Phụ huynh "dậy sóng" tranh cãi "cho học sinh đi học hay nghỉ tiếp"

(Dân trí) - Trong khi nhiều thành phố lớn đang chưa quyết định việc cho học sinh đi học hay nghỉ tiếp từ ngày 17/2 tới đây, các phụ huynh có hai luồng ý kiến: Nên cho trẻ nghỉ tiếp hay đi học trở lại?

"Chậm một tuần không làm trẻ ...dốt"

Trước diễn biến của dịch do virus corona ở Trung Quốc và trong nước, vấn đề học sinh tiếp tục nghỉ học hay nên quay trở lại trường từ ngày 17/2 tới đây được hàng triệu phụ huynh quan tâm, đặc biệt là ở những thành phố chưa có quyết định cuối cùng.

Trong khi các cơ quan quản lý đang đánh giá tình hình để đưa ra quyết định, nhiều luồng ý kiến đang nổ ra trên mạng xã hội.

Mới đây, một cơ quan truyền thông tiến hành khảo sát trên mạng xã hội với hơn 12.000 người tham gia, có 65,8% phụ huynh chưa muốn con đi học trở lại từ 17/2.

Số người muốn con đi học ngay chỉ chiếm 16,46%. Còn có tới 17,74% phụ huynh muốn xem xét tình hình rồi mới quyết.

Trên đây chỉ là khảo sát nhỏ, được thực hiện bởi một cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều phụ huynh vẫn chưa an tâm khi trẻ quay lại trường hiện nay bởi tình hình dịch vẫn còn khá phức tạp.

Phụ huynh dậy sóng tranh cãi cho học sinh đi học hay nghỉ tiếp - 1

Nhiều phụ huynh lo sợ, nếu con đi học tiếp vào tuần tới liệu có an toàn? (Ảnh: minh hoạ). 

Một số người cho rằng, nếu nhà trường không tiếp tục cho nghỉ, phụ huynh sẽ chủ động cho con họ nghỉ học. “Thà mất vài ngày học còn hơn nguy cơ lây nhiễm”, chị Nguyễn Thị Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Hùng (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, mình không an tâm hai con phải đi học lại vào tuần sau.

“Con nhỏ của tôi đang học mầm non, tôi có thể cho nghỉ ngay. Con gái lớn hiện đang học lớp 4. Có thể tôi sẽ liên lạc với nhà trường để học tại nhà. Tôi sợ dù trang bị kỹ năng phòng dịch kỹ đến thế nào, vẫn có thể xảy ra sơ sẩy”, anh Hùng nói.

Chị Phan Lan (Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hai tuần cho học sinh nghỉ là chưa đủ dù chúng ta đã làm tốt công tác kiểm soát dịch trong thời gian này.

“Đừng vì kết quả hiện tại mà chủ quan. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể trở thành hoạ.

Việc học là cả đời chứ không chỉ vài ngày. Chậm thêm một tuần hay hai tuần, trẻ cũng không học dốt đi được”, chị Lan nói.

"Cần trở lại nhịp sinh hoạt bình thường"

Hai tuần nay, chị Thùy Dung (Hoàng Mai, Hà Nội) phải nghỉ việc ở nhà trông con.

“Nhà mình hai vợ chồng đều đi làm. Do ông bà ở Nghệ An quá xa, không thể gửi con nên chúng mình thống nhất với nhau: Ai lương thấp hơn thì ở nhà trông trẻ.

Tuy nhiên, cơ quan ban đầu còn thông cảm, chia sẻ nhưng rõ ràng không ai cho mình nghỉ dài tới cả tháng được. Điều quan trọng nhất, ở Hà Nội, dịch virus corona vẫn đang trong tầm kiểm soát, không có biến chuyển theo chiều hướng xấu. Do vậy tôi nghĩ việc trở lại trường là cần thiết”, chị chia sẻ.

Anh Nhật Cường, một phụ huynh đến từ Bắc Ninh hiện đang làm kinh doanh ở Hà Nội.

“Hai tuần nay, hai vợ chồng phải xoay như chong chóng vì không ai trông con.

Việc kinh doanh không chờ đợi được. Với tình hình dịch ở Hà Nội không quá phức tạp, nỗ lực phun sát khuẩn và sự chuẩn bị kỹ càng từ nhà trường, tôi nghĩ việc trở lại trường của các cháu lúc này là phù hợp, cần trở lại nhịp sinh hoạt đời thường, tránh xáo trộn kéo dài”, anh Cường nói.

