GS Hồ Ngọc Đại: Đánh vần bằng ô vuông, hình tròn, học sinh sẽ không tái mù chữ

(Dân trí) - GS Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của Công nghệ giáo dục, tác giả cuốn sách dạy học sinh lớp 1 đọc chữ bằng ô vuông, tròn, tam giác cho biết, học sinh học chương trình của ông chỉ một năm đọc thông viết thạo, không tái mù chữ.

Sẽ đọc thông viết thạo, không tái mù

Trao đổi tại buổi tọa đàm về công nghệ giáo dục 4.0 mới đây, GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ” của Công nghệ giáo dục (CNGD), tác giả cuốn sách dạy học sinh lớp 1 đọc chữ bằng ô vuông, tròn, tam giác cho biết: “Cuộc đời tôi coi như xong rồi, nhưng tôi muốn đất nước này, thế hệ hiện nay phải tự xác lập nên thời đại mới.

Người lớn, người đi trước không nên, không được và không có quyền lấy mình làm khuôn mẫu cho người khác. Khi có thế hệ trẻ con mới, có lịch sử mới thì cần phải có một nền giáo dục mới”.

Cũng theo GS Đại, căn bản nhất là phải xây dựng nền giáo dục mới như thế nào. Đó là nền giáo dục được xây dựng trên cơ sở lý thuyết không thể bắt bẻ được, trên một cơ sở vật chất không thể tốt hơn được ở thời điểm đó. Sứ mệnh của giáo dục là phải làm sao tạo ra được cái mới chưa hề có và tận dụng những gì có trong quá khứ. Chứ không nên cho học sinh đi lại quá khứ.

“Dù khó khăn nhưng tôi sẽ làm được. Tôi sẽ phá vỡ nền giáo dục cũ, để xây dựng một nền giáo dục mới. Mấy chục năm qua, trường thực nghiệm vẫn tồn tại, đó chính là minh chứng.

Công nghệ giáo dục, việc thiết kế rất khó, nhưng khi thực hiện ai cũng làm được. Những học sinh đến học với tôi, chỉ trong một năm có thể đọc thông, viết thạo… không tái mù", GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.

GS Hồ Ngọc Đại: Sau một năm học chương trình của tôi sẽ đọc thông viết thạo, không tái mù. (Ảnh: Đ.T).
GS Hồ Ngọc Đại: "Sau một năm học chương trình của tôi sẽ đọc thông viết thạo, không tái mù". (Ảnh: Đ.T).

Ông chia sẻ, ngày xưa có khẩu hiệu “Thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ”. Đến thời GS Hồ Ngọc Đại là “Thầy không giảng, trò không cần cố gắng” thì nền giáo dục mới lành mạnh.

Lý giải về điều này, ông cho rằng làm thế nào để học sinh không có cảm giác học mới là học. Học phải tự nhiên như hít thở không khí hàng ngày. Học sinh không bao giờ phải ôn tập.

“Mỗi thời điểm học sinh đến trường phải có giá trị của nó, cần tận dụng từng giây phút của trẻ trong đời người.

Người lớn, giáo viên phải “chịu thua” để dạy trẻ. Trẻ luôn có lý của bản thân, và người lớn phải căn cứ trên cái lý đó. Người lớn không thể lấy chuẩn của người khác để áp dụng cho trẻ - với tâm hồn trong sáng như cây cỏ. Vì vậy, người lớn không thể dạy trẻ bằng ảo tưởng, mong muốn của chính mình.

Khi có thế hệ trẻ em mới, lịch sử cần một nền giáo dục hoàn toàn mới”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

“CNGD sẽ tồn tại vĩnh viễn”

GS Hồ Ngọc Đại cho biết thêm, trong số tất cả công trình của mình, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do ông chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông. Đó là niềm an ủi vì đã thể hiện được tư tưởng, triết học và tâm lý học.

Học sinh 6 tuổi học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục sau một năm, chữ nào chắc chắn chữ đó nên không thể tái mù chữ. Người trưởng thành, hay học sinh cấp hai, cấp ba nếu viết sai thì do thầy, cô dạy chưa đúng.

Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại (Ảnh: Đ.T).
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại (Ảnh: Đ.T).

“Giáo viên kể lại cho tôi câu chuyện rằng ông bí thư xã nói con mình đang học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục. Gần Tết, cháu muốn xin nghỉ học, người cha nói nếu con viết được đơn xin nghỉ, ông sẽ đồng ý. Sau đó, con viết được ngay một lá đơn, người cha mừng quá. Sau khoảng 4-5 tháng, học sinh có thể viết được những điều mình mong muốn”, ông Hồ Ngọc Đại kể lại.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc: “Vì sao CNGD trong 40 năm qua vẫn chỉ dừng lại mức độ thực nghiệm. Có hai điều có thể xảy ra: Thực nghiệm đó chưa đủ cơ sở khoa học để triển khai đại trà hoặc cũng có thể Bộ GD&ĐT vẫn chưa làm hết trách nhiệm. Ông nghĩ sao về điều này”?

GS Đại cho hay: “Trong xã hội hiện nay, tôi thuộc về hàng thiểu số. Tôi hoàn toàn không có xu nào ngoài việc làm để sống. Điều này có nhiều lí do, tư duy giáo dục hiện nói chung và kể cả một số giáo sư nữa còn thấp quá, cộng thêm cả vụ lợi. Nhưng cái này có khi cuộc sống tự chấp nhận, đôi khi cuộc sống tự loại bỏ.

Tuy nhiên, tôi phải có cuộc sống tự vệ của tôi. Quan trọng nhất tư tưởng của nó là gì và kĩ thuật thực thi ra sao. Vì sao kéo dài như thế, tôi nghĩ đã có lịch sử xử lý, tôi không xử lý”.

Trước câu hỏi của PV về việc trong chương trình phổ thông mới sau này, sẽ không áp dụng những công nghệ mới của CNGD, liệu những đổi mới của ông sẽ tiếp tục đi về đâu? GS Đại cho rằng, công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn bởi đấy là công trình đích thực của lịch sử, không phải của cá nhân.

Mỹ Hà