Tiến sĩ Toán Harvard Lê Anh Vinh nhận xét về sách của GS Hồ Ngọc Đại

(Dân trí) - Tiến sĩ Toán Harvard Lê Anh Vinh nhận xét: “Nếu muốn thấy Toán cũng vui ra trò, lại còn gắn với thực tế, thay vì chỉ làm các phép tính thuần thục như trước đây, bạn có thể chọn sách Toán của GS Hồ Ngọc Đại”.

PGS.TS Lê Anh Vinh, HCB Olympic Toán Quốc tế năm 2001, TS Toán học ĐH Harvard, hiện đang đảm nhiệm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Gắn với thực tế

Theo PGS. TS Lê Anh Vinh, sau 2 tuần tìm hiểu, anh có một số nhận xét ban đầu về sách Toán Công nghệ giáo dục (CNGD). Các nhận định này, theo anh, hoàn toàn với danh nghĩa cá nhân, không liên quan đến trung tâm hay Viện KHGDVN, nơi anh đang công tác.

Các cuốn sách để nhận xét là bản sách đầu tiên, không phải bản sách nộp thẩm định nên anh cho rằng, mình không phản biện hay ủng hộ kết luận của hội đồng thẩm định.

Cụ thể, PGS.TS Lê Anh Vinh cho rằng, thứ nhất sách Toán CNGD có cách tiếp cận thống nhất, tập trung vào phát triển tư duy logic của học sinh hơn là thiên về tính toán đơn thuần. 

Anh lấy ví dụ, nếu muốn dạy học sinh cộng trong phạm vi 10, có thể có hai cách.

Tiến sĩ Toán Harvard Lê Anh Vinh nhận xét về sách của GS Hồ Ngọc Đại - 1

Nếu muốn thấy Toán cũng vui ra trò, lại còn gắn với thực tế, thay vì chỉ làm các phép tính thuần thục như trước đây, bạn có thể chọn sách Toán công nghệ giáo dục

Cách 1: Bạn dạy học sinh về phép cộng, sau đó dạy thật kĩ cho học sinh thành thạo các phép cộng với kết quả là 3, là 4, ..., dần dần đến phép cộng với kết quả là 10.

Cách 2: Bạn chỉ dạy học sinh hiểu về phép cộng, gắn nó với thực tiễn, rồi qua thực hành, qua ví dụ, hoạt động để học sinh thành thạo dần với phép cộng.

Giả sử có hai bạn An và Bình. An được học theo cách 1, Bình được học theo cách 2. Về cơ bản, đến cuối cùng An và Bình đều biết cộng trong phạm vi 10.

“Lúc đầu, Bình sẽ cộng chậm hơn An vì không được học bài bản từng bảng cộng. Nếu thi tính nhẩm hay làm trắc nghiệm nhanh, không khéo Bình thành học sinh kém.

Nhưng bù lại. Bình thấy Toán cũng vui ra trò, lại còn gắn với thực tế nữa. Còn An, suốt mấy tháng, Toán đồng nghĩa với bảng cộng, bảng trừ, không khéo có khi chán luôn Toán từ đấy.

Bạn có thể chọn cách 1, còn CNGD chọn cách 2”, PGS. Lê Anh Vinh viết.

Sách CNGD quá khó hay quá dễ?

Chuyên gia Toán học này cho biết, mình từng nghe phản ánh việc học sinh thực nghiệm ra ngoài không học được, không thi được vào trường khác vì học kiểu khác, học quá dễ.

Gần đây thì lại được nghe là “quá khó, quá nặng”. Thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng thực ra không mâu thuẫn.

Vẫn với ví dụ về dạy phép cộng trong phạm vi 10 ở trên, PGS Vinh cho rằng, sách  CNGD sẽ là “dễ” nếu như bạn chỉ quan tâm đến cộng thật nhanh, thật đúng.

Tuy nhiên, nó bị đánh giá là “khó” vì đòi hỏi học sinh phải tư duy, phải hiểu bản chất vấn đề. 

“Bí mật” của CNGD

CNGD luôn đề cao việc lấy học sinh làm trung tâm, thầy thiết kế, trò thi công từ vài chục năm trước. Phương pháp thật sự là thế mạnh của CNGD và được thể hiện khá rõ trong sách Thiết kế.

“Tôi có trao đổi với một số cán bộ Sở GD&ĐT ở các tỉnh triển khai CNGD, mọi người đều khá hài lòng và cho rằng “bí quyết” quan trọng nhất của CNGD chính là ở khâu đào tạo giáo viên.

Rõ ràng, chỉ cần giáo viên tốt, chương trình nào, sách giáo khoa nào cũng sẽ được triển khai thành công.

Tiến sĩ Toán Harvard Lê Anh Vinh nhận xét về sách của GS Hồ Ngọc Đại - 2

Sách Toán công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại cần được chú trọng hơn về mặt trình bày để hấp dẫn hơn với học sinh tiểu học.

Hạn chế của sách CNGD

Dù đánh giá cao về mặt nội dung nhưng theo PGS Lê Anh Vinh, sách CNGD có hai hạn chế không nhỏ:

Thứ nhất, sách cần được chú trọng hơn về mặt trình bày để hấp dẫn hơn với học sinh tiểu học.

Thứ hai, sách chưa dễ dùng để học sinh tự học. 

Theo chuyên gia này, xử lý hai hạn chế trên không khó nhưng cần đầu tư công sức và thời gian. 

Hướng tới tương lai

Trong công cuộc đổi mới lần này, với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách thì SGK không còn quá quan trọng nữa mà yếu tố quan trọng nhất chính là các thầy cô. 

Nếu giáo viên có đủ năng lực, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Từ đó, các thầy cô có thể tự chuẩn bị tài liệu dạy học của mình, miễn là đáp ứng được các yêu cầu cần đạt của chương trình. 

“Vì vậy, dù cũng là chủ biên một cuốn Toán 1 viết theo chương trình mới, tôi thực sự mong rằng các cuốn sách giáo khoa sẽ không còn bị “quan trọng hoá” trong thời gian tới. 

Chúng ta chỉ cần xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình một cách rõ ràng, cụ thể, để giáo viên, nhà trường có thể dựa vào đó mà giảng dạy và đánh giá học sinh, chứ không cần và không nên “đồng bộ hoá” các cuốn sách giáo khoa khác nhau”, PGS Lê Anh Vinh nói.

PGS.TS Lê Anh Vinh là tài năng toán học trẻ của Việt Nam. Anh "nổi sóng" cộng đồng mạng bởi truyền cảm hứng cho lớp trẻ đam mê học Toán. 

PGS.TS Lê Anh Vinh giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế và huy chương vàng Toán châu Á – Thái Bình Dương năm 2001.

Năm 2010, anh nhận bằng bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi.

Lê Anh Vinh là phó giáo sư trẻ nhất được phong tặng năm 2013, được mệnh danh là “thuyền trưởng”, dẫn dắt đội tuyển Toán tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) trong nhiều năm.

Mỹ Hà (ghi)