Phía sau hướng nghiệp: Sang Australia thăm... mới biết con ở Việt Nam

Hoài Nam

(Dân trí) - Con đi du học ở Australia, bố mẹ hàng tháng vẫn gửi tiền đều đặn. Họ không hề hay biết, con đã bỏ về Việt Nam thuê nhà ở 2 năm qua - TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ câu chuyện.

Nhiều câu chuyện đau lòng về hệ lụy khi chọn ngành, chọn nghề thiếu định hướng được đề cập trong chương trình hướng nghiệp tại buổi ra mắt cuốn sách "Khởi nghiệp cuộc đời" của TS Nguyễn Vinh Quang - Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr. Q.

Ông Quang là tiến sĩ ngành giáo dục tại ĐH Hertfordshire, Anh.

Phía sau hướng nghiệp: Sang Australia thăm... mới biết con ở Việt Nam - 1

Các diễn giả chia sẻ về những bi kịch do thiếu định hướng nghề nghiệp (Ảnh: Q.V).

Những đứa trẻ bỏ học

Tại chương trình, TS tâm lý Đào Lê Hòa An kể về trường hợp một sinh viên du học tại Úc rơi vào bế tắc vì nghề học, bản thân không lý giải được làm gì ở đây.

Sinh viên này bí mật trở về nước, thuê nhà ở nhưng bố mẹ không hay biết. Hàng tháng họ vẫn chu cấp tiền học đều đặn cho con. Đến Tết, "du học sinh" lại lén đi ngang nhìn qua nhà, rồi lủi thủi quay về chỗ trọ.

"Phải hơn 2 năm sau, khi bố mẹ quyết định sang Australia thăm con, họ mới biết hóa ra con mình ở... Việt Nam", TS Hòa An kể. 

Ông Lê Hải Vũ, Chủ nhiệm một câu lạc bộ thể thao thì trải lòng về những trường hợp "bi kịch hướng nghiệp", khi nhiều đứa trẻ không được ước mơ và thực hiện ước mơ.

Phía sau hướng nghiệp: Sang Australia thăm... mới biết con ở Việt Nam - 2

Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn khi theo đuổi ước mơ của mình (Ảnh minh họa: HT).

Ông có người cháu ruột học y khoa đến năm thứ 5 thì... bỏ học. Cháu chia sẻ rằng hơn 4 năm qua, ngồi giảng đường là cho bố mẹ, học vì bị bố mẹ ép chứ không phải cho mình. Ước mơ của bạn là trở thành họa sĩ, không phải bác sĩ. Người cháu quyết định bỏ học y... để học vẽ. 

Trường hợp khác là học trò của ông Vũ, từ năm lớp 6 đã tham gia môn thể thao bắn súng, gia đình muốn bạn này đi du học nước ngoài theo anh trai. 

Năm nhất đại học, cô bỏ ngang vì mê bắn súng, từng nhiều lần đoạt huy chương vàng vô địch quốc gia. Năm rồi bạn lại thi đại học, trường này không cho bảo lưu kết quả nên bạn phải làm đơn xin ngừng thi đấu 1 năm. Cô sợ không được thi đấu, bị tách ra khỏi bắn súng sẽ khó sống nổi... 

Từ thực tế đó, ông Vũ đặt vấn đề, học sinh bước vào lớp 10, vào đại học mới bắt đầu được định hướng nghề nghiệp phải chăng quá trễ? Các em cần được bố mẹ định hướng từ bé, gieo ước mơ từ bé. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Nhà Văn hóa sinh viên TPHCM thì nhắc đến thực trạng khoảng 20% sinh viên ra trường thất nghiệp. Sau khi tốt nghiệp 3 - 5 năm, tỷ lệ thất nghiệp, làm trái ngành nghề của các em lên đến khoảng 50%. 

Nhiều người mất cả chục năm tuổi xuân, lãng phí rất nhiều công sức, tiền bạc cho định hướng nghề nghiệp. Trong đó, các em đã trải qua 3 năm học phổ thông, 4 năm đại học và thêm 3 - 5 năm ra trường đi làm. 

Theo ông Hiếu, đây là hệ quả của việc tuyển sinh, hướng nghiệp chưa đúng cách lâu nay, khi các trường tư vấn hướng nghiệp vẫn nặng làm sao lôi kéo học sinh chứ ít định hướng.

Cho nhau cơ hội lên tiếng

TS Nguyễn Vinh Quang chia sẻ, ông viết cuốn sách "Khởi nghiệp cuộc đời" từ những trải nghiệm của bản thân khi đi du học, chứng kiến nhiều sinh viên học 3 - 4 năm đại học mới nhận ra lựa chọn của mình không phù hợp. 

Theo ông Quang, cách nhìn của nhiều người là học sinh từ lớp 10-11 mới có thời gian, tư duy tìm hiểu về công việc ngành nghề. Nhưng thật ra những biểu hiện về sở thích, sự quan tâm của trẻ vào lĩnh vực nào đó hình thành từ rất sớm. 

Phía sau hướng nghiệp: Sang Australia thăm... mới biết con ở Việt Nam - 3

Trẻ có biểu hiện về sở thích, sự quan tâm đến lĩnh vực nào đó từ rất sớm (Ảnh minh họa: Phú Hoài).

Quá trình làm việc với học sinh, ông Quang nhận thấy các em không có sự dũng cảm để bước ra khỏi vùng an toàn, để nói lên tiếng nói của mình. 

Có em là học sinh giỏi của thành phố kể, bản thân nghiện game vì... phải học quá nhiều, không có thời gian để giao tiếp, tương tác với bạn bè, học hỏi. Cậu học trò lấy môi trường chơi game để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè khắp thế giới.

Nhiều đứa trẻ cũng như cậu học trò, học từ thứ 2 đến thứ 6, thậm chí học thêm cả thứ 7, Chủ nhật. Các em không có thời gian để trải nghiệm, được sống trong không khí và mơ ước của mình. 

Khi ông Quang hỏi lại: "Con gặp khó khăn, bố mẹ đang nhận diện mình là một người nghiện game, con có chia sẻ là tại sao chơi game không?". Cậu học trò lắc đầu... 

Theo TS Nguyễn Vinh Quang, ông nhìn thấy cả phụ huynh và học sinh đều đứng trong vùng an toàn của riêng mình, không ai dám bước qua để cùng đối mặt với nhau, lên tiếng và lắng nghe. 

Ông Quang nhấn mạnh, phụ huynh chỉ có thể hỗ trợ tài chính, giữ vai trò tham vấn chứ không thể thay trẻ lựa chọn, thay trẻ ước mơ. Là một người cha, ông cũng từng phạm phải lỗi... lựa chọn thay cho con và luôn nhắc bản thân, nhắn nhủ mọi người hãy dũng cảm cho con lên tiếng nói, chia sẻ với mình.