"Hạ chuẩn" tiến sĩ: Bài báo trong nước như vận động viên bơi "ao làng"

(Dân trí) - Bài báo đăng trên tạp chí trong nước giống như vận động viên thi bơi ở ao làng. Bài báo trên tạp chí quốc tế giống như thi bơi ở sông. Bài báo trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus như thi bơi ở biển.

Sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 (gọi tắt là Quy chế 18) đã gây tranh cãi gay gắt, nhiều bài viết chỉ trích phê phán mạt sát… Những người lên tiếng hầu hết là những người có tên tuổi, có uy tín trong giới  khoa học nước nhà nên đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng mạng.

Tôi vốn là người chuyên phản biện các mặt trái các thông tư quy chế của Bộ GD-ĐT, đáng ra tôi cũng phải là người đồng tình ủng hộ các ý kiến của các nhà khoa học, nhưng vì quá nhiều tác giả đang vô lý "đánh hội đồng" cực đoan không đúng nên tôi xin có một vài ý kiến để có cái nhìn khách quan, công bằng hơn về Thông tư 18/2021.

Để tránh trùng lặp, trong bài viết này tôi sẽ chỉ tham gia trao đổi những điểm mới, những ưu điểm trong thông tư 18/2021 mà các báo chưa phản ánh.

Hạ chuẩn tiến sĩ: Bài báo trong nước như vận động viên bơi ao làng - 1

Lễ trao bằng tiến sĩ của trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Giao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo xây dựng Quy chế đào tạo Tiến sĩ, Bộ  GD-ĐT giám sát thực thi

"Điều 22. Xây dựng và thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo:

1. Căn cứ Quy chế này và những quy định hiện hành khác có liên quan, cơ sở đào tạo có trách nhiệm:

a) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo; cụ thể hóa với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng không trái với những quy định của Quy chế này".

Theo điều 22, Bộ giáo dục đã không còn áp đặt như Thông tư 08/2017 mà thực sự  giao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo. Bộ chỉ đưa ra "khung" tối thiểu quy chế, trách nhiệm của cơ sở đào tạo là "đắp" thêm thịt vào "khung" đó sao cho phù hợp với các chuyên ngành mà cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo tiến sĩ.

Cơ sở đào tạo khi xây dựng quy chế mới, yêu cầu phải công khai thông tin để xã hội và Bộ GD-ĐT giám sát. Đây được xem là điểm mới tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thể hiện trước xã hội.

Khuyến khích cơ sở đào tạo nâng chuẩn đầu ra tiến sĩ để bảo đảm thương hiệu

Công bố khoa học trên các tạp chí khác nhau được so sánh như vận động viên thi bơi ở các giải đấu khác nhau.

Bài báo đăng trên tạp chí trong nước giống như vận động viên thi bơi ở ao làng. Bài báo trên tạp chí quốc tế giống như thi bơi ở sông. Bài báo trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus như thi bơi ở biển. Rõ ràng giải bơi ao làng không thể so sánh với giải bơi quốc tế  ở biển.

Mục tiêu đào tạo tiến sĩ thực chất là đào tạo ra những người có khả năng nghiên cứu độc lập và sản phẩm của luận án  phải có đóng góp tri thức cho nhân loại, góp phần nâng tầm lý luận cho ngành khoa học mà nghiên cứu sinh (NCS) thực hiện.

Dù là nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng thì Luận án cũng phải có tính mới và sản phẩm nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí quốc tế, nghĩa là phải được giới chuyên môn phản biện, kiểm duyệt kĩ lưỡng để sản phẩm ấy trở thành tri thức của nhân loại. Tạp chí trong nước nếu chưa được xếp hạng ISI/Scopus, trước mắt chỉ để đăng bài báo là sản phẩm luận văn Thạc sĩ.

