"Sớ Táo Quân" hơn 270 triệu đồng: Người thảng thốt, người thấy... không lạ!

Hoài Nam

(Dân trí) - Dự tính thu chi hơn 270 triệu đồng dài như "sớ Táo Quân" của một lớp 9 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM kéo theo nhiều tranh cãi trái chiều.

Danh sách dự tính thu chi của lớp này kéo dài như "sớ Táo Quân" của phụ huynh một lớp cuối cấp tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM kéo theo những ý kiến, tranh cãi nảy lửa quanh vấn đề tiền trường thông qua phụ huynh. 

310445248_875317966962878_3812407553245149307_n-edited.jpeg

Bảng dự tính thu chi hơn 270 triệu đồng tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM gây tranh cãi.

Theo dự tính của phụ huynh lớp, có 32 khoản cần chi với tổng số tiền trên 270 triệu đồng. Trong đó có khoản cơ bản (gồm 11 khoản như bổ sung cơ sở vật chất đầu năm 2,45 triệu đồng, chụp hình, phong trào báo đội, hội khỏe phù đổng, tiền điện...) khoảng 40 triệu đồng; quà tặng cho giáo viên dịp 20/11 và Tết (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, bảo vệ, giám thị, bảo mẫu) với tổng số tiền 58 triệu đồng; chi cho các con (photo, làm kỷ yếu, quà sinh nhật, phần thưởng, liên hoan, văn nghệ... ) tổng số tiền khoảng 180 triệu đồng. 

Trước đó, một lớp 9 khác của trường này cũng có dự tính chi cho năm học từ đóng góp của phụ huynh với số tiền hơn 165 triệu đồng. 

Con số hàng triệu đồng của phụ huynh một lớp "chi thêm" cho việc học của con em ngoài các khoản bắt buộc (như học phí, tiền bán trú, dạy hai buổi, bảo hiểm, đồng phục...) được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội với nhiều bức xúc.

Nhiều người thảng thốt không thể hình dung nổi số tiền chi trong trường học thông qua đóng góp của phụ huynh khủng khiếp đến vậy. Khoản tăng thêm này có khi cao hơn các khoản chi phí chính thức. 

Chị Trần Thị Diệu, ở Gò Vấp, TPHCM, có hai con đi học thốt lên trước số tiền 270 triệu đồng: "Sao con trẻ đi học tốn kém như vầy?". 

Theo chị, ở trường công lập ít nhiều đều cần sự hỗ trợ, đóng góp trong các hoạt động của các con nhưng cần có giới hạn. 

"Phụ huynh chỉ nên tham gia ở các hoạt động cơ bản và phải tiết kiệm. Còn đằng này nhiều trường bày vẽ đủ hoạt động, rất hoang phí bằng tiền của phụ huynh. Chỗ nào phụ huynh cũng có mặt, cũng gồng gánh trở thành áp lực rất lớn và gây phản cảm", chị Diệu bày tỏ. 

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều hoạt động trong trường học cần sự đóng góp của phụ huynh góp phần làm trầm trọng vấn nạn "tiền trường" đã được nhắc đến lâu nay. 

Chưa kể, thông qua các hoạt động, số tiền phụ huynh đóng góp càng khắc họa rõ nét thêm góc nhìn "hội phụ huynh như cánh tay nối dài của nhà trường" lâu nay. 

Không phải làm chuyện lạ!

Bên cạnh những ngỡ ngàng và phản ứng bức xúc về "sớ" thu chi hàng trăm triệu tại Trường THCS Lê Quý Đôn, nhiều người lại không hề ngạc nhiên trước vấn đề này, trước những con số đó. 

Chị Thảo Thương, có con học ở quận 1, TPHCM chia sẻ, nhìn vào con số 270 triệu đồng thì rất lớn nhưng nếu chia cho từng em trong cả năm học lại "không khủng". 

