Thanh Hóa:

Tương lai nào cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm chất lượng cao?

Trần Lê

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý tuyển dụng sinh viên chất lượng cao tại Trường ĐH Hồng Đức. Tuy nhiên, trong số 22 sinh viên tốt nghiệp theo Đề án, chỉ có 2 sinh viên đáp ứng quy định.

Tương lai nào cho sinh viên chất lượng cao?

Đến thời điểm này, đã có 22 sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp từ Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học (ĐH), ngành sư phạm (gọi tắt là Đề án) của Trường ĐH Hồng Đức. Tỉnh Thanh Hóa đã giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan trên cơ sở đề nghị của Trường ĐH Hồng Đức, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, nhu cầu sử dụng giáo viên của tỉnh hiện nay, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Tháng 7/2022, Trường ĐH Hồng Đức đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp từ Đề án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ Đề án vẫn chưa được tuyển dụng.

Tương lai nào cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm chất lượng cao? - 1

Trường ĐH Hồng Đức đã dừng tuyển sinh đề án chất lượng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân trí, ông Lê Văn Nguồn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho biết, đào tạo ra tuyển dụng ngay là không có. Việc tuyển dụng viên chức phải tuân thủ quy định tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP, ngày 5/12/2017 và Nghị định 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Theo Sở GD&ĐT, đối với THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, so với biên chế tỉnh giao còn thiếu 280 giáo viên, còn theo định mức quy định của tỉnh còn thiếu 530 giáo viên.

Theo ông Lê Văn Nguồn, đối với sinh viên tốt nghiệp từ Đề án đầu ra hầu hết không đúng đối tượng theo quy định nên không thể đặc cách được. Tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo giao Sở GD&ĐT và các huyện nếu có tuyển dụng thì thông tin cho các sinh viên tốt nghiệp từ Đề án biết để tham gia tuyển dụng giống như sinh viên các trường khác.

Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức chia sẻ, sinh viên học chất lượng cao là được học các môn học mới nhiều hơn, ưu tiên các thiết bị hiện đại nhất trong trường, được miễn ở trong ký túc xá, học bổng cao hơn...

"Trong quá trình triển khai, có công văn dùng từ ưu tiên trong tuyển dụng, sau đó có thời điểm giao thời giữa khóa trước và khóa này, mà lại không có một văn bản quy định nào của tỉnh là phải tuyển dụng ngay khi vừa tốt nghiệp. Việc tuyển dụng không phải là trách nhiệm của trường, trường không có một ràng buộc nào, mà việc này của các sở liên quan trên địa bàn.

Ngay khi trúng tuyển và trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng đã truyền thông, tư vấn cho sinh viên hiểu, nhà trường, giáo viên cũng không nói học lớp này ra là có việc làm ngay", ông Bùi Văn Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, thời điểm khó khăn, nhà trường cần một cú hích để tuyển sinh viên giỏi vào sư phạm. Tuyển sinh nhóm này là trường vất vả, lỗ, số lượng ít mà vẫn phải mở một lớp, tạo điều kiện cơ sở vật chất, học bổng…

Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức thừa nhận, nhờ ngành chất lượng cao mà những năm gần đây, điểm chuẩn của nhà trường cao lên, có sự quan tâm của xã hội. Hiện nay, UBND tỉnh đã biết và đã chỉ đạo, các sở, ban, ngành đã làm công văn trả lời, giao cho đầu mối Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tuyển dụng.

Sau nhiều năm Đề án được triển khai, theo Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, nhà trường đã hoàn thiện sứ mạng nên sẽ dừng tuyển sinh ngành sư phạm chất lượng cao từ năm 2023.

Việc tuyển dụng phải theo quy định hiện hành của Chính phủ

Trước đó, ngày 2/4/2018, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản về việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên.

Theo đó, để triển khai có hiệu quả Đề án, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Điều kiện tuyển dụng được UBND tỉnh Thanh Hóa nêu ra đối với ứng viên là: Tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ Đề án; có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài; có điểm thi đầu vào ĐH từ 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển ĐH (không tính điểm nhân hệ số (nếu có) của từng môn thi), trong đó không có môn nào dưới 5,0 điểm và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8,0 điểm trở lên hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào ĐH theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Chỉ tiêu tuyển dụng là 20 chỉ tiêu/ngành/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Việc tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Và trong quy định đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH ở Trường ĐH Hồng Đức, ban hành kèm theo Quyết định số 2536/QĐ-ĐHHĐ, ngày 29/12/2017 của Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức có đề cập, sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo chất lượng cao được ưu tiên xét chuyển tiếp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hoặc tuyển chọn làm giáo viên trung học của tỉnh Thanh Hóa…

Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, ngành sư phạm tại Trường ĐH Hồng Đức được triển khai từ năm 2018. Có 4 ngành được mở, đào tạo gồm: Sư phạm toán, vật lý, ngữ văn và lịch sử.

Kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2018-2022 có tổng 239 sinh viên tại 4 ngành. Khóa 2018-2022, đã có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại Xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi.

Chủ trương nêu ra là vậy, tuy nhiên, việc tuyển dụng phải tuân thủ các quy định hiện hành của Chính phủ. Trên cơ sở đó, những sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên cũng chẳng khác so với các sinh viên sư phạm bình thường và sinh viên tốt nghiệp từ các trường khác.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, trong số 22 sinh viên tốt nghiệp theo Đề án, chỉ có 2 sinh viên đáp ứng quy định tại Điều 2, Nghị định 140/2017/NĐ-CP.

Điều 2, Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ, quy định:

1. Sinh viên tốt nghiệp ĐH loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục ĐH ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc ĐH, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp THPT;

b) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT hoặc bậc ĐH;

c) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc ĐH được Bộ GD&ĐT công nhận.