Những “đặc sản” trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức

(Dân trí) - Không chỉ tiên phong trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tiên phong trong cả nước phát triển mô hình đại học định hướng nghiên cứu, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.

Tiên phong trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

ĐHQGHN đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực với 7 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu và 5 khoa trực thuộc.

Hiện, ĐH QGHN có tổng số 464 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 161 chương trình đào tạo đại học, 187 chương trình đào tạo thạc sĩ và 116 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Cơ cấu ngành nghề của ĐHQGHN cũng thay đổi mạnh mẽ. Hiện nay các ngành khoa học tự nhiên, y dược chiếm 20%; khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, ngoại ngữ, luật, giáo dục chiếm 45%; công nghệ - kỹ thuật 15%; liên ngành và thí điểm 20%.

Những “đặc sản” trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội - 1

Từ 1993 đến nay, ĐHQGHN đã cấp 203.405 bằng đại học, 36.470 bằng thạc sĩ và 2078 bằng tiến sĩ.

ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng từ khoa học cơ bản sang các ngành kỹ thuật, công nghệ và liên ngành rất sáng tạo và thành công. 

Trong vòng gần 30 năm xây dựng và phát triển, từ 1993 đến nay, ĐHQGHN đã cấp 203.405 bằng đại học, 36.470 bằng thạc sĩ và 2078 bằng tiến sĩ.

Số sinh viên đã tốt nghiệp các chương trình đặc biệt (tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao) là 5721 và hiện nay quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao đang tăng mạnh, đạt 6385 em và chiếm 20.5% quy mô đào tạo đại học.

Quy mô đào tạo hiện nay của ĐHQGHN (tính đến tháng 6/2020) là 31.115 sinh viên đại học chính quy, 5441 học viên cao học và 1259 nghiên cứu sinh.

Đứng trước những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. ĐHQGHN đã triển khai Đề án đổi mới đào tạo trình độ tiến sĩ tại ĐHQGHN và đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới (2017). Đây là bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo.

Quy chế mới yêu cầu nâng cao chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ của NCS, nâng cao chuẩn về công bố quốc tế và chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn NCS cũng như đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, giảng dạy bậc tiến sĩ; yêu cầu gắn hoạt động làm luận án của NCS với hoạt động của bộ môn/PTN; trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao nhất cho cán bộ hướng dẫn và bộ môn trong quá trình đào tạo NCS...

Đồng thời, Quy chế cũng đặc cách bỏ quy quy trình phản biện kín với các NCS có thành tích nghiên cứu xuất sắc, công bố được nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.

Không chỉ tiên phong trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình đào tạo đặc biệt như đã nói tới ở trên, ĐHQGHN cũng tiên phong trong cả nước xác định phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, với việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học.

Những “đặc sản” trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội - 2

ĐHQGHN tiên phong trong cả nước xác định phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu.

ĐHQGHN cũng tiên phong mở các ngành mới, ngành/chuyên ngành thí điểm chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước, như công nghệ nano, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu,…

Đến nay một số chương trình thí điểm của ĐHQGHN đã được đưa vào danh mục đào tạo của Nhà nước như chương trình đào tạo ngành Hóa dược, Kinh tế phát triển, Luật kinh doanh (bậc đại học), Ngôn ngữ Nhật (bậc thạc sĩ), Đo lường Đánh giá trong giáo dục (bậc thạc sĩ và tiến sĩ).

Hiện nay ĐHQGHN đang đào tạo tới 57 chương trình mới thí điểm (gồm 24  chương trình thí điểm bậc đại học, 25 chuyên ngành thí điểm bậc thạc sĩ và 8 chuyên ngành thí điểm bậc tiến sĩ). Đây là những đặc sản trong đào tạo của ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã đi đầu trong đổi mới tuyển sinh đại học theo đánh giá năng lực (năm 2014 thí điểm để tuyển sinh viên các hệ tài năng, chất lượng cao trong số các em đã trúng tuyển đại học); tiên phong trong việc xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực và cũng tiên phong áp dụng thành công việc triển khai đổi mới toàn diện tuyển sinh đại học chính quy theo hình thức sử dụng bài thi đánh giá năng lực ở ĐHQGHN (trong 2 năm 2015, 2016).

Các chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn đầu ra, với các khối kiến thức chung được giảng dạy thống nhất trong toàn ĐHQGHN. Thành công này đã tạo điều kiện cho việc phát huy thế mạnh liên thông, liên kết trong ĐHQGHN, mô hình a+b liên thông giữa 2 đơn vị đào tạo (như mô hình đào tạo cử nhân sư phạm, bác sỹ đa khoa,…), đặc biệt là trong việc xây dựng các chương trình đào tạo mới liên ngành, liên đơn vị; trong việc triển khai tổ chức giảng dạy bằng kép (song bằng) thành công.

