Vụ “thầy giáo cho trò tái hiện cảnh nóng”: Hai bên đều “quá tay”?

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Sau hai phiên tòa, vụ "thầy giáo cho học trò diễn cảnh nóng" vẫn chưa xác định được việc sân khấu hóa tác phẩm văn học của giáo viên là dung tục, gây hậu quả nghiêm trọng hay không.

Trong tháng 7/2020, Tòa án Nhân dân Quận 12, TPHCM tổ chức hai phiên tòa xử vụ thầy giáo Phạm Quốc Đạt kiện Trường THPT Võ Trường Toản. Đây cũng là giáo viên cho học trò tái hiện cảnh nóng qua hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học.

Vụ “thầy giáo cho trò tái hiện cảnh nóng”: Hai bên đều “quá tay”? - 1

Hai bên tại phiên tòa liên quan đến việc "thầy giáo cho học trò tái hiện cảnh nóng".

Tuy nhiên, do chưa xác định được việc thầy Đạt cho học trò tái hiện cảnh nóng là dung tục, gây hậu quả nghiêm trọng hay không, tòa án buộc phải ngưng để tìm một bên thứ ba có chuyên môn đánh giá, thẩm định. 

Vụ kiện liên quan đến quyết định kỷ luật 01 của nhà trường đối với thầy Đạt với hình thức Cảnh cáo, bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm khác. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng.

Theo quyết định này, ông Phạm Quốc Đạt có các sai phạm trong hoạt động chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

Trong đó, có sự việc hoạt động sân khấu hóa môn Văn của học sinh lớp ông Đạt phụ trách, ông Đạt tổ chức cho các em diễn kịch tái hiện cảnh "nhạy cảm" trong một số tác phẩm như "Bỉ vỏ", "Xuân tóc đỏ"...

Vụ “thầy giáo cho trò tái hiện cảnh nóng”: Hai bên đều “quá tay”? - 2
Vụ “thầy giáo cho trò tái hiện cảnh nóng”: Hai bên đều “quá tay”? - 3

Phân cảnh bị cho là nhạy cảm trong cảnh học sinh tái diễn tác phẩm văn học (Ảnh cắt từ clip)

Tại hai phiên tòa, phía nhà trường bác bỏ các yêu cầu trong đơn khởi kiện của ông Đạt và cho rằng việc nhà trường có quyết định kỷ luật là dựa trên những sai phạm của ông Phạm Quốc Đạt, theo quy định của Luật Viên chức.

Theo nhà trường, ông Đạt có hai hành vi sai phạm, bao gồm sai phạm trong hoạt động chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, cho rằng ông Đạt đã giảng dạy nội dung chương trình ngoài sách giáo khoa, đồng thời cho học sinh đi ngoại khóa không nằm trong kế hoạch nhà trường, không được Ban giám hiệu phê duyệt.

Sai phạm cụ thể ở đây là sự việc ông Đạt đã thực hiện hoạt động sân khấu hóa trong môn Văn đối với học sinh lớp 11 do ông phụ trách. Vào tháng 12/2018, ông Đạt tổ chức cho các em diễn kịch tái hiện một số đoạn trong các tác phẩm văn học như Quan Âm Thị KínhBỉ vỏ... Các clip buổi học ngoại khóa sau đó rò rỉ, gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội.

Trước câu hỏi “Nhà trường có quan điểm như thế nào về việc giáo viên có quyền sáng tạo, sáng kiến trong đổi mới sáng tạo?”, đại diện ủy quyền Trường THPT Võ Trường Toản cho rằng nhà trường rất khuyến khích đổi mới sáng tạo nhưng phải bám sát nội dung chương trình, có kế hoạch và chỉ đạo của cơ quan cấp trên...

Trong phiên tòa ngày 13/7, Viện kiểm soát chất vấn, nhà trường thành lập Hội đồng chuyên môn để kỷ luật ông Đạt liệu đã đủ chức năng? Việc Hội đồng nhà trường đánh giá sai phạm của ông Đạt là gây hiệu quả nghiêm trọng liệu có khách quan không? 

Có mặt tại tòa, ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho biết: "Trường ra quyết định kỷ luật căn cứ vào sai phạm cụ thể thầy Đạt. Theo tôi, sai phạm của thầy Đạt gây hậu quả nghiêm trọng là một đánh giá khách quan, trường đã cân nhắc rất kỹ quyết định này. Trách nhiệm của tôi là bảo vệ tôn nghiêm của nhà trường".

Cả phía nhà trường và ông Phạm Quốc Đạt đều đồng tình với đề xuất có bên thứ 3 thẩm định về việc thầy Đạt cho học trò "tái diễn cảnh nóng", clip đó có dung tục hay không. 

Trước đề xuất thứ ba đánh giá là Sở GD&ĐT TPHCM thì ông Đạt không đồng ý, cho rằng đánh giá của Sở GD&ĐT sẽ không khánh quan mà phải là nơi có chuyên môn về nghệ thuật, điện ảnh như Sở Văn hóa Thể thao hoặc Trường Sân khấu Điện ảnh. 

Liên quan đến sự việc, nhiều giáo viên cho rằng thầy giáo và nhà trường đều đã "quá tay". Đổi mới sáng tạo là hướng đi đúng nhưng giáo viên cần phải biết cảnh đó có cần thiết, có nhạy cảm không? Thầy giáo chọn tác phẩm ngoài chương trình, lại chọn những chi tiết "nhạy cảm" và liệu chi tiết đó có thật sự "không thể không tái diễn" không? 

Vụ “thầy giáo cho trò tái hiện cảnh nóng”: Hai bên đều “quá tay”? - 4

Ông Phạm Quốc Đạt trao đổi với người đại diện tại phiên tòa.

Đặc biệt, với môn Văn, theo các giáo viên, trước hết phải giúp học sinh cảm thấu được ý nghĩa của tác phẩm bằng mặt ngôn ngữ chứ không phải là loại hình nào khác. Nhiều người đang lạm dụng hình thức sân khấu hóa, trong khi, từ đọc hiểu chuyển thể sang sâu khấu hóa là một quá trình không hề đơn giản.

Trong hành trình đổi mới sáng tạo, chắc chắn giáo viên khó tránh khỏi những sai sót và rất cần sự hỗ trợ chuyên môn từ phía đồng nghiệp, nhà trường.

Phía nhà trường, nếu bám vào sai phạm để kỷ luật giáo viên thì thiếu tính xây dựng, hỗ trợ, thiếu nhân văn và khó tránh được điều tiếng "trù dập" giáo viên. 

Chưa kể, sau sự việc, nhiều lần tòa yêu cầu hòa giải nhưng giáo viên và nhà trường tiếp tục không tìm được nói chung, kiên quyết không hòa giải. 

Phía nguyên đơn, ông Phạm Quốc Đạt yêu cầu nhà trường bồi thường các thiệt hại liên quan đến thu nhập, ảnh hưởng danh dự, thuê luật sư, ông Đạt yêu cầu nhà trường bồi thường gần 136 triệu đồng. 

Sau hai phiên Sơ thẩm, Hội đồng xét xử tạm ngưng để xác minh lại các chứng chớ, ý kiến cơ quan chuyên môn về clip giảng dạy của bên nguyên đơn có phù hợp với mục đích giảng dạy hay không.

Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 11/8 tới.