Luật sư 12 năm làm Chủ tịch Hội phụ huynh: Hội phụ huynh không chỉ thu tiền

Hoài Nam

(Dân trí) - Suốt 12 năm con học phổ thông, bà Cúc đều là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Chủ tịch hội phụ huynh trường. Theo bà, Hội phụ huynh không chỉ có mỗi một việc là thu tiền.

Đầu năm học mới, câu chuyện tiền trường, Ban đại diện Cha mẹ học sinh (được gọi là Hội phụ huynh) lại được gọi tên với nhiều ý kiến trái chiều. 

Suốt thời gian con học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, luật sư, công chứng viên Nguyễn Thị Cúc, ở Gò Vấp, TPHCM đều Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và Chủ tịch hội phụ huynh toàn trường. Bà có nhiều câu chuyện, tâm tư và góc nhìn của người trong cuộc về "Hội phụ huynh".

Luật sư 12 năm làm Chủ tịch Hội phụ huynh: Hội phụ huynh không chỉ thu tiền - 1

Luật sư Nguyễn Thị Cúc làm Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh suốt những năm con học phổ thông (Ảnh: NVCC).

Bà nhận làm nhiệm vụ này bởi hiểu rõ, nhà trường - gia đình - xã hội là 3 yếu tố quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Bản thân bà rất buồn khi nghe những lời ca thán phải nộp quỹ hội này kia, có ý kiến đề xuất giải tán hội phụ huynh vì họ chẳng làm được gì mà chỉ là cánh tay phải của cô chủ nhiệm để thu tiền phụ huynh.

Theo bà, thực tế Hội phụ huynh không chỉ mỗi việc thu tiền mà có rất nhiều hoạt động, rất nhiều việc chăm lo cho chính con em. 

Đây là quỹ tự nguyện nên thực tế, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều không nộp khoản này và cũng có những phụ huynh đóng góp gấp cả chục lần mức chung. Như bản thân bà Cúc, nếu đưa ra con số chung cho mọi người là 200.000 đồng thì bà góp 500.000 đồng.

Quỹ đó được sử dụng vào rất nhiều việc, có khi là may thêm cái rèm cửa để các em ngồi đỡ nắng vào đầu năm học, tặng thưởng quà cho các em học sinh có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, hỗ trợ sách vở, giấy bút cho những em khó khăn. 

Trong quá trình học tập, cô giáo chủ nhiệm thường trao đổi Hội phụ huynh về những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, bà Cúc sẽ liên hệ với những phụ huynh khác để tìm cách giúp học sinh đó đủ điều kiện đến lớp. 

"Tôi nhớ mãi một trường hợp, có học sinh bị bệnh tim, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hội phụ huynh chúng tôi đã họp bàn, vận động và quyên góp được một số tiền để gia đình đưa cháu đi giải phẫu", bà Cúc kể.

Bà Cúc cũng bày tỏ, học trò là lứa tuổi rất nghịch ngợm, nông cạn, có thể gây ra rất nhiều chuyện. Khi học sinh vi phạm, Hội phụ huynh cũng tham gia lấy ý kiến sẽ có nhiều góc nhìn hơn. 

Có trường hợp em học sinh thường ngày rất khép kín, hiền lành nhưng hôm đó lao vào đánh bạn rất dã man. Khi nghe những phụ huynh trong Ban đại diện cha mẹ học sinh hỏi han, em học sinh bật khóc tức tưởi: "Bạn ấy chửi con là "đồ con hoang", con không kiềm chế được. Con không phải con hoang, mẹ con bảo bố mất rồi!".

Khuôn mặt mẹ em, một nữ thợ may mới ngoài 30 tuổi nhưng tàn tạ vì lam lũ, ngồi co lại trong nỗi tủi hờn, ai nấy đều ứa nước mắt vì thương hai mẹ con.

Khi tìm hiểu rõ sự tình, chính bà Cúc với vai trò trong Hội phụ huynh đã đề xuất với nhà trường chỉ kỷ luật em bằng hình thức khiển trách, nhắc nhở chứ không áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo trước trường như dự tính. Và hội cũng đứng ra giảng hòa giữa hai học sinh, hai gia đình.

Luật sư Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh, khi các em chưa đủ 18 tuổi thì gia đình luôn phải đồng hành với trẻ và chịu chung trách nhiệm cùng các em về mọi hành vi. Hiện nay, bạo lực học đường đang gia tăng, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường càng cần thiết.

Xin tiền tặng quà Tết cho thầy cô giáo dạy Thể dục, Giáo dục công dân 

Nữ luật sư kể, vào những ngày lễ như 20/11, 8/3, họ đại diện cho tất cả phụ huynh mua hoa tặng thầy cô giáo trong trường. Có phụ huynh gọi điện ngại ngần vì không có tiền mua quà cho thầy cô, bà Cúc nói chị yên tâm, lẵng hoa tươi thắm hôm nay tặng thầy cô là phần của tất cả các con, các phụ huynh. 

Luật sư 12 năm làm Chủ tịch Hội phụ huynh: Hội phụ huynh không chỉ thu tiền - 2

Kiểm tra vấn đề thu chi tại trường học ở TPHCM (Ảnh: H.N).

Bà trăn trở nhất là khi vào dịp Tết Nguyên đán khi đọc tin tức về thưởng tết ở các công ty, cơ quan có thể lên hàng trăm triệu. Còn thầy cô, đồng lương chỉ vài triệu đồng và không có tháng lương 13. Nhưng thực chất họ không làm được gì ngoài bó hoa chúc mừng.

Quỹ phụ huynh, mỗi gia đình cũng chỉ góp vài trăm nghìn dành khen thưởng cho các con, mua nước cho các con khi tham gia các chương trình văn nghệ... 

Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, thường vào dịp Tết, bà liên hệ với một vài phụ huynh, xin họ vài trăm ngàn để tặng quà cho thầy cô chủ nhiệm và hai giáo viên bộ môn ít nhận được sự quan tâm là giáo viên môn Thể dục và Giáo dục công dân.

Gói quà Tết có khi không có tiền lì xì, chỉ có gói bánh quy, hai cái bánh chưng. Vậy mà có thầy cô nhờ chuyển tặng cho gia đình các em học sinh nghèo. 

"Đành rằng, ngành giáo dục vẫn đang còn những vấn đề. Nhưng các thầy, cô giáo đang gánh trên vai những trọng trách vô cùng quan trọng là đào tạo con, em chúng ta trở thành những công dân có ích cho xã hội", bà bày tỏ.

Theo bà Cúc, quỹ phụ huynh là để dành cho hoạt động của chính con em. Khi chúng ta chỉ trích vì đóng quỹ, vô hình trung chúng ta đã làm tổn thương đến thầy cô và cả những người trong Hội phụ huynh đang "vác tù và hàng tổng".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm