Bạo hành từ… dạy thêm - học thêm

(Dân trí) - Dạy thêm - học thêm tiêu cực, ép người học có thể xếp vào dạng hành vi bạo hành con trẻ. Không chỉ có tác động từ phía phụ huynh, giáo viên cũng góp sức không nhỏ.

Đó là câu chuyện về cậu bé học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Mỗi buổi chiều tối, khi mẹ chở đến nhà cô giáo học tiếng Anh là cậu lăn ra khóc, vùng vằng nhất quyết không chịu. Bà mẹ phải la mắng, kêu gào, lôi con xồng xộc ra xe. Ông bố đang bận rộn với công việc sửa máy tính ngay cửa hàng tại nhà, nhiều hôm cũng phải dừng tay để bế xốc con lên xe với tiếng quát: “Lo học đi”.

Người mẹ biết rõ lý do con phản kháng là cháu không thích học thêm với cô H., cô giáo dạy tiếng Anh ở lớp. Chị vẫn cho con học thêm tuần hai buổi ở trung tâm nhưng… vẫn học thêm tại nhà cô. Đã có người góp ý, cháu đã không thích cô thì học cũng không vào nhưng bà mẹ lắc đầu với lý lẽ, cô là giáo viên trên lớp. Muốn không học cô thì với người mẹ, chỉ khi con chuyển lớp, chuyển trường.


Học thêm không tự nguyện gây ra nhiều áp lực và tổn thương cho học trò (Ảnh minh họa)

Học thêm không tự nguyện gây ra nhiều áp lực và tổn thương cho học trò (Ảnh minh họa)

Bà mẹ kể trên là hình ảnh của không ít phụ huynh mang một gánh nặng vô hình về học thêm và trút gánh nặng đó lên những đứa con. Ngoài lý do khách quan nhất là xuất phát từ nhu cầu thật sự, chương trình học nặng thì nhiều đứa trẻ bị đẩy đến lớp học thêm với vô vàn lý do.

Nhiều gia đình không có thời gian cho con, nên xếp lịch học thêm dày đặc và xem đây là một phương pháp quản lý con an toàn nhất. Nhiều đứa trẻ học thêm để thi vào trường này trường nọ theo kỳ vọng của bố mẹ; học để cho bằng “con người ta” trong tâm thế bị so sánh, đối chiếu với những tấm gương khác… Những điều này đều có thể coi là hành vi bạo hành con trẻ. Các em không chỉ phải đánh đổi bằng những bữa ăn qua loa vội vàng, giấc ngủ không trọn mà còn là bị ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát hiện hài hòa, cân bằng.

Chúng ta vẫn nhắc đến quyền được đến trường của trẻ, những em bị bỏ rơi, không được đi học cũng là bị bạo hành thì giờ đây, phải nói rằng ép trẻ học quá nhiều cũng là một dạng bạo hành.

Không chỉ từ phụ huynh, việc dạy học thêm tiêu cực là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó một bộ phận giáo viên góp sức không nhỏ. Có những học sinh mới vào lớp 1 đã bị cô đay nghiến vì… chưa biết đọc, biết viết. Bố mẹ thì được “thúc” cho con con đi học thêm đi.

Nhiều học sinh đến giờ hỏi bài, kiểm tra của một số thầy cô là hoảng loạn. Không ít giáo viên công khai việc “làm khó” học sinh không học thêm thông qua kiểm tra, đánh giá, điểm số, nhận xét hay những lời chê bai, miệt thị. Mà với một đứa trẻ, lời chê đó có thể đeo đẳng suốt cuộc đời, gây khó cho trẻ trên hành trình tìm giá trị bản thân.

Và khủng hoảng vì không đi học thêm của nhiều em chỉ chấm dứt khi… đi học thêm hay có một động thái khác. Một lãnh đạo trong Sở GD-ĐT TPHCM kể, ông biết có những trường hợp, các em không muốn đi học thêm nhưng bố mẹ vẫn đăng ký, đóng tiền rồi sau đó... lấy cớ nghỉ.

Hay đó là câu chuyện của một nữ sinh, em không đi học thêm môn Toán của thầy giáo dạy trên lớp. Để rồi, cứ vào giờ lên lớp, thầy bước vào, lập cuốn sổ điểm ra dò tên là em hoảng sợ. Cứ vài ba ngày là em được “điều” lên bảng kiểm tra bài cũ với đủ trò “đánh đố” của thầy.

Không thể dùng chiêu học thêm trả “nợ” thầy vì không có nhu cầu và thu xếp được lịch, em đã chọn cách đi quà cáp thầy trong những dịp lễ. Sau đó, việc đến trường của em đã trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trong lần Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM làm việc với ngành Giáo dục TPHCM, đại diện phía phụ huynh đã lên tiếng về tình trạng o ép học sinh đi học thêm từ phía giáo viên. Nhiều em không đi học thêm thì bị phân biệt, kỳ thị..., có em sợ không dám lên lớp. Nhiều gia đình không có điều kiện, vẫn phải bấm bụng, xoay sở đủ mọi cách cho con đi học thêm mà không phát từ nhu cầu.

Mới đây, TPHCM cũng tiếp tục yêu cầu, tất cả các hoạt động dạy thêm đều phải đăng ký và được cấp phép, kể cả dạy một học sinh thì giáo viên vẫn phải đăng ký.

Nhìn vào quy định trên, nhiều ý kiến sẽ cho rằng “hành là chính” nhưng cũng cho thấy rằng, các cơ quan quản lý rất "đau đầu" với nạn dạy thêm tiêu cực, làm trái quy định ngành của một bộ phận không nhỏ giáo viên.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm