Môn Ngữ văn theo chương trình mới không còn kiểm tra đọc thuộc lòng

Quang Trường

(Dân trí) - Dạy và học theo chương trình Ngữ văn mới, giáo viên không còn gọi học sinh trả bài bằng cách đọc thuộc lòng. Thay vào đó là những cách kiểm tra, đánh giá kích thích sự sáng tạo và tự học của học sinh.

Chơi trò chơi, làm truyện tranh thay vì "học vẹt" bài cũ

Trong 5 phút đầu giờ học, thay vì học sinh phải học thuộc để trả bài, cô giáo Phan Như Quỳnh (tên nhân vật đã được thay đổi) thường cho các em khởi động bằng trò chơi. Cô tạo bộ câu hỏi trên một phần mềm, hình thức như các trò chơi truyền hình. Câu hỏi về kiến thức đã học và kiến thức mở rộng.

Học sinh được sử dụng điện thoại thông minh để giải trò chơi. Em nào không có điện thoại có thể chơi chung với bạn. Cô Quỳnh điều khiển trò chơi trên màn hình máy chiếu.

Học sinh vừa giải, vừa nhìn thấy điểm số, xếp hạng của mình thay đổi trên màn hình lớn mỗi khi giải xong một câu. Đây là hoạt động kiểm tra mà các em hứng thú nhất.

"Thay vì tạo áp lực mặt đối mặt giữa thầy và trò, việc kiểm tra bài cũ bằng trò chơi giúp học sinh vui vẻ khởi động tiết học. Cảm giác kiểm tra, đánh giá học sinh không còn nặng nề như trước.

Tôi có thể kiểm tra vào đầu giờ hoặc bất kỳ thời điểm nào trong buổi học, dưới nhiều hình thức", cô Phan Như Quỳnh - Giáo viên Ngữ văn tại một trường THPT ở Nghệ An cho biết.

Môn Ngữ văn theo chương trình mới không còn kiểm tra đọc thuộc lòng - 1
Không còn chuyện trả bài cũ bằng cách học thuộc lòng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Trong những bài học chứa các vấn đề cần tranh luận, cô Quỳnh sẽ chia học sinh thành các nhóm ủng hộ và phản đối. Học sinh tranh luận bằng cách đưa ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.

"Hình thức này giúp các em rèn luyện tư duy phản biện, phát triển năng lực ngôn ngữ để tự tin hơn trong giao tiếp. Vì vừa học chương trình mới nên nhóm học sinh khá sẽ hứng thú tranh luận hơn, nhóm còn lại chưa kịp làm quen", cô Quỳnh nói.

Ngoài ra, cô Quỳnh còn cho học sinh vào vai các nhân vật, tác giả, vẽ sơ đồ tư duy. Các phương pháp kiểm tra, đánh giá luôn thay đổi, sáng tạo.

Cô Quỳnh cho biết, học sinh của mình đều cảm thấy hứng thú với môn Ngữ văn vì các em được hoạt động nhiều hơn, bài bản hơn. Học sinh có nhiều cơ hội để phát triển năng lực theo trục nghe - nói - đọc - viết.

Ở mỗi dạng bài khác nhau, học sinh sẽ bộc lộ thiên hướng kỹ năng của mình. Giáo viên quan sát và kích thích các em phát huy sở trường.

"Điều quan trọng là giáo viên phải chịu khó tìm tòi, đầu tư cho các hoạt động của học sinh. Người học cũng phải tích cực tham gia", cô Quỳnh nói.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Lê Quảng Chí (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh đã trở nên linh hoạt hơn.

Khi khởi động tiết học, cô Thanh sẽ cho học sinh chơi trò chơi hoặc đặt ra các tình huống có vấn đề. Học sinh phải huy động kiến thức của bài cũ và trải nghiệm thực tế để giải tình huống.

"Hoạt động khởi động nhẹ nhàng nhưng qua đó học sinh sẽ thể hiện mình có học bài hay không. Các em không còn phải nhắc lại cho đúng từng chữ của bài cũ để trả bài cho cô.

Học sinh không còn chỉ kiểm tra bằng bài viết văn đơn thuần vì như vậy sẽ có những em kiến thức tốt nhưng khả năng viết chưa tốt nên điểm không cao, đánh giá như vậy chưa toàn diện", cô Thanh nói.

Môn Ngữ văn theo chương trình mới không còn kiểm tra đọc thuộc lòng - 2
Cô Thanh trong một buổi trải nghiệm thực tế cùng học sinh (Ảnh: NVCC).

Thay vào đó, các em sẽ được giao các bài tập làm dự án. Ngoài vận dụng kiến thức Ngữ văn, học sinh còn phải có hiểu biết về văn hóa, xã hội, công nghệ thông tin, thuyết trình để hoàn thành dự án.

