Thủ tướng chỉ đạo đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” của GS Hồ Ngọc Đại

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhóm tác giả và ý kiến chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.

Liên quan đến ý kiến của PGS.TS Nguyễn Kế Hào (TT Công nghệ giáo dục), về kết quả thẩm định các bản mẫu SGK môn Toán, Tiếng Việt lớp 1, do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kĩ ý kiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng đúng pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” của GS Hồ Ngọc Đại - 1

Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kĩ ý kiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.

Trước đó, Hội đồng thẩm định quốc gia đã đánh giá không đạt với bộ SGK công nghệ. Điều này khiến chương trình công nghệ giáo dục có thể “khai tử” sau 40 năm giảng dạy ở nhiều địa phương.

Ngày 23/9, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào đã đại diện cho cán bộ trung tâm CNGD viết kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sách CNGD bị loại.

Ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có văn bản trả lời về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông cho rằng, trả lời này chưa thoả đáng và tiếp tục kiến nghị lần 2 lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Trong thư, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào không chỉ thể hiện sự bức xúc, lo lắng về việc bộ sách Công nghệ Giáo dục bị Hội đồng thẩm định sách của Bộ GD&ĐT loại.

Ông còn bày tỏ mong muốn được gặp trực tiếp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để trình bày kĩ hơn, không những về sách công nghệ giáo dục mà còn cả một số vấn đề quan trọng của giáo dục phổ thông.

Thủ tướng chỉ đạo đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” của GS Hồ Ngọc Đại - 2

Nhiều chuyên gia đề nghị, cần xem xét, đánh giá sách “Tiếng Việt 1” và “Toán 1” CNGD của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại theo cơ chế khác

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cũng cho hay, năm học 2019 - 2020 tại 48 tỉnh/thành đang có trên 920.000 học sinh lớp 1 học theo sách “Tiếng Việt 1” CNGD.

Về thực tiễn, bộ sách CNGD đã từng góp phần tích cực làm lành mạnh và phát triển giáo dục tiểu học trong những giai đoạn bộ sách này được Bộ GD&ĐT cho áp dụng trong thực tiễn ở nhiều địa phương.

Không nên nhìn nhận bộ sách CNGD do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên như là sách cải cách giáo dục (triển khai từ năm 1981, được điều chỉnh hoàn thiện và phát huy tác dụng từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước); cũng không nên nhìn nhận bộ sách CNGD như sách của Chương trình tiểu học 2000 được triển khai và liên tục giảm tải từ năm học 2002 - 2003 đến nay.

Nên xem xét, đánh giá sách “Tiếng Việt 1” và “Toán 1” CNGD của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại theo cơ chế khác hoặc vận dụng Thông tư số 33/2017/TT-BGDDT một cách không xơ cứng, chi tiết mà căn cứ vào mục tiêu giáo dục, chuẩn đầu ra.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm