Học sinh ước được sinh sớm để không phải thi tốt nghiệp 6 môn

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Dự kiến phải thi tốt nghiệp 6 môn bao gồm 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, đồng thời thí điểm tổ chức thi trên máy tính, nhiều học sinh, phụ huynh thấy áp lực.

Ngày 17/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố Dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025. Dự thảo đã công bố 2 nội dung nổi bật bao gồm:

Thứ nhất, thí sinh học chương trình THPT dự kiến sẽ thi tốt nghiệp 6 môn, trong đó 4 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử; cùng với 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Thứ hai, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính) và đồng thời vẫn giữ ổn định hình thức thi trên giấy trong giai đoạn 2025-2030.

Sau công bố này của Bộ GD&ĐT, nhiều học sinh lớp 10 không giấu được sự lo lắng.

Học sinh ước được sinh sớm để không phải thi tốt nghiệp 6 môn - 1
Thí sinh trong phòng thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Ước được bố mẹ sinh sớm để không phải thi phương thức mới

Ngọc Bích (sinh năm 2007, học sinh lớp 10) cảm thấy áp lực khi biết tin đến năm em thi tốt nghiệp THPT sẽ phải thi 6 môn trong đó bao gồm 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Đặc biệt, Bích lo lắng về việc môn lịch sử trở thành một trong 4 môn thi bắt buộc. Dù rất thích và thường xuyên xem tài liệu về lịch sử nhưng việc ghi nhớ các kiến thức của môn học này vẫn là một thách thức đối với em.

"Em ước được sinh sớm hơn thì em đã có thể được học chương trình cũ và thi phương thức thi cũ", Bích nói.

Ngoài ra, Bích và các thầy cô giáo cảm nhận rằng chương trình giáo dục THPT mới có kiến thức chuyên sâu, cộng thêm việc số môn phải thi tốt nghiệp không những vẫn giữ nguyên (6 môn) mà còn tăng thêm một môn bắt buộc khiến em cảm thấy áp lực.

"Mục tiêu bấy lâu của Bộ GD&ĐT không phải là giảm áp lực học tập cho học sinh hay sao? Thế nhưng chúng em vẫn phải thi 6 môn như những thế hệ trước, không chỉ thế còn cộng thêm một môn thi bắt buộc", Bích bày tỏ.

Học sinh ước được sinh sớm để không phải thi tốt nghiệp 6 môn - 2

Học sinh đi thi tốt nghiệp (Ảnh minh họa: Hồng Hạnh).

Mặc dù thêm một môn bắt buộc, Bích và các em học sinh khác hoàn toàn có thể lựa chọn phương pháp học "đối phó", đồng nghĩa với việc chỉ cần học để qua điểm liệt và chống trượt, nhưng Bích lại không lựa chọn làm điều đó do áp lực điểm số.

"Em học lớp chọn của trường nên em có áp lực phải đạt điểm số tốt để không thua kém so với các bạn. Ngoài ra, em cho rằng việc học để tiếp thu kiến thức nhưng lại không đạt được điểm số cao là một điều đáng trách", Bích chia sẻ.

Bắt buộc thi môn lịch sử gây khó khăn cho học sinh thi khoa học tự nhiên?

Trao đổi với Dân trí xoay quanh việc Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức 6 môn thi bao gồm 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho biết, thầy đồng tình với dự thảo do Bộ đề ra.

Thực tế, những năm trước đó, các em học sinh cũng phải thi 6 môn bao gồm: 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và một bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp khoa học xã hội gồm 3 môn.

Do đó, việc kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 thay đổi để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn từ tổ hợp do học sinh tự chọn là hợp lý để đảm bảo cho việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh theo định hướng phát triển của mỗi em.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh và phụ huynh cảm thấy việc đưa môn lịch sử, một môn học thuộc khối khoa học xã hội, trở thành môn thi bắt buộc, vô tình tạo thêm áp lực cho học sinh, đặc biệt là với những em có định hướng thi những khối khoa học tự nhiên như khối A00, A01, B00…

Học sinh ước được sinh sớm để không phải thi tốt nghiệp 6 môn - 3

Nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng đưa môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc sẽ gây khó khăn cho những học sinh có định hướng thi tổ hợp khoa học tự nhiên (Ảnh minh học: Bích Diệp).

Chia sẻ về những trăn trở này của phụ huynh và học sinh, thầy Bình cho rằng, học để thành công, học để đạt được mục tiêu mình mong muốn thì sẽ có những áp lực nhất định và không có chuyện muốn thành công trong việc học mà không phải trải qua áp lực.

"Nếu chúng ta nói rằng, việc biến môn lịch sử trở thành môn thi bắt buộc sẽ gây thêm khó khăn và áp lực cho những em có định hướng thi các khối khoa học tự nhiên thì tôi cho rằng đây là quan điểm không chính xác.

Nếu nói như vậy, việc các em có định hướng thi các khối khoa học xã hội cũng sẽ bị bất lợi hơn bởi việc thi môn toán", thầy Bình phân tích.

Thầy Bình cũng chia sẻ, các em học sinh nên chủ động xây dựng kế hoạch học tập sao cho phù hợp với mục đích, định hướng nghề nghiệp và trình độ của mình.

"Chúng ta không thể lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của tất cả các em học sinh.

Các em khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên tự xây dựng cho mình thời gian học, phương thức học và kế hoạch học tập phù hợp với mục đích của mình", thầy Bình chia sẻ.

Có nên tổ chức thi tốt nghiệp trên máy tính?

Dù Bộ GD&ĐT đã nói rõ, năm 2025 vẫn giữ ổn định hình thức thi trên giấy và chỉ thực hiện thí điểm thi trên máy ở một số địa phương nhưng em Ngọc Bích vẫn lo lắng trước hình thức thi lạ lẫm này.

"Em cho rằng việc làm bài kiểm tra trên giấy là hình thức không thể thay thế đối với học sinh vì đây là hình thức thi quen thuộc, kéo dài trong nhiều thế hệ. Những điều đã quá quen thuộc thì không nên vội thay thế", Ngọc Bích bày tỏ.

Học sinh ước được sinh sớm để không phải thi tốt nghiệp 6 môn - 4
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN trên máy tính (Ảnh: Hồng Hạnh).

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Quốc Bình lại cho rằng hình thức thi trên máy tính là một xu thế tất yếu của xã hội.

"Chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra đánh giá, là yêu cầu tất yếu mà chúng ta không thể chần chừ.

Dựa trên một số kỳ thi do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức riêng như: Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐHQGHN) và kỳ thi đánh giá tư duy (Đại học Bách khoa Hà Nội) đều thực hiện trên máy tính, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể nghiên cứu để áp dụng vào tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thầy Bình phân tích.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng việc tổ chức thi trên máy tính sẽ xảy ra gian lận trong thi cử. Thầy Bình cho rằng, Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu từ những kỳ thi riêng tổ chức trên máy tính đã được các cơ sở giáo dục đại học tổ chức để tìm ra cách ngăn chặn những bất cập này.

Mặc dù hình thức thi trên máy chủ yếu vẫn là dạng bài trắc nghiệm, dạng bài quen thuộc từ trước đến giờ của học sinh nhưng nó vẫn đặt ra thách thức về thay đổi phương pháp dạy cũng như phương pháp học của các em học sinh, đòi hỏi cả thầy và trò sự sáng tạo và năng lực thích nghi với hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, việc thay đổi hình thức thi cũng khiến các trường THPT phải đầu tư cơ sở vật chất như: Đường truyền, máy móc, phần mềm, máy quay giám sát… để đáp ứng được công tác thi cử và kiểm tra đánh giá học sinh.