Sách giáo khoa lớp 6: "Tích" ra sao cho "hợp"?
(Dân trí) - SGK mới lớp 6, áp dụng năm học 2021-2022 được tích hợp các đơn môn thành 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH). Nhiều người băn khoăn, việc dạy tích hợp này sẽ ra sao?
Các nước tiên tiến đã tích hợp liên môn
Từ năm học 2021-2022, các môn: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.
Theo TS Nguyễn Văn Ninh, Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 bộ sách Cánh Diều, SGK mới bộ môn Khoa học Xã hội kiến thức 2 môn học có phần giao nhau nhưng vẫn đảm bảo phân môn từng môn học.
"Xuyên suốt chương trình Lịch sử và Địa lý THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý - Đô thị trong lịch sử, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn.
Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (hay còn gọi là Chương trình giáo dục phổ thông 2018) cho rằng, việc chia ra các lĩnh vực khoa học như vậy nhằm nghiên cứu sâu ở từng sự vật, hiện tượng, nhưng khi giải quyết một vấn đề, cần kiến thức tổng hợp.
Các nước có nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng dạy học tích hợp liên môn. Giải pháp này phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của người học, để học sinh thực hiện thành công các hoạt động thực tiễn, giúp các em rút ngắn quá trình tổng hợp, đồng thời góp phần giảm tải chương trình.
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, thực tiễn thử nghiệm dạy học tích hợp ở Việt Nam trong nhiều năm cho thấy, việc xây dựng chương trình môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống.
Ngoài ra, có thể lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình.
Một hay 3 giáo viên dạy?
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie (TP Hà Nội), từ bậc THCS, kiến thức bắt đầu có phần chuyên sâu nhưng khi đổi mới, các bài học được thiết kế tích hợp liên môn, vì thế bản thân ông chưa hình dung việc tích hợp ra sao.
"Có lẽ nên gọi các môn này là Tổ hợp, thay vì tích hợp. Lâu nay giáo viên đang dạy đơn môn, do đó nhiều người chưa hình dung việc dạy tích hợp sẽ như thế nào", ông Khang cho hay.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu Trưởng hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội) cũng cho hay, nhà trường giao cho giáo viên bóc tách từng phần trăm modul của mỗi môn để nghiên cứu.
Trong thời gian đó, trường chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nếu Sở quy định một hay 3 giáo viên dạy môn tích hợp, lúc ấy không còn bỡ ngỡ.
Để chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ lớp 6, hệ thống Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) chú trọng đầu tư tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để dạy học chương trình mới.
Đặc biệt, nhà trường thay đổi công tác tuyển sinh lớp 6 năm nay, hướng tới đáp ứng yêu cầu của môn tích hợp.
Cụ thể, nếu như những năm trước, trường có thể chú trọng Toán, Tiếng Việt thì nay sẽ tính đến phương án ngoài Toán, có thể sẽ kiểm tra hiểu biết về Khoa học tự nhiên của học sinh. Ngoài môn Văn, học sinh cũng được kiểm tra kiến thức KHXH như kỹ năng diễn đạt, thuyết trình…
Một hiệu trưởng Trường THCS ở Hà Nội cho hay, lãnh đạo và đội ngũ giáo viên cốt cán ở trường đều đã đi tập huấn theo chương trình mới.
Tuy nhiên, các trường cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. GV bộ môn trước đây dạy học riêng rẽ, nay phải ngồi lại với nhau để thảo luận từng bài để soạn bài và hỗ trợ nhau.
Đặc biệt, khi SGK mới được phê duyệt, GV sẽ phải vừa nghiên cứu sách vừa tập huấn vừa dạy học trên lớp, như vậy quá cấp tập và quá tải.
Bắt tay ngay còn kịp
PGS-TS Mai Sỹ Tuấn- Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 cho rằng, mặc dù là dạy môn tích hợp nhưng số lượng công việc của các thầy cô không thay đổi.
Nghĩa là tổng số giờ dạy Sinh học, Hóa học, Vật lý ở phổ thông hiện nay là bao nhiêu giờ thì với môn tích hợp Khoa học tự nhiên của lớp 6, 7, 8, 9 là bấy nhiêu giờ. Vì vậy, thầy cô hãy yên tâm về công việc.
Thứ hai, Chương trình mới được bố trí theo các mạch nội dung để thuận lợi cho giáo viên.
Thứ ba, khi thực hiện chương trình mới, bộ sách mới, những giáo viên nào chưa được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo thì sẽ được đào tạo, bồi dưỡng.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng, do chương trình mới, sách cũng mới nên đòi hỏi thầy cô phải cố lên một chút, phải đổi mới để đáp ứng với sách mới.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, để thực hiện không lúng túng, các nhà trường ngay từ bây giờ phải yêu cầu tổ tự nhiên nghiên cứu kỹ mạch kiến thức để đề xuất cách thực hiện, đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường.
Ngay từ bây giờ, các địa phương phải có lộ trình để cử giáo viên các môn lý, hóa, sinh đi đào tạo bổ sung để có thể đảm nhiệm được yêu cầu của môn học.