Dạy thêm - học thêm: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Các bài viết bàn về “quốc nạn” dạy thêm - học thêm trên báo Dân trí đã nhận được ý kiến chia sẻ của đông đảo bạn đọc. Qua đó, có thể thấy rằng những người “góp phần” đẩy mạnh tình trạng dạy thêm - học thêm không chỉ là giáo viên mà nhiều khi còn là chính… phụ huynh.

Không phải tất cả các giáo viên đều “ép” học sinh học thêm, trên thực tế vẫn có nhiều giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh yếu và không lấy tiền. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận giáo viên có sự phân biệt đối xử với học sinh không đi học thêm.

Dưới đây là ý kiến chia sẻ của một số bạn đọc báo Dân trí về những nguyên nhân làm đẩy mạnh “vấn nạn dạy thêm - học thêm và những “góc khuất” của nó:

Các lý do phụ huynh cho con đi học thêm

1. Phụ huynh sợ con bị thầy cô trù úm

“Không học thêm với cô thì các con chỉ có đường bị đì, bị hắt hủi thôi.” - ý kiến của bạn đọc Tiến Hải nói lên một thực tế buồn đằng sau việc phụ huynh cho con đi học thêm.

Cùng chung tâm sự, bạn đọc Hai Lua kể: “Con tôi học lớp 1 bán trú ở Tân Phú, lớp 44 học sinh chỉ có con tôi và 3 bạn nữa không học thêm cô giáo cuối tháng là nhắn học yếu, con tôi trước khi vào lớp Một đã cho học trước viết chữ ai cũng bảo đẹp, vậy mà học ở trường 2 tháng bé về viết chữ không ai hiểu luôn. Mong Bộ Giáo dục chấm dứt học thêm để cô giáo dạy trên lớp khỏi dạy ở nhà, nếu cần đóng học phí thêm thì phụ huynh sẽ đóng. Vì cả ngày cháu học ở trường rồi để cháu được nghỉ ngơi.”

Bạn đọc Trần Hoàng Tao khẳng định: “Không học thêm sao được, vì ở lớp thầy cô không dạy hết chương trình.”

Thậm chí, bạn đọc Phạm Thị Thanh còn kể chuyện đáng buồn hơn và kết luận “vấn đề học thêm có lẽ khó chấm dứt”:

“Tôi cũng từng không cho con học thêm trong 3 năm đầu của cấp THCS, nhưng thú thật con tôi phải chịu rất nhiều áp lực bị cô giáo trù úm làm con tôi rất bi quan. Nhiều lúc tôi đã nói với con mẹ không quan tâm về điểm số, miễn sao con học đúng với năng lực của mình, nhưng rồi dù con tôi có cố gắng thế nào cũng bị cô trù úm. Đỉnh điểm là bài kiểm tra học ký của con tôi nếu cộng từng bài được 8,5 điểm nhưng tổng cô ghi vào ô điểm là 6,5. Nhân lúc có buổi họp phụ huynh, tôi đã cầm bài kiểm tra đó lên hỏi cô, cô không hề nhận mình sai trong cộng điểm bài thi.

…Đến năm học lớp 9 tôi đã phải chạy theo học thêm để con mình không bị trù úm. Tôi sợ nhất là bậc học phổ thông học thêm làm mất đi tư duy tự học của con cháu mình trong học tập.”

Bạn đọc Ngọc Minh: “Trẻ con mới học lớp 1 không đi học thêm mà cô đã có thái độ ngay, luôn phải ngồi ở vị trí góc trong cùng mặc dù lớp đổi chỗ ngồi hàng tuần. Đến một đứa trẻ nó còn nhận thức được việc mất công bằng như thế thử hỏi lớn lên chúng nó sẽ nhận thức thế nào về xã hội?”.

Một bạn đọc kể: “Tôi đã phải nghỉ học sớm vì không có tiền học thêm.”

Chung tâm sự, bạn đọc Thao Phuong kể rằng vì không học thêm mà phải đứng góc lớp, hoặc ngồi cuối lớp chép bài trên đùi nếu không muốn thiếu bài.

