GS Hồ Ngọc Đại: "Tôi sẵn sàng đối thoại về Chương trình và sách công nghệ giáo dục"
(Dân trí) - Sau khi có thông tin Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung và “Chương trình thực nghiệm”, chiều 22/11, trao đổi với PV Dân trí, GS Hồ Ngọc Đại, tác giả của Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục cho biết, ông sẵn sàng đối thoại về các vấn đề trên.
Theo GS Hồ Ngọc Đại, ông sẵn sàng đối thoại về Chương trình thực nghiệm cũng như SGK nếu như Bộ GD&ĐT tổ chức. “Bây giờ là việc của đất nước, không phải là việc của cá nhân tôi nữa”, GS Đại nói.
PGS. TS Nguyễn Kế Hào, người từng kiến nghị lên Thủ tướng và Phó Thủ tướng, cũng cho PV Dân trí biết, Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại không chỉ riêng SGK Tiếng Việt 1 – Công nghệ mà yêu cầu rà soát lại tất cả quy trình từ chương trình, Thông tư, tiêu chí đánh giá, thẩm định đến Hội đồng đánh giá.
“Tôi muốn hỏi, với những chỉ đạo về 3 vấn đề trên đây của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện ra sao”?
Cũng theo PGS Nguyễn Kế Hào, ông không đồng tình với cách thẩm định, kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia trước đó, bởi vì Sách Tiếng việt 1 công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại đã đưa vào dạy học hàng chục năm qua ở 48 tỉnh thành, gần 1 triệu học sinh theo học nhưng bị đánh trượt.
“Nếu họ yêu cầu sửa lại sách tác giả cũng không sửa bởi đấy đã là bản SGK hoàn chỉnh. Có chăng, Bộ GD&ĐT sửa tiêu chí, tiêu chuẩn vì các chỉ báo này có thể “đẩy” một số bộ sách ra”, PGS cho biết.
Về câu hỏi, một số chuyên gia đầu ngành cũng thừa nhận, một số chi tiết trong SGK công nghệ chưa đạt. Nếu cuộc đối thoại này, Hội đồng tiếp tục yêu cầu chỉnh sửa thì tác giả có thực hiện?
PGS Nguyễn Kế Hào cho hay: "Đây chỉ là những tiểu tiết. Nếu Hội đồng yêu cầu sửa, sửa xong lại bảo không được thì sao? Vì vậy, chúng tôi không thể chạy theo họ được. Quan trọng là nội dung sách như thế nào".
PGS Hào cũng cho rằng, muốn đánh giá theo tiêu chí, tiêu chuẩn nào cũng cần phải dựa vào thực tiễn. Đó mới là thước đó của chân lý, lửa thử vàng.
Thẩm định SGK như vừa rồi mới chỉ là bước 1, khi đưa ra thực nghiệm mới biết được SGK nào được đón nhận, đánh giá cao.
Riêng SGK Tiếng Việt 1 Công nghệ của Hồ Ngọc Đại, theo GS Nguyễn Kế Hào, cách đây 2 năm, chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thành lập Hội đồng quốc gia xem xét, đánh giá, thẩm định lại cho dạy học trong các trường.
Vậy mà, trong lần thẩm định này lại phủ nhận sạch trơn. Trước đây, nhiều đời Bộ trưởng đều trân trọng SGK Tiếng Việt 1 Công nghệ và đặc biệt 48 tỉnh, thành đang dạy học là thực tiễn chứng minh cho sách có hiệu quả hay không.
Trả lời phóng viên về thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngay sau khi PGS. TS Nguyễn Kế Hào thay mặt cho trung tâm thực nghiệm có tâm thư nói băn khoăn, mong muốn được xem xét lại sách giáo dục công nghệ, Bộ GD&ĐT rất trân trọng tâm thư, đồng thời có báo cáo trả lời.
Cũng theo ông Tài, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký trả lời rõ ràng, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để nói rõ vì sao Hội đồng đánh giá bộ sách này không đạt.
Về chỉ đạo đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức đối thoại, ông Tài cho hay, ngay trong quá trình thẩm định, Hội đồng đã tổ chức đối thoại với tác giả 2 lần và tác giả có ý kiến gì không. Tuy nhiên, lần đối thoại này GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì.
“Đến thời điểm này, Bộ chưa nhận được ý kiến nào chính thức từ GS Hồ Ngọc Đại theo đúng quy định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan.
Nếu có nhu cầu, Bộ Giáo dục sẽ tham mưu với Bộ trưởng để trực tiếp đối thoại với giáo sư Hồ Ngọc Đại”, ông Tài cho biết.
Về chỉ đạo của yêu cầu phải rà soát lại quy trình thẩm định SGK nói chung, ông Tài cho hay, ngày 15/10, Bộ đã nhận được kết quả thẩm định.
Từ đó đến nay, Bộ đã rà soát về tính pháp lý, liên quan đến luật xuất bản, luật sở hữu trí tuệ…, sau đó mới tổ chức công bố các bản SGK. Như vậy là rất công khai, minh bạch.
Về việc đánh giá lại chương trình thực nghiệm, ông Tài cho biết, năm 2017, Bộ trưởng đã cho đánh giá lại và tại thời điểm đó hội đồng đó có kết luận, với SGK tiếng việt 1 chỉ phù hợp với chương trình hiện hành điều chỉnh cho đến khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. “Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ rõ ràng và chính thức", ông Tài nói.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhóm tác giả và ý kiến chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kĩ ý kiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng đúng pháp luật.
Mỹ Hà