Thưởng tiền cho con: Bố mẹ làm mất động lực tự thân của con

(Dân trí) - Gần đây, nhiều bố mẹ lên mạng “khoe” chuyện thưởng tiền khi con làm việc nhà, khi con đạt điểm cao và hào hứng kể rằng con chăm làm, chăm học hơn hẳn. Đó có thể là tác động trực tiếp, ngay lập tức của việc thưởng tiền cho con. Nhưng về lâu dài, việc thưởng tiền sẽ có ảnh hưởng đến động lực tự thân của con.

Trẻ học vì trẻ chứ đâu phải học vì cha mẹ! 

Khi con còn nhỏ, con cần phải học tập, tìm hiểu kiến thức để sử dụng trong cuộc sống hiện tại và để phát huy tố chất, tiến tới làm công việc mình có khả năng, nhờ đó mà con có thể kiếm sống qua việc phục vụ những người khác. Do vậy, việc học là nhiệm vụ, trách nhiệm và cũng là quyền lợi của con. Khi học hỏi được nhiều điều hơn, bản thân con thấy hào hứng, vui vẻ và gắn bó, yêu thích với việc học. Như thế, việc tìm thấy niềm vui trong quá trình học tập, thấy mình tiến bộ dần lên chính là động lực tự thân của con.

Do vậy, nếu bố mẹ nảy ra “sáng kiến” thưởng tiền khi con được điểm cao thì chính là bố mẹ đã can thiệp vào quá trình tìm động lực tự thân của con, làm cho con nghĩ rằng con đang học cho bố mẹ.

Thưởng tiền cho con: Bố mẹ làm mất động lực tự thân của con - 1

Khi học hỏi được nhiều điều hơn, bản thân con thấy hào hứng, vui vẻ và gắn bó, yêu thích với việc học. (ảnh minh họa)

Các tác giả cuốn “Nghệ thuật xoay chuyển tình thế” chỉ ra rằng, nếu ai đó nhận được phần thưởng khi làm việc yêu thích, họ sẽ đưa ra kết luận tương tự như những người ngoài cuộc đang đứng quan sát họ hành động.

Còn bà Sugahara Yuko (người có kinh nghiệm mười mấy năm làm công tác tư vấn cho hàng vạn cha mẹ Nhật Bản về rèn luyện kỹ năng sống và nhân cách cho trẻ) cho rằng, việc bài kiểm tra được bao nhiêu điểm là việc của trẻ, trẻ học vì trẻ chứ đâu học vì cha mẹ. Cha mẹ lấy việc đạt điểm cao ở lớp của trẻ để thưởng tiền thì quả là chuyện vô lí.

Làm việc nhà là trách nhiệm của trẻ!

Thưởng tiền khi trẻ đạt điểm cao ảnh hưởng đến động lực tự thân của trẻ, cũng giống như vậy với việc bố mẹ thưởng tiền/trả tiền công khi trẻ làm việc nhà. Nhiều nhà tâm lý và chuyên gia giáo dục đều thống nhất quan điểm rằng, bố mẹ nên giao việc nhà cho trẻ để trẻ thấy rằng gia đình được xây dựng dựa trên trách nhiệm chung, và các thành viên trong gia đình cần phải giúp đỡ nhau. Làm việc nhà đỡ đần bố mẹ cũng mang lại cho trẻ niềm vui khi mình là người có ích. Trong khi đó, việc trả tiền khi trẻ làm việc nhà đã gửi đến trẻ một thông điệp sai lầm vì biến một nghĩa vụ trong gia đình thành giao dịch thương mại.

Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Gary Chapman, trẻ cần có những trách nhiệm thực sự trong gia đình để làm cho cuộc sống của người thân trở nên tốt đẹp hơn. Những trách nhiệm này thường khác nhau trong mỗi gia đình nhưng chúng có thể bao gồm việc chăm sóc em nhỏ, giúp cha mẹ nấu ăn, chăm sóc vật nuôi, tưới cây, trồng hoa, lau nhà, giặt quần áo…

Thưởng tiền cho con: Bố mẹ làm mất động lực tự thân của con - 2

Làm việc nhà giúp con nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm với gia đình (ảnh minh họa)

Trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, tác giả Sara Imas cho rằng mục đích quan trọng nhất khi để con làm việc nhà là rèn luyện tinh thần lao động, nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm với gia đình, để con cảm nhận được niềm vui khi giúp đỡ cha mẹ. “Nếu trẻ chỉ làm việc nhà khi được trả công thì còn gì gọi là tinh thần trách nhiệm nữa?”, bà Sara đặt lại vấn đề.

Theo bà Sara Imas cũng như một số chuyên gia về quản lý tài chính, các bậc cha mẹ có thể trả tiền khi con làm việc nhưng chỉ áp dụng với những việc không phải là việc nhà thường ngày. Giả dụ, nếu trẻ làm công việc mà bạn định thuê người khác đến làm thì số tiền đó đương nhiên bạn có thể đưa cho trẻ. Nếu thuê người khác làm thì bạn phải trả tiền công cho họ, vậy nên khi con nhận làm những việc đó, bạn cũng phải trả tiền công cho con.

Tuy vậy, một số nhà giáo dục vẫn không hào hứng với việc trả tiền khi trẻ làm những việc “đặc biệt” ở nhà. Chuyên gia tâm lý người Mỹ Gary Chapman khuyên rằng các bậc cha mẹ không nên để trẻ kiếm thêm tiền từ những việc phụ giúp trong gia đình mà nên khuyến khích trẻ kiếm tiền ở bên ngoài.

Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Phương pháp giáo dục