2. Vì phụ huynh thích thành tích

Bạn đọc Nhật Hồng Tống cho rằng: “Chính cha mẹ là người đã cướp mất tuổi thơ con mình, vì sao ư? Vì cái tính sỹ diện, vì thích khoe khoang mà họ đâu biết rằng con mình như con gà công nghiệp chỉ biết ăn và ngày đêm đi học. Đến nỗi 14, 15 tuổi thậm chí đến lúc lấy vợ, lấy chồng mà không biết nấu nổi bữa cơm”.

Thừa nhận rằng đúng là có những trường hợp thầy cô giáo "gợi ý" học sinh học thêm, bạn đọc Hoang Tung Ngo chỉ ra rằng, việc dạy thêm, học thêm còn một số nguyên nhân sau: Vẫn còn hệ thống trường chuyên lớp chọn; chương trình học nặng nề, thiên về lý thuyết; bố mẹ không có thời gian hoặc trình độ để kèm cặp con việc học tập; tính tự học của học sinh còn kém; bố mẹ hơn thua nhau từng điểm số của con, thấy bạn con đi học thêm sợ thua điểm nên bắt con cũng đi học thêm.

Một lý do khác khiến các bậc cha mẹ có con học tiểu học, THCS cho con đi học thêm vì không có ai trông con! Bạn đọc Thao Phuong kể: “Cạnh nhà tôi có cô giáo dạy cấp 1 chia sẻ rằng em cũng không muốn dạy đâu nhưng mẹ các cháu cứ kêu em dạy thêm đi, nếu không thì con ở trường về không ai trông được.”

Học sinh tiểu học ở TPHCM đi học thêm. (Ảnh minh họa)
Học sinh tiểu học ở TPHCM đi học thêm. (Ảnh minh họa)

3. Vì giáo viên muốn tăng thu nhập

Bàn về lý do giáo viên dạy thêm, bạn đọc Hà Thanh Trúc nhận định: “Cuộc sống mưu sinh cả thôi, lương không đủ sống thì phải tìm cách kiếm thêm, kiếm đủ sống rồi thì lại muốn làm giàu, có thế thôi”.

Bạn đọc Hoàng Văn Nguyên khẳng định: “Tệ nạn dạy thêm là do lương giáo viên thấp, khi chạy vào biên chế công chức thì mất khoản lớn, giáo viên cũng phải tìm đủ cách kiếm thêm, ở TP như Hà Nội kiếm thêm gấp mấy lần lương ấy.”

Bạn đọc Đặng Thái Hương chỉ ra một khía cạnh khác: “Tôi nói thật lương giáo viên có tăng tới mức cao như núi thì việc dạy thêm vẫn diễn ra hằng ngày vì giáo viên cho rằng đây là việc làm thêm của họ!”.

Bạn đọc Thành Công cho rằng: “Một số cô giáo dù nhà rất giàu nhưng máu kiếm tiền không thay đổi, lòng tham của họ không chỉ khiến phụ huynh coi thường mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học sinh.

Ví dụ môn Ngữ văn ở THCS nếu không đi học thêm thì muôn đời đừng mơ điểm trên 8 dù có viết hay đến mấy, thậm chí cháu bé nhà bên dù học rất giỏi. Tôi hỏi ở lớp bạn nào được điểm 9 trở lên thường xuyên, cô bé đáp: "Dạ thưa thường là có 2 bạn học khá và học thêm với cô, các bạn còn lại cũng đều trên 8 điểm dù con hỏi bạn viết thế nào thì được trả lời: toàn là copy trên mạng theo bài cô bày cho...".

Bạn đọc Dao Chau kể: “Ngày xưa mình đi học cũng vậy, nhà nghèo chẳng có tiền đi học thêm, trên lớp thầy cô dạy cầm chừng, thầy cô còn cạnh tranh nhau dạy thêm, không ưa nhau ra mặt. Không có ý vơ đũa cả nắm, thầy cô học ngành Sư phạm phần lớn không mấy khá giả, đi dạy thấy ai cũng tranh thủ thì không dễ giữ mình. Chỉ tội các em học sinh nghèo.”

Giải pháp nào để “dẹp” dạy thêm?

Qua các ý kiến trên đây của bạn đọc, có thể thấy rằng cả phụ huynh và giáo viên đều “tiếp tay” cho nạn dạy thêm - học thêm. Vậy giải pháp để dẹp “vấn nạn” này là gì?

