Vị Tiến sĩ yêu cầu bố mẹ cam kết "không đánh con" mới nhận vào trường

Hoài Nam

(Dân trí) - Khi phỏng vấn một học sinh có biểu hiện bị bạo hành, TS Giáp Văn Dương yêu cầu bố mẹ phải cam kết không đánh con trong 30 ngày, mới đồng ý làm thủ tục nhập học.

Câu chuyện được TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Tiểu học Times School chia sẻ tại tọa đàm "Bạo lực gia đình & rối loạn tâm lý của trẻ". 

Vị Tiến sĩ yêu cầu bố mẹ cam kết không đánh con mới nhận vào trường - 1

Các diễn giả tại tọa đàm "Bạo lực gia đình & rối loạn tâm lý của trẻ" (Ảnh chụp lại màn hình).

Ông kể, cách đây không lâu, ông trực tiếp phỏng vấn một học sinh vào trường và nhận thấy em có những bị biểu hiện bị bạo hành như luôn sợ hãi, lo lắng, luôn nhìn bố mẹ khi được hỏi ý kiến. Ông trao đổi trực tiếp với gia đình, bố của đứa trẻ thừa nhận mình đánh con. 

"Khi đó, tôi đã yêu cầu phụ huynh phải cam kết 30 ngày tới không đánh con. Sau đó, đưa trẻ trở lại trường để xem xét rồi mới làm thủ tục nhập học", TS Giáp Văn Dương kể. 

Một tháng sau, gia đình quay trở lại, việc ông bố không còn đánh con trong thời gian qua được xác nhận. Sau đó, ông Dương cho biết, gia đình cậu học trò chuyển đến nơi khác sinh sống, không nhập học tại trường nhưng cả năm sau đó, người bố vẫn liên lạc cảm ơn ông đã nhắc nhở, nghiêm khắc để họ nhìn nhận lại vai trò làm bố, làm mẹ, không còn đánh đập con nữa. 

Trẻ bị bạo hành gia đình, đặc biệt là những sự việc gây chấn động vừa qua như bé N.T.V.A, học lớp 3 ở TPHCM bị người tình của bố đánh đập đến chết, bé L.H.A, học lớp 1 ở Hà Nội bị bố đánh gây tử vong trong khi học bài đặt ra mối quan tâm trong việc bảo vệ trẻ ở phía nhà trường, giáo viên. 

Tuy nhiên, việc tiếp cận như thế nào trong trường hợp phát hiện, nghi ngờ học trò bị bạo hành luôn là việc không hề dễ dàng với trường học, giáo viên. Phải nói, đây vẫn là vấn đề nhạy cảm mà nhiều giáo viên vô cùng lúng túng chưa tìm được hướng xử lý. 

TS Giáp Văn Dương cho hay, đối với học sinh,  giáo viên cần đưa các nội dung về quyền trẻ em vào các tiết học, sinh hoạt, trải nghiệm để các con biết quyền của mình được pháp luật bảo hộ. 

Tiếp cận với bố mẹ là việc khó nhất, cần vừa có lý vừa có tình. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất ổn, có vết thâm bầm tím, giáo viên cần trao đổi với bố mẹ để xem có chuyện gì xảy với trẻ.

Về lý, ông Dương nhấn mạnh, chúng ta phải nói để họ biết bạo lực với con là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Khi phát hiện nhà trường phải có trách nhiệm can thiệp. 

Về cái tình, giáo viên cần trao đổi với bố mẹ, phân tích để họ hiểu hành vi vi phạm pháp luật và tác hại của bạo lực với con trẻ. Nhiều phụ huynh họ không hiểu việc mình làm đang gây tác hại cho trẻ. 

Để làm được điều này, đòi hỏi thầy cô phải nắm về pháp lý và đặt sự phát triển lành mạnh của trẻ làm định hướng để trao đổi với phụ huynh. 

"Nhà trường có sự tôn nghiêm của nhà trường. Chúng ta dùng sự tôn nghiêm đó để bảo vệ học sinh và yêu cầu phụ huynh hợp tác", TS Giáp Văn Dương nhấn mạnh. 

Đừng gieo án "chung thân" cho con 

TS Giáp Văn Dương nêu quan điểm, khi bố mẹ ép con, đánh con, bắt con sống theo tiêu chuẩn, con đường của mình, sống theo thế giới quan của mình đồng nghĩa với việc chúng ta ban cho con bản án "chung thân". 

Trước những phán xét của bố mẹ, đứa trẻ không phản kháng, kháng án thì điều đó sẽ đi theo chúng suốt đời. Chúng tin rằng đó là sự thật và sống với bản án, phán xét đó. 

"Một người mang án sẽ sống với nó và sống theo đúng quy định hành xử của bản án", ông cảnh báo.

Vị Tiến sĩ cho rằng, bố mẹ ép con sống theo ý mình, nhìn thế giới theo cách của mình, theo bộ tiêu chuẩn của mình là đang giam hãm con trong quá khứ của mình, giam hãm con trong sự thất bại của mình. 

Điều này không chỉ hạn chế sự phát triển của con mà còn tạo ra sự phát triển lệch lạc của con, đẩy con vào vòng xoáy bế tắc, tiếp tục bạo hành con cái của mình. 

Nhắn nhủ với bố mẹ trên hành trình dạy con, tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng, bố mẹ hãy ngồi xuống với con cùng học tập, cùng trao đổi, lắng nghe, cùng khám phá hành trình phía trước bằng sự kết nối, sự khiêm nhường, bằng tinh thần học hỏi, đồng kiến tạo. 

Quá trình này sẽ giúp bố mẹ cải thiện chính con người mình, cải thiện hạnh phúc gia đình.  Còn ngược lại dùng bạo lực, sự ép buộc với trẻ để ép con đi theo con đường, cách sống, cách nghĩ, thực hiện ước của mình chỉ phản tác dụng và gây ra nhiều đau thương.