Các thành viên trong nhóm tự đánh giá mức độ đóng góp của nhau. Giáo viên cho điểm dựa trên các tiêu chí và mức độ đóng góp của học sinh.

Theo cô Thanh, ở môn Ngữ văn, học sinh có 4 đầu điểm kiểm tra thường xuyên mỗi học kỳ, trong đó có một điểm làm bài tập dự án, 2 điểm bài viết và một điểm thảo luận.

Chương trình mới có thời lượng nhiều hơn cho các hoạt động thực hành nên học sinh được vận dụng kiến thức để rèn kỹ năng một cách toàn diện, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Cô Thanh ví dụ, hiện tại, lớp cô dạy đang học đến bài Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận. Nếu dạy bài này theo chương trình cũ thì rất khó vì phải đi vào nghiên cứu nội dung của một bài văn nghị luận trung đại.

Ở chương trình mới, tác phẩm chỉ có nhiệm vụ minh họa cấu trúc của văn nghị luận. Học sinh chỉ cần xác định được luận điểm, luận cứ để nắm được cấu trúc của thể loại chứ giáo viên không kiểm tra các em thuộc hết nội dung và hình thức của văn bản.

Cô Mai Thị Hồng Quế - Giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Ninh Bình) đánh giá học sinh qua các sản phẩm học tập, theo 4 hoạt động nghe - nói - đọc - viết.

Cô Quế giao cho học sinh những dạng bài mới mẻ như sưu tầm các bài ca dao, truyện cổ của địa phương, ứng dụng các phần mềm để sáng tác truyện tranh theo chủ đề, viết bài quảng cáo sản phẩm của địa phương.

"Có thể học sinh làm nội dung chưa được hay, hình thức chưa đẹp như mong muốn nhưng các em rất thích vì nó mới lạ, kích thích sự sáng tạo", cô Quế đánh giá.

Những gì giáo viên nói chưa hẳn là "chân lý"

Theo cô Thanh, giáo viên và học sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn với chương trình Ngữ văn mới của lớp 10 năm nay. Các thầy cô chủ yếu đang tự học và rút kinh nghiệm như người vừa đi vừa tìm đường.

Chương trình mới hay nhưng khá vất vả cho giáo viên trong những bước đầu triển khai. Mục tiêu của giáo viên đang là giúp các em quen với cách học vì đa số học sinh còn học theo tư duy cũ, thụ động.

"Một vấn đề nữa là các em còn thích đọc và chép hơn. Khi bắt đầu học sách mới, học sinh cứ nhắc cô chậm lại để cho em chép. Sau một thời gian, các em đã quen dần.

Tôi chỉ hướng dẫn các em học theo mạch, các em tự ghi theo cách của mình. Vở ghi của mỗi bạn mỗi khác, không còn thói quen chờ giáo viên đọc cho chép tràng giang đại hải", cô Thanh nói.

Môn Ngữ văn theo chương trình mới không còn kiểm tra đọc thuộc lòng - 3
Giáo viên trong vai trò hướng dẫn, học sinh làm chủ hoạt động học tập (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Cô Thanh cho biết, học sinh thường hứng thú với các hoạt động nói và nghe. Các em cũng đỡ ngại viết vì các bài tập viết không bắt buộc học sinh viết trên một tác phẩm nào mà được tự do chọn tác phẩm.

"Tôi dạy đối tượng học sinh trung bình - yếu, đầu vào rất thấp, hầu như mục tiêu của các em chỉ là đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên, các em đã tích cực học Ngữ văn với các hoạt động nói, nhận xét cho nhau. Trước kia, các em rất thụ động, giáo viên khó có thể làm cho các em chủ động trong việc nói, nhận xét", cô Thanh nói.

Cô Phan Như Quỳnh cho rằng, với cách dạy của chương trình mới, những gì thầy cô hay văn mẫu nói chưa hẳn đã là chân lý.

Chương trình mới chú trọng việc hướng dẫn học sinh sử dụng kiến thức và năng lực của mình trong đời sống. Mục đích cuối cùng là để học sinh sử dụng tiếng Việt hay và hiệu quả trong giao tiếp.

Giáo viên kiểm tra các em từ những văn bản đã được học đến các văn bản bất kỳ. Người học phải có năng lực tiếp nhận, giải mã cái hay của mọi thể loại văn bản.

Phương pháp thuyết giảng trước đây không còn được các giáo viên sử dụng phổ biến. Học sinh làm chủ hoạt động học tập, giáo viên cố vấn, định hướng và chốt kiến thức cho các em. Chương trình mới làm rõ hơn việc giáo viên cho học sinh công cụ để các em tìm ra cái hay của văn học, theo cảm nhận của mình.

"Học sinh rất hứng thú với cách học tập này. Các em hào hứng nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình. Đồng thời, giáo viên cũng phải xác định rằng những gì mình nói chưa hẳn là chân lý, học sinh không bị bắt buộc phải đồng tình", cô Quỳnh nói.