Hiện tại trong nhiều nhóm trao đổi trên mạng của phụ huynh các lớp, nhiều bình chọn liên quan tới việc cho trẻ lại trường hay tiếp tục ở nhà được thực hiện. Cùng với đó là các ý kiến bảo vệ quan điểm liên tục được đưa ra.

Về cơ bản, quan điểm muốn con tiếp tục nghỉ cho rằng: Dịch vẫn phức tạp, học tạm dừng lại thì có thể học bù sau, sức khỏe thậm chí tính mạng của các cháu là quan trọng nhất.

Trong khi đó, không ít phụ huynh muốn trẻ trở lại trường vì: Dịch có thể phức tạp ở một số địa phương và ở bên Trung Quốc nhưng tại Hà Nội hay nhiều địa phương khác, tình hình khống chế, quản lý dịch đang thực hiện rất tốt. Vấn đề lo dịch có thể bùng phát ở trường do tâm lý lo lắng nhiều hơn.

Ngoài ra, các trường cũng đã tiến hành phun thuốc sát khuẩn, sẵn sàng đo thân nhiệt học sinh cẩn thận. Trẻ nghỉ quá lâu sẽ thay đổi nếp sinh hoạt khoa học mà các trường đã thực hiện...  

Phụ huynh dậy sóng tranh cãi cho học sinh đi học hay nghỉ tiếp - 2

"Lo lắng nghỉ học không ai trông con, vậy hoá ra nhà trường là nhà trẻ" ?

Ở một góc nhìn khác, ông Khúc Trung Kiên, nguyên Giám đốc Chiến lược Công ty Phần mềm FPT cho rằng, bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh về chương trình đào tạo, lo lắng có thể phải kéo dài năm học hay lùi kỳ thi quốc gia, rồi đảm bảo chất lượng,...

Điều này phản ánh tư duy giáo dục và chương trình đào tạo quá cứng nhắc. Như thế không thể đáp ứng nhu cầu của thế giới hiện đại. Nên quan niệm học sinh học được gì mới là quan trọng nhất!

Giả sử cho học sinh nghỉ 1-2 tháng, chương trình cắt giảm khoảng 20-25%, điều đó chẳng ảnh hưởng gì lắm đến xã hội. Điểm này có thể linh hoạt hơn. 

Thứ hai, bên cạnh việc lo lắng cho sức khoẻ con cái, nhiều cha mẹ ca thán vì không bố trí được người trông con.

“Cái này đúng là vấn đề. Nhưng quan niệm thế hoá ra, bình thường cha mẹ coi nhà trường là nhà trẻ trông giữ con mình”, ông Kiên thắc mắc. 

Chuyên gia này cho rằng, nếu cứ luôn coi nhà trường là nhà trẻ thì đến bao giờ chúng mới thành người lớn?

“Tóm lại triết lý và tư duy giáo dục dù là trong nhà trường hay ở gia đình, chắc chắn cần xem xét lại một cách nghiêm túc.

Dịch cúm gây rất nhiều thiệt hại và tiềm ẩn nguy cơ lớn nhưng cũng có mặt tích cực, đó là buộc chúng ta xem xét các vấn đề đã có từ lâu nhưng vẫn thường bỏ qua”, ông Kiên nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Phải an toàn, an tâm mới cho học sinh đi học trở lại"

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Covid-19 gây ra, cho ý kiến về việc học sinh đi học trở lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Ngày 11/2, tôi đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có hướng dẫn thật chi tiết, dễ hiểu để các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại”.

Nhấn mạnh “tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết, nhất thiết chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học thật sự an toàn. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà còn phải hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh an tâm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chưa làm được cho phụ huynh và học sinh an tâm thì chưa cho học sinh đi học trở lại ngay. Còn khi các em đã đi học trở lại thì trường, lớp phải thực sự an toàn.

“An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, của phụ huynh học sinh. An toàn và an tâm. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc cho học sinh nghỉ học tiếp chắc chắn có gây xáo trộn, trở ngại cho ngành giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của phụ huynh, của xã hội.

Tuy nhiên, những điều đó không thể so sánh được với sức khỏe, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân. Bởi những việc liên quan tới đông đảo người dân thì ngoài những yếu tố mang tính chuyên môn cũng phải đặc biệt lưu ý tới sự đồng thuận của nhân dân. Vì thế, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng.

* Còn theo bạn, nên cho con đi học trở lại từ 17/2 hay tiếp tục nghỉ tới hết tháng 2 để theo dõi thêm tình hình? Xin mời bạn chia sẻ ý kiến vào ô bình luận bên dưới.

M. Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm