Đại biểu HĐND Cà Mau:

"Nhiều thai nhi đã chịu tác động của rượu, bia, thuốc lá từ trong bụng mẹ"

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - "Nhiều thai nhi đã phải chịu tác động của rượu, bia, thuốc lá từ trong bụng mẹ. Khi ra đời thì uống sữa có chất cấm, đi học ăn uống vỉa hè với bao chất độc hại ở cổng trường…".

Tại phiên họp ngày 9/12, HĐND tỉnh Cà Mau, nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đời sống xã hội còn tồn tại chưa được khắc phục triệt để đã được các đại biểu đặt ra trước sự quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau.

Nêu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đại biểu Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Cà Mau), nhấn mạnh, thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất không thể thiếu trong cuộc sống.

Tuy nhiên, vấn nạn lớn con người đang phải đối mặt hiện nay là thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh về chất lượng, độ an toàn trong chế biến và sản xuất.

Cái khó cho đại đa số chúng ta là không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch. Quá trình này có thể diễn ra từ từ hoặc sau thời gian ngắn khi sử dụng.

Nhiều thai nhi đã chịu tác động của rượu, bia, thuốc lá từ trong bụng mẹ - 1

Đại biểu Nguyễn Hồng Nhung rất trăn trở về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, đặc biệt là trong các trường học (Ảnh: GHY).

"Từ khi trong bụng mẹ, nhiều thai nhi đã phải chịu tác động của rượu, bia, thuốc lá. Khi ra đời thì uống sữa có chất cấm. Khi đi học ăn uống vỉa hè với bao nhiêu chất độc hại ở các cổng trường. Sinh viên dùng đồ ăn thức uống từ thực phẩm hôi thối, nguyên liệu có chất cấm ở mức độ cao.

Nếu tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm không được quản lý chặt và cải thiện, nguy cơ suy giảm sức khỏe giống nòi của số lượng không nhỏ người Việt trong những thập kỷ tới là có thể khi xảy ra ngộ độc, nhiều tật bệnh phát sinh từ đây", bà Nhung trăn trở.

Lo ngại bữa ăn bán trú trong trường học

Đại biểu Nhung dẫn lại, vừa qua có vụ ngộ độc tập thể lớn xảy ra tại một trường học ở Nha Trang, khi có tới hơn 600 học sinh bị ngộ độc thực phẩm, một học sinh tử vong, đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong xã hội về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng.

Đặc biệt là phụ huynh khi có con em học bán trú phải ăn uống tại bếp ăn tập thể hay sử dụng những suất ăn được cung cấp cho trường học bởi các cơ sở dịch vụ.

Vào tháng 10/2022, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh Cà Mau đã giám sát một số trường học ở một số địa phương. Kết quả cho thấy công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tuy được nhà trường chú trọng, nhưng điểm chung của các trường đó là còn hạn chế về kinh nghiệm tổ chức ăn bán trú.

Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên của trường chưa được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về bữa ăn bán trú cho trẻ, cũng như kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Khi được hỏi cách nhận biết thực phẩm sạch, các trường cho biết nhận biết bằng mắt thường và chủ yếu tin tưởng vào nơi cung cấp thực phẩm hay cơ sở cung cấp thức ăn", bà Nhung lo ngại.

Đại biểu Nhung cũng cho biết, cá nhân bà qua quan sát thấy xung quanh các trường học có nhiều hàng quán bán thức ăn, nước uống với đủ màu sắc hương vị. Khi tìm hiểu sâu thêm thì thấy rằng giá thành khá rẻ, nguồn gốc được sản xuất bởi các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ. Các loại nước sốt chấm như tương cà, tương ớt, dầu chiên... không rõ nguồn gốc.

"Không biết những hoạt động nhỏ lẻ nhưng khá phổ biến ở các trường học có được cơ quan chức năng kiểm tra quản lý hay không. Tôi thực sự thấy lo lắng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng nói chung, đặc biệt đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh nhà", bà Nhung đặt vấn đề.

Đại biểu HĐND đề nghị các cơ quan chức năng cần ưu tiên tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, bếp ăn trong trường học, cơ sở cung cấp suất ăn cho nhà trường, hàng quán bán đồ ăn vặt cho trẻ.

Ông Dương Huỳnh Khải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, cho rằng đại biểu Nguyễn Hồng Nhung đã đưa ra thông điệp, kiến nghị rất thực tế, cần được xem xét xử lý.

Về việc này, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành giáo dục, các ngành chuyên môn, địa phương kiểm tra quyết liệt.

"Nhưng quan trọng nhất, với cơ sở giáo dục thì hiệu trưởng trường phải có trách nhiệm quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường. Anh mua thực phẩm ở đâu, ký hợp đồng như thế nào với ai thì phải có sự ràng buộc rõ ràng", ông Việt nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hồng Nhung đề nghị công khai các cơ sở kinh doanh buôn bán không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tránh xa.

Ngành giáo dục cần chủ động phối hợp cơ quan chuyên môn tập huấn nghiệp vụ về tổ chức ăn bán trú nhằm giúp các trường có kiến thức căn bản khi thực hiện bữa ăn cho trẻ được chặt chẽ, an tâm, an toàn hơn.

Các bậc phụ huynh nên hạn chế việc để cho con em mình sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường; nhà trường cần có công tác quản lý học sinh, tuyên truyền giúp các em tự ý thức bảo vệ sức khỏe của mình.