Không ngày nào không "rát cổ bỏng họng" kèm con học bài

Quang Trường

(Dân trí) - Một số phụ huynh băn khoăn nên kèm con làm bài tập về nhà hay để con tự học. Nếu không kèm thì sợ con làm sai, bị cô giáo phê bình, còn "kè kè" bên cạnh thì họ lo con có thói quen ỷ lại.

Dạy mãi không hiểu, cha mẹ đọc luôn đáp án cho con

Tùng Dương, con trai chị Nguyễn Thị Duyên (Ninh Bình) đang học lớp 4. Từ khi con học tiểu học, ngoại trừ ngày nghỉ, không ngày nào chị Duyên không "rát cổ bỏng họng" vì kèm con học tập.

Sáng sớm, chị gọi con dậy đi học, tối về phải giục mãi con mới ăn xong bữa cơm để chuẩn bị ngồi vào bàn học, thêm vài lần quát nạt nữa để thằng bé tập trung học bài. Nhưng vất vả nhất với chị là việc dạy con làm bài tập về nhà.

Chị Duyên cho biết, sau 2 buổi học mỗi ngày, Tùng Dương mang về một "núi" bài tập. Con phải hoàn thành trong buổi tối để thầy cô kiểm tra vào sáng hôm sau.

Tuy nhiên, dường như con chỉ tự tính được vài phép tính đơn giản, gặp những câu biến đổi khác so với công thức là con bó tay.

Không ngày nào không rát cổ bỏng họng kèm con học bài - 1
Phụ huynh không yên tâm nếu để con tự làm bài tập về nhà (Ảnh minh họa: Kiều Phương).

"Đầu năm lớp một, tôi để con tự làm bài, chỉ kiểm tra con hoàn thành hay chưa. Nhưng con thường xuyên làm sai, viết xấu, không đúng cỡ chữ nên cô giáo nhắc nhở tôi dạy con làm bài vào mỗi buổi tối.

Tuy nhiên, ngày xưa tôi chỉ học hết lớp 3 đã về chăn bò. Tôi viết chữ còn run tay, tính toán phải nhẩm chán mới ra nên rất vất vả khi dạy con học. 4 năm qua, dường như con học đến đâu mẹ cũng phải học đến đó", chị Duyên than thở.

Sau một ngày làm việc quần quật ở nhà máy may, tối về, chị Duyên lại ngồi giảng bài cho con. Với những bài khó, Tùng Dương mang sách vở đi "cầu cứu" anh chị. Có ngày, con vừa đi học về, chị Duyên đã phải giục con xem có bài nào khó thì nhờ anh chị giúp, tránh nhờ vào buổi tối làm phiền giờ học của anh chị.

Năm Tùng Dương lên lớp 2, chị Duyên phải thừa nhận con mình đã quen ỷ lại. Từ chỗ suy nghĩ để giải bài tập đến khi không giải được mới hỏi bài, thằng bé có thói quen gặp bài nào cũng hỏi mà không chịu đọc kỹ đề bài, tìm cách giải quyết.

Thậm chí có lần, bài đầu tiên của trang đầu tiên trong sách bài tập toán lớp 4, con cũng mang đi nhờ vả. Chị đánh giá bài tập đó tương tự như bài con đã được học trên lớp, không có gì khó.

Chị Duyên cho rằng, nguyên nhân là do vợ chồng chị đã giúp con làm bài quá mức mà không để con tự học. Có nhiều bài chị biết làm nhưng không thể giảng cho con hiểu, vì quá mệt mỏi nên chị đọc luôn kết quả cho con chép.

Tương tự, các anh chị của Tùng Dương cũng lười giải thích, cảm thấy phiền phức vì ngày nào em cũng mang sách vở vào hỏi trong lúc chúng đang xem tivi nên thường làm hộ bài cho em.

"Mỗi lần bắt buộc phải đọc đáp án cho con chép, tôi thấy con tỏ ra hí hửng còn mình thì lo lắng vô cùng. Không biết lúc đi thi con sẽ làm bài thế nào nếu không được ai nhắc. Con không sợ anh chị nên có khi còn nói thẳng với chúng là làm hộ bài cho em.

Nếu không theo sát bài vở của con mỗi tối thì con không chịu làm hoặc làm sai, giảng giải thì con không hiểu, đọc đáp án cho con thì hậu quả là con không chịu tư duy, chỉ chờ chép cho xong", chị Duyên nói.

Không ngày nào không rát cổ bỏng họng kèm con học bài - 2
Có phụ huynh cho rằng học sinh tiểu học cần được bố mẹ giúp làm bài tập về nhà (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Từ khi con trai anh Nguyễn Văn Sơn (Thái Bình) lên lớp một, tối nào gia đình anh cũng ồn ào. Tiếng con đánh vần, tập đọc xen lẫn tiếng dạy bảo ngọt nhẹ, nịnh nọt ban đầu, càng về sau càng là những tiếng quát tháo của bố mẹ và tiếng con khóc.