Những “đặc sản” trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội - 3

Gần 5000 sinh viên được cấp bằng kép (bằng chính quy thứ 2 trong thời gian học tập tại ĐHQGHN)

Bên cạnh đó, cũng nhờ tích lũy tín chỉ, sinh viên có thể chủ động lựa chọn tích lũy các học phần theo kế hoạch và thời gian của cá nhân, nhờ vậy đến nay đã có gần 5000 sinh viên được cấp bằng kép (bằng chính quy thứ 2 trong thời gian học tập tại ĐHQGHN) và hơn 500 sinh viên tốt nghiệp đại học sớm so với quy định từ 1 đến 2 học kỳ.

Một sự đổi mới khác đối với 2 trường chuyên (Trường THPT chuyên KHTN và Trường THPT chuyên ngoại ngữ) là để lựa chọn được nhiều học sinh ưu tú vào học theo chương trình đại học, năm 2014, ĐHQGHN đã tiên phong nghiên cứu và ban hành quy chế đặc thù cho học sinh chuyên, ban hành các tiêu chí và quy định xét tuyển thẳng vào các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc của ĐHQGHN những học sinh chuyên xuất sắc.

Do đó, đã thu hút được nguồn học sinh giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản để nối tiếp truyền thống và phát huy thế mạnh của ĐHQGHN.

Kiên định mục tiêu giữ vững chất lượng

ĐHQGHN thực hiện triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) để đào tạo trình độ cao và phát triển tiềm lực KHCN. Đến nay, ở ĐHQGHN có hàng trăm NNC lớn nhỏ, trong đó có 29 NNC đã được Giám đốc ĐHQGHN công nhận là NNC mạnh cấp ĐHQGHN.

Các NNC này đã đóng vai trò quan trọng trong tăng cường tiềm lực KHCN, từ các kết quả nghiên cứu của nhóm mở các ngành đào tạo mới, bộ môn/PTN mới và đặc biệt là NNC thúc đẩy mạnh mẽ các công bố quốc tế của ĐHQGHN.

Cũng nhờ đào tạo thông qua nghiên cứu, các em sinh viên, học viên cao học, NCS được tham gia hoạt động trong môi trường các NNC, thắp sáng tài năng.

Những “đặc sản” trong đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội - 4

Nhiều nghiên cứu sinh của đã ó thành tích nghiên cứu xuất sắc, công bố được nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.

Đến nay, đã có nhiều em sinh viên năm cuối và trên trên 90% NCS trong lĩnh vực KHTN – Công nghệ của ĐHQGHN có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Không ít NCS được đào tạo trong nước, ở ĐHQGHN có số lượng và chất lượng các công bố quốc tế cao hơn so với các NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.

Thậm chí có TS trẻ được đào tạo NCS trong nước, ở ĐHQGHN đã được Forbers Việt Nam vinh danh.

Đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, trình độ cao, chất lượng cao là tài sản và vốn quý nhất của ĐHQGHN. Hiện nay ĐHQGHN có đội ngũ giảng viên trình độ cao đông đảo và hùng hậu nhất cả nước.

Trong hơn 4000 cán bộ, ĐHQGHN có  2322 giảng viên và nghiên cứu viên, trong số đó có 4 TSKH, 1309 TS, 366 PGS và 73 GS. Tỷ lệ cán bộ có học vị TS/TSKH trở lên đạt 57% , trong đó có 3% GS và 16% PGS,  cao gấp gần 3 lần so với tỷ lệ trung bình của cả nước. ĐHQGHN đã có 18 giải thưởng Hồ Chí Minh và 11 giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ.

Trong thời gian tới, ĐHQGHN tiếp tục tập trung hoàn thiện mô hình tự chủ đại học; trong hoạt động đào tạo tập trung vào nâng cao và mở rộng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao; ưu tiên và tập trung nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ; triển khai các chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thu hút nhân tài, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; đầu tư để thúc đẩy công bố quốc tế và thương mại hóa các sản phẩm KHCN;

Quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực kế cận; đổi mới hoạt động giảng dạy; triển khai đào tạo theo hướng cá thể hóa, để phát triển sở trường và năng lực của từng cá nhân; tiếp tục phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, liên thông liên kết và thống nhất trong toàn ĐHQGHN.

Điểm cần nhấn mạnh là ĐHQGHN sẽ xây dựng các chương trình đào tạo có tính linh hoạt cao, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của từng đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0;

Đẩy mạnh giáo dục STEM và khai phóng, đồng thời đặc biệt chú trọng nâng cao cơ hội tham gia nghiên cứu cũng như thực hành, thực tập, thực tế cho người học trong quá trình đào tạo.