Trường nghề tuyển sinh online theo kiểu... "con nhà nghèo"

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Hầu hết trường nghề tự tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến với nguồn nhân lực cơ hữu chứ không mời đơn vị chuyên trách. Có trường còn dùng điện thoại di động để ghi hình chuyên gia tư vấn.

Tận dụng con người và thiết bị sẵn có

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm 2021 ở trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM cho biết, năm 2021 là một năm tuyển sinh rất khó khăn của các trường nghề. Covid-19 đã buộc các trường nghề phải đầu tư chuyển đổi số, tăng cường truyền thông tuyển sinh online.

Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM đánh giá rất cao sự đổi mới của hệ thống trường nghề khi đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh online với nhiều hình thức sáng tạo như đăng thông tin trên fanpage, tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tuyến qua các nền tảng Zoom, Google Meet…

Trường nghề tuyển sinh online theo kiểu... con nhà nghèo - 1

Dịch Covid-19 buộc các trường nghề phải chuyển biến chiến lược truyền thông tuyển sinh từ trực tiếp sang online (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho rằng, năm 2021, trong tình cảnh khó khăn chung vì Covid-19 mà trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu là nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông online theo sự chỉ đạo của Tổng cục GDNN và Sở LĐ-TB&XH TPHCM.

Trường Nguyễn Tất Thành đã ứng dụng rất nhiều hình thức truyền thông online như quảng cáo online, thực hiện các tọa đàm chuyên đề tuyển sinh trực tiếp trên fanpage của trường, làm clip giới thiệu các ngành nghề đăng youtube, định kỳ viết bài giới thiệu ngành học đăng website trường, tăng cường chụp ảnh truyền thông đăng trên các kênh của trường…

Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng chia sẻ lo lắng vì hầu hết các trường nghề còn khó khăn, phải truyền thông online theo kiểu "con nhà nghèo", tận dụng nhân sự là giảng viên của trường, sử dụng thiết bị sẵn có như laptop cá nhân, điện thoại di động để ghi hình, làm livestream…

 "Các trường đại học đầu tư phòng ghi hình tư vấn trực tuyến rất chuyên nghiệp, hiện đại. Còn các trường nghề thì có nơi còn dùng điện thoại di động để ghi hình chuyên gia tư vấn. Các trường đại học mỗi mùa tuyển sinh đầu tư ít thì vài tỷ, nhiều thì cả chục tỷ. Còn trường nghề thì vài trăm triệu đã là nhiều", ông Tuấn cho biết.

Trường nghề tuyển sinh online theo kiểu... con nhà nghèo - 2

Giáo viên các trường nghề phải tự trang bị kỹ năng và dùng laptop cá nhân để tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp online (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phải dành kinh phí để đầu tư truyền thông online

Hiệu trưởng Trung cấp Nguyễn Tất Thành đánh giá, việc chuyển chiến lược từ tư vấn tuyển sinh trực tiếp sang online ngay giữa mùa cao điểm tuyển sinh khiến trường gặp nhiều khó khăn.

Do phải sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật số vào công tác tuyển sinh khiến công tác vận hành gặp nhiều bất cập, nhân sự còn lúng túng vì trang thiết bị và năng lực cán bộ còn hạn chế.

Tại các trường công, tình hình này còn khó khăn hơn vì việc xin vốn đầu tư kinh phí tuyển sinh, trang thiết bị phức tạp hơn các trường tư rất nhiều.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng từng chia sẻ, trường hầu như không có kinh phí cho truyền thông tuyển sinh.

Khi chuyển sang truyền thông online, trường phải tận dụng hết trang thiết bị sẵn có, nhân sự phải học thêm kỹ năng mới, thực hiện các giải pháp "rẻ tiền" như tham dự các hội chợ tuyển sinh, chương trình tư vấn tuyển sinh chung với nhiều đơn vị khác… chứ không tổ chức chương trình riêng để giảm chi phí.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) thông cảm với các trường nghề về việc tùy cơ ứng biến, dùng đủ cách để đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh online trong điều kiện kinh phí hạn hẹp.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Minh Sự thì các trường không thể mãi than vãn mà cần phải quyết tâm hơn, chịu đầu tư hơn cho công tác truyền thông tuyển sinh online.

Trường nghề tuyển sinh online theo kiểu... con nhà nghèo - 3

Ông Đặng Minh Sự khuyến nghị hệ thống GDNN cần dành kinh phí làm công tác truyền thông online một cách bài bản (Ảnh: Tùng Nguyên).

Trưởng phòng GDNN cho rằng, dù bộ phận tuyển sinh của các trường linh hoạt để thích ứng nhưng không thể cứ mãi làm việc nghiệp dư như vậy, cần đầu tư thực hiện chuyên nghiệp và chỉn chu hơn để xây dựng hình ảnh, uy tín của hệ thống GDNN.

Ông Đặng Minh Sự cho biết, các cơ quan quản lý GDNN sẵn sàng hỗ trợ các trường về công nghệ, kỹ thuật để đẩy mạnh công tác truyền thông online. Nhưng các trường phải có quyết tâm và bỏ vốn đầu tư cho công việc chuyển đổi số.

Theo ông Sự, nhiều trường than về việc tuyển sinh khó khăn, nhưng thực tế là rất yếu lĩnh vực truyền thông tuyển sinh online. Trong khi đó, có những nơi đầu tư bài bản cho phòng ghi hình, livestream rất chuyên nghiệp nhưng chi phí cũng không quá lớn, quan trọng là các trường định hướng đúng và quyết tâm làm.

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), khuyến nghị hệ thống GDNN cần dành kinh phí làm công tác truyền thông tuyển sinh online một cách bài bản, có kế hoạch đầu tư trang thiết bị, năng lực nhân sự ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh mới.

Ông Đặng Minh Sự cho biết, sang năm 2022, Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ liên kết với các trường cao đẳng chuyên ngành để tổ chức các chương trình tập huấn công tác quay clip, chụp hình, tư vấn truyền thông… nhằm nâng cao năng lực truyền thông online cho các trường trong hệ thống GDNN.