Bạn đọc viết:

Phụ huynh lên tiếng phản đối “vấn nạn” dạy thêm - học thêm

(Dân trí) - Tôi vừa đọc bài “Dẹp” dạy thêm - học thêm: Phụ huynh không nên chạy đua thành tích! trên báo <i>Dân trí</i> và thấy rất đồng tình với quan điểm của bài viết, và đương nhiên thấy rất bức xúc với "chiêu trò" ép học thêm của không ít nhà trường và giáo viên hiện nay.

Tôi nghĩ thế này: Việc dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, bản chất không sai, nhưng cái sai, cái nhức nhối cho việc dạy thêm mà người ta vẫn nói bao lâu nay là ở đâu?

1. Giáo viên dạy thêm là hoạt động tự phát, không bị các cơ quan chức năng quản lý --> Không ai kiểm soát về cơ sở vật chất lớp học, và chất lượng của giáo viên đứng lớp.

2. Giáo viên dạy tại nhà KHÔNG phài nộp thuế thu nhập cá nhân cho khoản học phí thu từ học sinh --> Điều này là vi phạm pháp luật, là trốn thuế!

Nên dù có biện hộ rằng tôi phải dạy vì lương giáo viên không đủ, thì nói thật, nghe thật nực cười. Bởi 1 lý do dù hợp lý đến mấy cũng không thể bao biện cho 1 hành vi phi lý.

Nếu là đi làm để kiếm thêm thu nhập thì hãy đi làm một cách đàng hoàng đi! Chứ đừng "gom" học sinh bằng giọng điệu gợi ý, rồi chèn ép học sinh như vậy. Hãy mở trung tâm hoặc hãy đi dạy cho các trung tâm có đăng ký đàng hoàng và đóng thuế đàng hoàng đi!

Còn phụ huynh, cứ ngồi đó kêu con vất vả, rồi cô gợi ý không đi học thêm thì không được này kia một cách yếu ớt thì cũng hãy nên xem lại quan điểm giáo dục của mình.

1. Bố mẹ thà chịu nhìn con oằn mình đi học kín cả tuần, học đến xì trét... chỉ vì cô "gợi ý" nhiều quá không đi không được ư? Như vậy có đáng không?

2. Bố mẹ chịu gửi con cho những người giáo viên thường xuyên có giọng điệu gợi ý, chèn ép bắt con mình đi học thêm hay sao? Hành động gợi ý phụ huynh phải gửi con đến chỗ mình để học là một hành động phản giáo dục, không thể chấp nhận được ở những người làm giáo dục. Vậy mà các bậc phụ huynh vẫn muốn con mình được giáo dục bởi những con người phản giáo dục đó sao?

Bạn đọc Đ.N.L.

“Dạy thêm - học thêm gây ra hệ lụy lớn cho toàn xã hội”

Theo thực tế hiện nay đa số phụ huynh đều rất bất bình về "vấn nạn" dạy thêm - học thêm, tuy nhiên rất ít người dám lên tiếng phản đối.

Vấn nạn này hiện nay lại là vấn đề phổ quát như một bệnh dịch lan rộng ra toàn xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…, nó gây ra hệ lụy rất lớn cho gia đình và xã hội: làm cho con em bị quá tải dẫn đến mất cân bằng giữa việc học hành - nghỉ ngơi, vui chơi; làm cho gia đình bị xáo trộn thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi (vì bố mẹ đi làm cả ngày về không được nghỉ ngơi lại phải căn trực giờ giấc để đưa, đón con đi học thêm; rồi thay đổi thời gian ăn uống, ngủ nghỉ).

Ngoài ra còn phải kể đến việc thu nhập gia đình bị giảm sút đáng kể cho việc đóng học phí học thêm.

Nói tóm lại là nó làm cho con em và gia đình tốn kém và rất mệt mỏi.

Học sinh học thêm ở TPHCM (ảnh minh họa)
Học sinh học thêm ở TPHCM (ảnh minh họa)

Theo tôi nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này, đó là: Xét về thu nhập (lương và các khoản phụ cấp) thì ngành Giáo dục vẫn còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, cho nên việc tìm mọi biện pháp “bắt ép” học sinh đi học thêm để giáo viên cải thiện thu nhập là điều dễ hiểu.

Về giải pháp: Theo tôi Chính phủ nên có một chính sách về lương và thu nhập riêng cho ngành Giáo dục, làm sao để giáo viên ít nhất phải có một mức thu nhập bằng mức thu nhập trung bình của toàn xã hội; đồng thời có biện pháp mạnh để xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn dạy thêm, học thêm. Như vậy thì sẽ thu hút được người tài giỏi vào ngành Giáo dục và xóa được vấn nạn này, góp phần làm cho xã hội được văn minh và hạnh phúc hơn.

