Bạn đọc viết:

Phụ huynh "hoảng hốt" phát hiện thông tin trong sách giáo khoa

(Dân trí) - Con trẻ nói là sách viết nhầm từ ngữ, phụ huynh dù có trình độ cao cũng không giảng được bài cho con, thông tin kiến thức không phù hợp với tình hình thực tế.

Nhiều kiến thức ở tầm vĩ mô

Một buổi ngồi dạy con học môn Địa lý lớp 6 mà tôi cũng phải hoảng hốt vì thông tin kiến thức trong quyển sách này. Toàn bộ quyển sách là các bài viết về vũ trụ, về kinh tuyến, vĩ tuyến và tọa độ cao siêu.

Những khái niệm rất trừu tượng mà dù có đọc kỹ bài, thì tôi và các bậc cha mẹ cũng khó để giảng dạy cho con ở môn học này. Sách dành cho học sinh phổ thông, đặc biệt là các em mới vào học cấp 2,  lại là lần đầu tiên học môn Địa lý nhưng lại chỉ dạy kiến thức chuyên sâu  ở tầm vĩ mô khó hiểu.

Trong khi đó, hỏi các em học sinh lớp 9 lại không vẽ được bản đồ Việt Nam, không biết biển Đông ở đâu và thậm chí còn không biết đến sông Hồng đang ở gần nơi mình ở.

Trong khi những kiến thức cơ bản về tự nhiên và xã hội ở ngay xung quanh thì các em không được biết thì sách vở đã dạy các em nhỏ mới học lớp 2 về hành tinh, về  trái đất bao la và mơ hồ.

Theo thang bậc của việc học truyền thống, học sinh phải học từ kiến thức chung cho tới những cái riêng và cụ thể. Tuy nhiên những cái chung thì rộng lớn, khó hiểu và không gần thực tế, còn những thứ ở phạm trù hẹp thì lại rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

Phụ huynh hoảng hốt phát hiện thông tin trong sách giáo khoa - 1

Dạy học cho con nhỏ ở nhà bây giờ trở thành  bài toán khó với nhiều phụ huynh học sinh.

Sách vẫn gợi ý về con đường làng thanh bình của 20 năm về trước

Cách dạy và học truyền thống này đến nay không còn phù hợp với điều kiện thực tế đang khiến các em ngày càng chán học và lo lắng nhiều cho việc học.

Những người viết sách và làm cải cách sách vẫn luôn nghiên cứu ở tầm vĩ mô và chưa gắn với thực tế phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 Một bà mẹ cố hướng dẫn cho con mình viết một đoạn văn về con đường tới trường của em nhưng đành bất lực. Sách giáo khoa vẫn gợi ý về con đường làng thanh bình của 20 năm về trước, nơi có cánh đồng lúa hai bên, có hàng cây xanh mát và tiếng chim hót líu lo.  

Những làng quê này, giờ đang trong quá trình đô thị hóa cùng tốc độ sản xuất công nghiệp nhanh chóng và con đường đó chỉ còn trong ký ức của người lớn.

 Con đường vẫn còn đó, mở rộng hơn, trải bê tông và hai bên là nhà cao tầng với hàng quán san sát. Hàng ngày, gia đình phải đưa đón con cháu mình đi học bằng xe máy, ô tô để tránh bụi bẩn và đảm bảo an toàn giao thông vì đường rất nhiều xe cộ  đi lại tấp nập.

Dạy học cho con nhỏ ở nhà bây giờ trở thành  bài toán khó với nhiều phụ huynh học sinh. Không dạy được cho con nên cha mẹ phải bỏ nhiều tiền cho con đến các lớp học thêm.

Ngày nay, không chỉ ở thành thị mà ở các vùng nông thôn, nhiều phụ huynh cũng có trình độ cao như  ĐH,CĐ tuy vậy, việc dạy học cho con ở nhà cũng rất khó khăn.  Một ví dụ  trong bài toán đố lớp 3  có viết về  cái "thúng" dùng để những quả dưa. Khi cậu bé hàng xóm đọc đến đây thì nó vô tư nói rằng sách giáo khoa viết sai, phải là cái "thùng" chứ không phải cái "thúng".

Thế là cha mẹ lại dành thêm thời gian để chỉ giải cho con về những dụng cụ sản xuất nông nghiệp trước kia như cái cuốc, cái thúng, cái sàng. Làng chưa lên phố nhưng sản xuất công nghiệp là chủ yếu và  những bài văn viết về con trâu, cái cày hay con lợn kêu ủn ỉn với các em nhỏ bây giờ thật xa lạ.

Mỗi năm, giáo viên các cấp lại đi tập huấn thay sách một lần để cập nhật thông tin và kiến thức mới. Chính những người giáo viên, với kinh nghiệm giảng dạy và bài học thực tế mới hiểu hết được những lỗ hổng của sách giáo khoa. Và hơn ai hết, đội ngũ này phải là những người biết cần phải chỉnh sửa ra sao cho phù hợp.

Sự sâu sát và trách nhiệm hết mình với công việc giảng dạy sẽ giúp những thầy cô giáo tổng hợp được ý kiến để góp phần vào việc cải cách sách giáo khoa hiệu quả nhất.

Vẫn biết cải cách sách giáo khoa để phổ cập cho giáo dục toàn quốc thật khó, tuy nhiên cần thiết phải có những thay đổi và làm mới để phù hợp với điều kiện chung của xã hội. Cải cách sách giáo khoa cũng như nhiều công việc khác, cần phải có sự sâu sát của nhiều cấp, ngành, cả các cơ quan, đoàn thể và cá nhân cùng vào cuộc./.

Minh Minh

* Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Trân trọng cám ơn!