Anh Sơn cho biết, đầu năm con học lớp một, anh nghe một số chuyên gia trên mạng khuyên rằng bố mẹ nên để con tự túc, không nên can thiệp vào bài tập về nhà vì đó là việc của con. Làm theo lời khuyên, anh Sơn chỉ nhắc con học và kiểm tra khi con học xong chứ không giúp con làm bài.

"Sau một thời gian, tôi quyết định mặc kệ lời khuyên của chuyên gia để dạy con đến nơi đến chốn. Để con tự làm bài, tối nào tôi cũng phát hiện ra con làm sai ít nhất một nửa, chữ viết cẩu thả không có hàng lối gì cả. Từ đó, vợ chồng tôi gác lại mọi việc buổi tối để tranh thủ kèm con học", anh Sơn nói.

Theo anh Sơn, học sinh tiểu học còn mải chơi, chưa có trách nhiệm với bài vở của mình. Việc bố mẹ giúp con làm bài tập về nhà là cần thiết. Ví dụ, khi con viết chữ, cầm bút sai quy tắc mà phụ huynh không bên cạnh để nhận ra, nắn chỉnh kịp thời thì càng ngày con càng sai, rất khó sửa.

"Nếu để con tự làm bài, mặc kệ con làm sai hay đúng và phó mặc cho giáo viên chữa bài thì tôi không yên tâm. Tôi sợ con bị điểm kém, thầy cô không chỉ phê bình con mà trách cả bố mẹ không quan tâm con.

Hơn nữa, một lớp có mấy chục học sinh, thầy cô không thể sát sao chữa bài cho riêng con mình. Vì vậy, bố mẹ không thể đứng nhìn con muốn làm bài thế nào thì làm", anh Sơn nói.

Mỗi buổi tối, anh sẽ liệt kê những bài con được giao và kiến thức cần chuẩn bị trước cho ngày mai. Dựa vào đó, anh sắp xếp giúp con thứ tự bài cần làm. Môn nào quan trọng và có nhiều bài, anh sẽ yêu cầu con làm trước. Với những bài dễ, anh để con tự làm. Bài nào khó, anh gợi ý cách làm hoặc làm bài mẫu để con học theo.

"Lúc nào tôi cũng phải giảng dạy nhẹ nhàng để con dễ tiếp thu, nhưng nhiều khi giảng mãi mà con không hiểu khiến tôi phát cáu, nhất thời quát tháo làm con khóc. Không còn cách nào khác, tôi phải làm hộ con. Lâu dần tôi thấy mình trở nên dễ dãi, đôi khi mệt quá chỉ muốn con học xong sớm để mình được nghỉ ngơi, tôi cũng phải đọc cho con chép", anh Sơn nói.

Thầy cô giao bài cho con, không phải cho bố mẹ

Chị Bùi Thanh Hà (Hà Nội) có con gái đang học lớp 3 cho rằng, bố mẹ không nên kèm con làm bài tập về nhà. Về lâu dài, việc này có thể làm hại con.

Không ngày nào không rát cổ bỏng họng kèm con học bài - 3
Có người lại khẳng định bài tập về nhà là việc của con, bố mẹ không nên can thiệp (Ảnh minh họa: Khánh Hiền).

"Thầy cô giao bài tập cho con chứ không phải cho bố mẹ. Vì vậy, làm bài là việc của con. Bố mẹ kèm con làm bài tập về nhà chẳng khác gì việc bạn bè nhắc bài cho con lúc kiểm tra, thi cử. Con có thể được điểm cao, được cô giáo khen nhưng thành quả đó không phải do con tạo nên.

Hơn nữa, khi liên tục nhận được sự giúp đỡ, con dễ ỷ lại, trước một vấn đề khó, con sẽ không kiên trì giải quyết mà nhanh chóng bỏ cuộc để đi tìm sự giúp đỡ", chị Hà nêu quan điểm.

Chị Hà cho biết, chị vẫn quan tâm bài vở của con nhưng xác định cho con quyền được điểm thấp. Theo chị, ở bậc tiểu học, các con chưa cần phải áp lực làm bài tập về nhà mỗi ngày mà chỉ cần học và làm bài trên lớp là đủ. Bài tập về nhà chỉ nên là công cụ để các con làm quen với việc tự học.

Chị Hà chỉ nhắc con gái ngồi vào bàn kiểm tra bài vở mỗi tối, tạo thói quen tự học cho con. Với bài tập, con phải tự giải quyết.

Dù con làm sai hay đúng, chị cũng không can thiệp vì đó là kết quả của con. Trách nhiệm chữa bài là của thầy cô chỉ ra cho con biết mình sai ở đâu.

"Áp lực về thời gian và điểm số khiến nhiều người giúp con bằng cách làm hộ bài. Cách làm này khiến các con không hình thành được khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề. Giáo viên chấm bài cũng không thể phát hiện các con yếu ở phần nào để bồi dưỡng, dẫn đến đánh giá sai năng lực của con", chị Hà nói.