"Ai có con học ở các trường trung tâm thành phố quận 1, quận 3 cũng hiểu mức đóng trong năm nếu gom lại cho một lớp có khi còn cao hơn. Tôi từng đóng cho con như thế, thậm chí nhiều hơn thế nhưng chia nhỏ theo đợt và tùy lòng nên không hề áp lực", chị Thương nói. 

Theo chị Thương, có điều do cách làm. Cách làm thì có người này người kia, Ban đại diện cha mẹ học sinh hay giáo viên chủ nhiệm có thể chưa có cách, chưa khéo. Ở chỗ chị, lúc nào hội phụ huynh học sinh cũng luôn kèm câu: "Tùy lòng của mỗi ba, mẹ; gia đình mình khó khăn thì đóng trong khả năng".

Lúc đầu chuyển con từ quê vào TPHCM học, chị Thương cũng rất áp lực nhưng sau đó, chị nhìn thấy việc đóng đúng mục đích, mang lại những hoạt động giá trị cho con. 

Sớ Táo Quân hơn 270 triệu đồng: Người thảng thốt, người thấy... không lạ! - 2

Một lớp 9 khác của trường này có dự tính thu chi hơn 165 triệu đồng.

Anh Trần Minh Đạo, có con học ở quận 5, TPHCM chia sẻ, nhiều phụ huynh có điều kiện, vài triệu đồng với họ chỉ là bữa nhậu, bữa hát hò, họ muốn chăm chút cho việc học, các hoạt động của con là điều dễ hiểu.

Không chỉ khoản tiền chung này, nhiều phụ huynh họ còn sẵn sàng hỗ trợ học sinh, nhà trường rất nhiều thông qua các gói học bổng, cơ sở vật chất.

Ông bố cho hay, ở trung tâm TPHCM, tổ chức một buổi gặp, liên hoan, tổng kết riêng tiền thuê mặt bằng đã cả chục triệu đồng.

Hàng trăm triệu có thể nhiều nhưng tính cho cả chục hoạt động trong năm, cho hàng chục em ở trung tâm thì tính ra không bao nhiêu.

Đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh, anh Đạo đưa ra quan điểm họ không phải là người có chuyên môn, tổ chức, quản lý tài chính. Nhiều người không biết thực hiện cách nào để hiệu quả nhất, để tránh sai sót nên mới có bảng dự trù như "sớ Táo quân" như vậy.

"Họ làm hoàn toàn vì con em mình, không được trả lương, lại mất rất nhiều công sức. Chúng ta cần thông cảm thay vì lên án", anh Đạo nói. 

Như chia sẻ của chị T.A - Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp có dự tính thu chi 270 triệu đồng - các em năm cuối cấp có nhiều hoạt động hơn, phụ huynh cũng muốn dành sự chăm lo tốt nhất cho các con.

Phụ huynh lớp khắc phục bằng cách làm lại bảng dự tính thu chi mới, các hoạt động được chia theo từng tháng, từ tháng 9 năm nay đến tháng 6 năm sau đúng nguyên tắc "làm đến đâu đóng tới đó" . 

Trong danh sách này, một số hoạt động của học sinh số tiền để trống chờ thu theo tình hình thực tế. Ngoài ra, phần quà tặng cho thầy cô cũng sẽ được tách riêng, kêu gọi sau. 

Theo anh Trần Minh Đạo, vấn đề là các hoạt động cần thực chất, các khoản chi phù hợp, cách tổ chức kêu gọi cần đúng tinh thần tự nguyện... để làm sao các hoạt động ở trường cần đến sự hỗ trợ của phụ huynh không cản trở những gia đình có điều kiện, tự nguyện nhưng không gây áp lực cho gia đình khó khăn hoặc không ủng hộ. 

Dừng thu quỹ ở hai lớp 

Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM đã làm việc với Ban đại diện phụ huynh của hai lớp 9 có dự tính thu chi 165 triệu đồng và 270 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Diệu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi làm việc trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh nhận thấy bảng dự tính này chưa phù hợp với quy định hiện hành. Ban đại diện hai lớp thống nhất dừng bảng dự trù, dừng thu để điều chỉnh lại cách thực hiện đúng với quy định.