Đừng chấp nhận lời mời tuyển dụng ngay lập tức

Mặc dù nó có thể hấp dẫn, đặc biệt là sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng liên tiếp bị từ chối, nhưng lập tức chấp nhận một lời mời tuyển dụng không phải là một ý tưởng tốt, theo các chuyên gia.

Hãy dành một hoặc vài ngày suy nghĩ về chế độ đãi ngộ mà bạn muốn, ngoài vấn đề tiền lương. Hãy lập một danh sách các câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng về các lợi ích và cơ hội phát triển nghề nghiệp, như vấn đề đóng bảo hiểm hay chế độ nghỉ phép. Đối với các vị trí làm việc hoàn toàn từ xa, hãy hỏi về các khoản trợ cấp tại nhà cho thiết bị văn phòng như bàn làm việc hoặc thêm một màn hình. 

Các trung tâm hướng nghiệp ở trường đại học cũng có thể giúp sinh viên xác định xem một lời đề nghị tuyển dụng có tốt không.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm