Giật mình, khi con trẻ muốn nói với cha mẹ: "Tôi là một con người!"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước câu khảo sát "điều muốn nói với cha mẹ", nhiều em học sinh ghi "Tôi là một con người!" và nhiều em xin bố mẹ đừng chửi mắng nữa.

Các vấn đề về bất ổn trong tâm lý của học sinh hay cha mẹ Việt đổ tiền tỷ cho con đi du học... nhưng trẻ "vẫn không tìm thấy mình" đã được các chuyên gia đặt ra trong Chương trình đưa hướng nghiệp, tâm lý vào các chương trình giáo dục, do Tổ chức giáo dục và tư vấn du học Mỹ AEG vừa tổ chức tại TPHCM. 

Giật mình, khi con trẻ muốn nói với cha mẹ: Tôi là một con người! - 1

Các chuyên gia cảnh báo về sức khỏe tâm lý, thiếu kỹ năng mềm học sinh tại chương trình (Ảnh: M.D).

Chương trình cũng công bố dành 5 tỷ đồng học bổng tiếng Anh theo chuẩn STEAM song song với các gói chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, trong đó ưu tiên cho con em giáo viên, y bác sĩ... những người ở tuyến đầu chống dịch thời gian qua. 

"Tôi là một con người!"

TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Phát triển nguồn nhân lực và Hướng nghiệp Jobway bày tỏ, các chương trình giáo dục, học tập phải gắn liền với sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ. Giảm áp lực tâm lý cho học sinh là vấn đề phải quan tâm hàng đầu hiện nay trong giáo dục. 

Giật mình, khi con trẻ muốn nói với cha mẹ: Tôi là một con người! - 2

TS tâm lý Đào Lê Hòa An trong một chương trình chuyên đề dành cho học sinh (Ảnh: NVCC).

Thực tế hiện nay, học sinh các em chỉ biết học, học sáng, học chiều, học tối, nhiều em chỉ có thể đánh giá mình qua điểm số các môn học. Trẻ thiếu nghiêm trọng môi trường, các hoạt động để các em khám phá thế mạnh bản thân. Đáng lo ngại nữa là sự "đứt gãy" trong quan hệ cha mẹ và con cái. 

Hiện nay, nhiều phụ huynh nghĩ cho con học trường quốc tế, trường thật nhiều tiền là tốt. Nhưng TS Đào Lê Hòa An chia sẻ chính ông cũng phải giật mình sau khi thực hiện khảo sát trước buổi tư vấn tâm lý với 100 em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tại một trường quốc tế tại TPHCM vừa mới đây.

Kết quả có hơn 50% em đang gặp bất ổn tâm lý không được giải quyết. Có 10 em ghi rõ "muốn tự tử" hoặc "em đã từng nghĩ đến tự tử rất nhiều lần nhưng chưa có cơ hội". 

Trước câu hỏi "Điều con muốn nói mà trước giờ luôn ngại nói với ba mẹ là gì?". Nhiều em ghi: "Tôi là một con người!", có em muốn: "Xin bố mẹ đừng chửi mắng nữa".

Ông An kể, sau buổi chuyên đề, một em học sinh lớp 6 chạy lên gặp ông, vừa nói vừa khóc: "Chương trình này cần cho chị gái con, chị con học lớp 9 ở đây luôn. Con nghe được chị con đang bàn với bạn lên kế hoạch tự tử. Con sợ lắm!".

Giật mình, khi con trẻ muốn nói với cha mẹ: Tôi là một con người! - 3

Nhiều trẻ không thể "nói lời muốn nói" được với bố mẹ (Ảnh minh họa).

Bố mẹ làm ăn ở tỉnh, hai chị em sống ở thành phố với cô giúp việc. Em kể, mỗi lần bố mẹ gọi điện  lên toàn là chửi mắng, trách móc chuyện học hành, bố mẹ đóng bao nhiêu tiền mà không chịu học... 

Cậu học trò đưa cho ông An số điện thoại của người bố nhưng vị tiến sĩ gọi hai cuộc điện thoại không có người nhấc máy và cũng không hề có cuộc gọi hay hỏi lại. 