Nguyen Khac Bang

“Các con học trên lớp là đủ”

Đọc bài viết về việc học thêm dạy thêm trên báo Dân trí, theo quan điểm tôi cũng có con đang học cấp 1, tôi cũng chia sẻ đồng quan điểm là việc dạy thêm học thêm đang gây áp lực cho học sinh. Cả ngày các cháu học và ôn luyện bài tập trên lớp rồi làm bài tập về nhà trên lớp vào buổi chiều, như con tôi hầu như buổi tối không có bài tập về nhà, chỉ ngày nào chiều làm trên lớp còn dở dang thì tối con mới làm tiếp.

Nhưng tháng đầu năm học qua đi sang tháng tiếp theo là cô giáo gợi ý cho con xem bạn nào về bảo phụ huynh cho học thêm. Dù trên tinh thần tự nguyện không bắt buộc nhưng tâm lí các phụ huynh cũng sợ không cho con học thêm lớp đó thì sợ con không được quan tâm nên phải cho con theo.

Có những bài cô giáo cho về ôn thi cuối kì con hỏi tôi làm thế nào, tôi hỏi lại con đây là bài ôn để thi vậy ở trên lớp cô giáo cho con học chưa, con nói các bạn học thêm thì biết còn con chưa (con tôi không học thêm).

Học sinh tiểu học ở TPHCM đi học thêm. (Ảnh minh họa)
Học sinh tiểu học ở TPHCM đi học thêm. (Ảnh minh họa)

Với cá nhân giáo viên là vậy, còn đối với nhà trường thì không dạy thêm - học thêm nhưng con tôi năm nay học lớp 3, cứ đầu năm học họp phụ huynh là nhà trường có bản đăng kí các môn như Aerobic, Kĩ năng sống, tiếng Anh, Võ thuật, Cờ vua. Một số phụ huynh và tôi không đăng kí một số môn trong 5 môn đó thì sau buổi họp, giáo viên gọi điện cho tôi bảo còn môn này có mình con nhà mình không đăng kí thôi phụ huynh cho con học không mình con lại phải ngồi trên lớp một mình.

Tôi thiết nghĩ có thời gian để nhà trường có thể dạy 5 môn này vậy mà các con lại vẫn học thêm nhà cô. Đặc biệt hơn 2 năm trước nộp tiền ăn bán trú tại trường thì nhà trường thì trong tờ phiếu thu tiền ghi cả các môn học đó vào nhưng sang năm 2017 lại thu ngoài, không ghi vào trong phiếu thu đó.

Tôi rất buồn khi ngày càng không những không bỏ được việc học thêm - dạy thêm mà càng ngày càng sâu rộng hơn. Theo tôi con học trên lớp là đủ.

Nga Thuy

Một tâm sự buồn: “Chán nản với sự nghiệp học hành này lắm mà không làm sao được”

Mình cũng khá bức xúc vì vấn đề này mà chưa tìm được cách giải quyết. Ngay bản thân nhà trường chỗ con mình học cũng đang đưa dạy thêm vào thì không thể trách giáo viên được. Cụ thể như môn tiếng Anh, từ lớp 3 đã có phổ cập môn này nhưng nhà trường vẫn cho trung tâm vào để liên kết dạy thêm.

Bạn nào học thì ở lại lớp, bạn nào không học ra ngoài hè ngồi hoặc ngồi phòng hội đồng, cô không cho đọc truyện, không cho vẽ, mà chỉ được phép khanh tay ngồi im. Học sinh xin được vẽ và đọc truyện để trật tự thì cô bảo “Cho chúng mày làm thế thì chúng mày thích quá về không đòi bố mẹ cho học thêm tiếng Anh của trung tâm”.

Con về nói mà bố mẹ chán luôn, giờ mà gặp hiệu trưởng có ý kiến mà cô cãi là không phải thì cũng chả làm gì được. Chả nhẽ cho con mang điện thoại đi để ghi âm lại những gì cô nói. Chán nản với sự nghiệp học hành này lắm mà không làm sao được.

Kimdung Nguyen

Bây giờ nhìn con mang điểm 10 về khoe với bố mẹ là chuyện quá đỗi bình thường (khác hẳn trước kia). Điểm 10 là tốt, là xuất sắc mà nhiều như vậy (chiếm đa số) vậy sao học sinh, sinh viên lại bị đánh giá là không đủ kỹ năng?

Chúng ta phải xem lại cách tổ chức giáo dục, cách đào tạo và sử dụng giáo viên, phương pháp dạy, phương pháp học.

Nếu chỉ học ở trường thôi mà đủ kiến thức cho các em thì nhân dân vui mừng lắm, cảm ơn Bộ Giáo dục nhiều lắm vì đã tiết kiệm được rât rất nhiều tiền cho nhân dân. (Bản thân gia đình tôi cũng phải bỏ 1/2 thu nhập của vợ tôi cho các con đi học rồi đó).

Rất hi vọng là chúng ta cải cách được vấn đề này!

Truong Duong

>> Tôi không cho con đi học thêm!

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!