Nhìn từ góc độ phụ huynh, trước việc một số gia đình cho con đi học thêm cốt để không bị cô giáo “đì”, bạn đọc Nguyễn Đức Long đề xuất: “Nếu bạn không cần cô giáo công nhận con bạn được học sinh giỏi mà chỉ cẩn con bạn đạt được đích cần đạt được mà bạn đặt ra, thì bạn không cần phải cho con bạn đi học thêm làm gì.

Nếu con bạn học tốt, bạn chỉ cần kiểm tra là biết con bạn học đến đâu. Nếu nó đạt yêu cầu thì ở lớp cô giáo cho nó bao nhiêu điểm cũng chẳng quan trọng cả. Chỉ cần nó qua lớp là được nếu cô giáo đì con bạn. Vì bạn biết con bạn đang ở đâu.

Chỉ sợ rằng bạn cũng sĩ diện hão mà thôi. Theo tôi, nếu cô giúp được con tốt hơn thì nên cho con đi học thêm nếu con bạn yếu. Còn đã thông minh thì thôi khỏi cần đi học thêm nếu bạn đánh giá đó đúng là thực lực của con.”


Học sinh học thêm ở TPHCM.

Học sinh học thêm ở TPHCM.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyen Huu đặt câu hỏi: “Như vậy chúng ta có cần hỏi là trình độ thầy cô có đủ hay sao mà ở trường dạy học trò không hiểu được??? Và em nào đi học thêm thì làm được bài kiểm tra?? Vậy kiểm tra quy về bộ ra đề chung đi.”

Bạn đọc Trần Trung đề xuất: “Tăng lương giáo viên, tăng tiết dạy chính, cấm tiệt dạy thêm”.

Bạn đọc Nguyen Luonguyen đề xuất: “Cấm dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, là ok ngay.”

Bạn đọc Hửu Hùng nêu ý kiến: “Không đi học thêm nhà cô (thầy) / Đến kỳ thi cử khó mà yên thân. Nên xem để hạn chế, tiến đến chấm dứt nếu dạy thêm không chính đáng, nhất là ép buộc”.

Bạn đọc Hửu Hùng kiến nghị: “Nên giao cho chính quyền quản lý, nhà giáo viên nào dạy thêm thì báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định mức kỷ luật trong luật viên chức. Chỉ nên cho dạy thêm chính đáng (bồi dưỡng học sinh yếu hay học sinh muốn học thêm) tại trường cho ra lẽ văn minh mà văn minh ngay trong ngành Giáo dục là cần thiết lớn cho xã hội.”

Bạn đọc Hửu Hùng cũng đề xuất: “Kêu gọi thầy cô nên vì lương tâm nghề cao quý vì học sinh thân yêu và vì tương lai đất nước. Biện pháp có thể là không cho thầy cô giáo trực tiếp dạy yêu cầu học sinh học thêm, thậm chí ra đề kiểm tra nhằm hạn chế việc dạy thêm nhất là nên chấm dứt dạy thêm ở cấp tiểu học.”

Bạn đọc Tran Van Manh so sánh: “Ngày xưa chỉ có 2 dạng học thêm: 1- Học khá môn nào thì đi học thêm môn đó để đi thi học sinh giỏi, gọi là học bồi dưỡng. 2- Học yếu môn nào thì đi học thêm môn đó, gọi là học phụ đạo, và hoàn toàn không phải nộp tiền. Thế hệ chúng tôi, thầy cô luôn luôn được kính trọng, không như bây giờ.”

“Không học thêm ư? Cô, thầy có cách giảng cho học sinh dễ hiểu thì cô dành cho các em đi học thêm dậy, còn các em không đi học thêm tự mày mò nhé.” - bạn đọc Trần Thị Thu Cúc nêu lên thực trạng và kiến nghị: “Cần có quy định bắt được ai dạy thêm đuổi khỏi ngành, xem còn ai dám dạy thêm nữa không?”.

Bạn đọc Nguyen Hoang Lan: “Cứ ai dạy thêm cho nghỉ việc hết đi, bao nhiêu giáo viên dạy hợp đồng và thất nghiệp đang chờ.”

Bạn đọc Ha Tran: “Tôi là giáo viên, tôi rất hiểu điều này. Thông tư 17 của Bộ Giáo dục giờ biến tướng lắm rồi.”

PV

(Tổng hợp)