Giật mình, khi con trẻ muốn nói với cha mẹ: Tôi là một con người! - 4

Bản khảo sát nhanh này thu về hơn 50% học sinh gặp bất ổn về tâm lý, có nhiều em muốn nói với bố mẹ "Tôi là một con người!"

"Có một điều rất lạ là con em đang gặp rất nhiều áp lực, phụ huynh cũng thấy điều đó. Qua nhiều vụ việc đau lòng vừa qua nhưng họ vẫn rất coi nhẹ vấn đề tâm lý của trẻ", ông An cảnh báo khi cho biết họ thực hiện khảo sát với 100 phụ huynh muốn nói gì với con chỉ thu về được 15 phiếu, chỉ từng đó phụ huynh dành thời gian để nhìn nhận vấn đề cùng con.

Theo TS An, nếu mở rộng khảo sát, chúng ta có thể có những chất liệu rất đáng chú ý. Và ông cũng khuyến cáo, "nhạy cảm" nhất tập trung vào các em cuối tiểu học, đầu cấp 2. 

3 tỷ USD và sự "chịu chi" của phụ huynh Việt

Bà Phạm Thị Kim Dung, Giám đốc điều hành AEG chỉ ra một vấn đề lớn trong xung đột cha mẹ và con cái xuất phát từ việc con muốn thế này, nhưng ba mẹ lại mong muốn con theo hướng kia. 

Học sinh hiện nay có nền tảng tiếng Anh, kỹ năng học thuật tốt, nhưng các em thiếu định hướng nghề nghiệp. Trong khi, phải có sự cân bằng về định hướng nghề nghiệp, tâm lý giữa phụ huynh và học sinh thì đứa trẻ mới có thể phát triển toàn diện, mới có thể tự tin khi hội nhập, để trở thành các công dân tốt. 

TS quản lý giáo dục Quang Nguyễn, Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr. Q, thành viên Hội đồng tư vấn nghề nghiệp Úc nhắc đến con số 3 tỷ USD cũng là tài sản của tỷ phú Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo vừa được công bố vào tháng 3 vừa rồi; 3 tỷ USD là con số người dân Việt Nam chi cho rượu bia hàng năm và đó cũng là số tiền hàng năm phụ huynh Việt chi cho con em đi du học ở nước ngoài, tỷ trọng 1/3 ở các nước Mỹ, Anh, Úc...

Giật mình, khi con trẻ muốn nói với cha mẹ: Tôi là một con người! - 5

Hàng năm, phụ huynh Việt chi hàng tỷ USD cho con đi du học (Ảnh: L.T).

"Con số này cho thấy phụ huynh Việt Nam rất "chịu chơi" và "chịu chi". Ở các nước phát triển học sinh đi du học ở tỷ lệ 2% thì tỷ lệ ở Việt Nam trội hơn hẳn lên đến 5%. Nhu cầu được hưởng thụ nền giáo dục tốt ngày càng cao ở Việt Nam", ông  Quang Nguyễn nhấn  mạnh.

Ông băn khoăn rất nhiều học sinh trong nước hay nước ngoài, trung học hay cao học, có cả trường hợp nghiên cứu sinh Việt Nam vẫn phải đối mặt với việc họ không hiểu thế mạnh của bản thân, không thấy con đường mình đi trong tương lai.

Theo vị tiến sĩ, kỹ năng về tiếng Anh, về học thuật phải nói hiện nay các trường đào tạo rất tốt. Nhưng thứ thiếu nhất của học sinh Việt Nam chính là kỹ năng mềm, kỹ năng đời sống chưa được để ý. 

Khi chọn du học, học sinh chúng ta cũng chỉ.... biết học, hầu hết các bạn tập trung vào các câu hỏi như "Làm sao để được học bổng?", "Trường tốt không? Học có dễ rớt môn không?", các bạn rất ít đặt câu hỏi về môi trường, cộng đồng sống, họ có quá phân biệt người Châu Á, châu Âu hay không, tìm việc như thế nào... 

TS Quang Nguyễn cho rằng, học sinh trước khi đặt ra chân ra khỏi biên giới đất nước cần được trang bị các kỹ năng mềm. Có bất cứ chuyện gì xảy ra ở bên kia thì "nước xa không cứu được lửa gần", bố mẹ không thể ở bên cạnh mà mình phải có kỹ năng xử lý, biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bên cạnh.