Chấm thi môn Văn: Thí sinh gọi Xuân Quỳnh là "ông", bài thi bị "thả thính"

(Dân trí) - Theo một giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, một số em xưng nữ sĩ là "ông" Xuân Quỳnh, trích dẫn sai thơ, nhầm đây là tình yêu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến…

Thí sinh gọi nữ sĩ Xuân Quỳnh là "ông"

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay được nhiều thầy, cô đánh giá vừa sức, bám sát chương trình, có tính phân hóa cao.

Phần đa thí sinh đã được làm quen với cấu trúc mà trước đó bộ GD-ĐT đã ban hành, hướng dẫn. Đáp án tường minh, có tính mở, chú trọng đề cao tính sáng tạo của các em, bằng việc thưởng 0,75 điểm ở câu 1, 2 phần II. Làm văn.

Tuy nhiên, ở câu Nghị luận văn học, một số em chưa nêu vấn đề nghị luận: nội dụng và nghệ thuật của đoạn thơ; vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Thứ hai, thí sinh còn nhầm lẫn kiến thức, ngô khoai lẫn lộn. Một số em xưng nữ sĩ là "ông" Xuân Quỳnh, trích dẫn sai thơ, nhầm đây là tình yêu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến…

Thứ 3, các em còn diễn xuôi, tóm tắt nội dung đoạn thơ, một số em không cảm nhận về nghệ thuật như thể thơ, nhịp thơ, sự song hành của hai hình tượng sóng và em…

Phần "đánh giá vẻ đẹp nữ tính" còn mờ nhạt hoặc chưa thuyết phục, chưa khái quát phong cách thơ Xuân Quỳnh. Một số em qua bài thi để "thả thính" về tình yêu xa…

Đặc biệt, chúng tôi không khỏi bật cười khi mở bài có em viết: "Thu đi để lại lá vàng, Quỳnh đi (Xuân Quỳnh- PV) để lại muôn ngàn bài thơ"

Hoặc có em quả quyết: theo tôi, tình yêu luôn song hành với nỗi nhớ. Yêu là nhớ, nhớ da, nhớ diết. Yêu cũng phải có lập trình (?!).

Về phần chính tả, ngữ pháp trong các bài thi Ngữ văn năm nay cũng đáng bàn. Một số em viết rất cẩu thả. Câu sai về mặt ngữ pháp, diễn đạt luẩn quẩn, tối nghĩa. Chúng tôi phải căng mắt để đọc, thẩm định, đánh giá chính xác năng lực, tư tưởng, lập trường của các em.

Trên đây là những nhận xét, đánh giá về bài thi tốt nghiệp THPT lần 1, môn Ngữ văn. Hy vọng, đây là một góp ý để quý thầy, cô tham khảo và điều chỉnh cách dạy, cách học, đạt được kết quả cao trong các kì thi tới.

Chấm thi môn Văn: Thí sinh gọi Xuân Quỳnh là ông, bài thi bị thả thính - 1

Một số em khá giỏi đã mở bài gián tiếp, có vận dụng lý luận văn học, lý luận rõ ràng (Ảnh: Đỗ Linh). 

Trên 90% bài thi đạt điểm tối đa cho câu hỏi nhận biết

Qua chấm thi tại hội đồng thi tốt nghiệp THPT tỉnh Nghệ An năm 2021, chúng tôi có một số nhận xét sau. Đa số học sinh (HS) hiểu đề, làm bài thi môn Ngữ văn khá tốt. Ở phần đọc - hiểu, các em đã biết bám vào đoạn trích để khai thác thông tin, phục vụ bài viết của mình.

Cụ thể ở câu 1, phần lớn thí sinh trả lời chính xác đáp án về sự ra đời của một dòng sông. Tương tự ở câu 2, món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả: những vùng châu thổ màu mỡ hình thành nên những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới. Trên 90% đạt điểm tối đa cho 2 câu hỏi nhận biết này.

Câu 3, phần lớn thí sinh trả lời được 2 ý: dòng chảy của nước và cuộc sống của con người. Riêng ý 3, về mối quan hệ giữa dòng chảy của nước và cuộc sống của con người, nhiều em trả lời còn non, hoặc còn mờ nhạt.

Chấm thi môn Văn: Thí sinh gọi Xuân Quỳnh là ông, bài thi bị thả thính - 2

Đã có ít nhất 4  bài thi Ngữ Văn đạt 9,75 điểm  ở Nghệ An (Ảnh: Đỗ Linh). 

Câu 4, thí sinh đã rút ra được những bài học phù hợp: tinh thần vượt khó, sự cống hiến…nhưng để mất điểm rất đáng tiếc ở phần lệnh, cơ sở: hành trình từ sông ra biển.

Phần Làm văn, câu 1, các em đã xác định đúng chủ đề về sự cống hiến, đã nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của sự cống hiến. Sự cống hiến đã làm cho cuộc sống của bản thân có ý nghĩa, được yêu mến trân trọng; góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhiều em có lập luận chặt chẽ, sắc sảo, lấy được các dẫn chứng tiêu biểu như tấm gương Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc; các y bác sĩ trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid- 19…

Một số em còn phản biện, lật trở vấn đề để bài viết sâu sắc hơn, thuyết phục hơn, thể hiện rõ tư tưởng, lập trường của mình. Ý thơ Tố Hữu trong bài "Một khúc ca xuân" cũng được một số thí sinh vận dụng: "Nếu là con chim, là chiếc lá. Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không trả. Sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình" và thể hiện tâm nguyện, lời hứa sẽ cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước, tự dặn lòng "Ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay"?.

Do được ôn luyện kĩ nên ở câu này, đa số thí sinh đều đạt ở mức trung bình trở lên, một số em đạt điểm tối đa. Tuy nhiên, vẫn còn một số thí sinh triển khai vấn đề nghị luận thành nhiều đoạn, dung lượng quá dài (đề bài yêu cầu khoảng 200 chữ tương ứng 2/3 trang giấy thi).

Số ít chưa biết xoáy vào sự cần thiết của sự cống hiến mà triển khai thành bài văn nghị luận xã hội, có giải thích sự cống hiến, biểu hiện, ý nghĩa, rút ra bài học về nhận thức và hành động…Một số em không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu, không thuyết phục.

Ở câu Nghị luận văn học 5,0 điểm, thí sinh cảm nhận được nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình qua sự suy tư, trăn trở về tình yêu, nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu và tâm tư, tình cảm đó lại được thể hiện qua các hình thức nghệ thuật độc đáo.

Thí sinh có nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Một số em khá giỏi đã mở bài gián tiếp, có vận dụng lý luận văn học, liên hệ, đối sánh; luận điểm rõ, luận cứ xác đáng…