Các cơ sở đào tạo có uy tín khi xây dựng quy chế mới, sẽ nâng chuẩn cao hơn so với chuẩn của Bộ để tạo thương hiệu cho riêng mình. Trong điều 22, cụm từ "yêu cầu ngang bằng hoặc cao", quy chế đã khuyến khích cơ sở đào tạo nâng chuẩn. Chúng ta chỉ nên phê phán khi Bộ GD-ĐT "CẤM" cơ sở đào tạo nâng chuẩn Tiến sĩ.

Những cơ sở đào tạo "thường thường bậc trung", chưa đủ sức "bơi ra biển lớn", có thể đặt chuẩn đầu ra luận án tiến sĩ chỉ cần công bố trên tạp chí trong nước khung điểm 0,75 để tạo thêm nguồn tuyển sinh. Điều này hoàn toàn giống như tuyển sinh Đại học.

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội gần 29 điểm, nhưng ở các trường khác cũng ngành này chỉ 12 điểm. Đối với các cường quốc khoa học như Mỹ, Nga, Pháp… bên cạnh những Đại học tinh hoa như Havard, MGU…. vẫn tồn tại những Đại học ứng dụng, tiêu chuẩn đào tạo Tiến sĩ ứng dụng cũng hết sức đơn giản. Giáo sư của một trường Đại học "thường thường bậc trung" nhưng khi đến xin dạy ở Đại học Havard chỉ là giảng viên thường… 

Tôi tin rằng, nếu phải công khai "mặt bằng" chuẩn Tiến sĩ trước xã hội, các cơ sở đào tạo sẽ cân nhắc khi hạ chuẩn Tiến sĩ như thông tư 18/2021. Các nhà khoa học không nên quá lo lắng cho mặt bằng chung Tiến sĩ nước nhà.

Bước đệm "khoán 10 trong đào tạo tiến sĩ"

Mỗi ngành khoa học có đặc thù riêng, nên Bộ GD-ĐT không thể bắt tất cả các ngành vào chung một  "rọ" như thông tư 08/2017 là "NCS phải 12 tháng liên tục ở cơ sở đào tạo trong 2 năm đầu tiên".

Có ngành khoa học thực nghiệm, NCS phải thường xuyên  ở phòng thí nghiệm của cơ sở đào tạo  liên tục 3 năm từ khi trúng tuyển đến lúc hết thời hạn mới có kết quả nghiên cứu và hoàn thành viết luận án. Nhưng cũng có đề tài, năm đầu tiên phải nghiên cứu lý thuyết, năm cuối khi tiến hành thực nghiệm lại không thể thực hiện ở cơ sở đào tạo Đại học  mà phải tiến hành ở các vùng sâu vùng xa cách cơ sở đào tạo hàng nghìn km.

Do đó quy định NCS phải có mặt 12 tháng đầu tiên đã làm cho nhiều NCS mất cơ hội, phải "bỏ của chạy lấy người" vì đề tài nghiên cứu không phù hợp với cách quản lý đó.

Thông tư 18/2021, quản lý NCS được ghi rõ trong điều 3 trang 2: "Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian". Đây được xem là bước tiến mới so với thông tư 08/2017, bước đệm của khoán 10 trong đào tạo tiến sĩ.

Quản lý NCS bằng phương thức online - một cuộc cách mạng lớn trong giáo dục

Sau hơn 50 năm Việt Nam đào tạo tiến sĩ, đây được xem là bước tiến mới, một cuộc cách mạng thay đổi về chất  của Bộ GD-ĐT, phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Với cách làm này, khoảng cách không còn là yếu tố bất lợi. NCS ở cách Hà Nội hàng nghìn km vẫn có thể ngồi ở nhà  trao đổi tương tác với giáo viên hướng dẫn hàng ngày, hàng tuần … giống như các NCS đang ở cơ sở đào tạo.

Trước khi có thông tư 18/2021, tháng 4 năm 2020, giữa mùa covid, trong khi Bộ GD-ĐT đang "án binh bất động", dù chưa được Bộ GD-ĐT "bật đèn xanh" nhưng  một cơ sở đào tạo  đã mạnh dạn tổ chức tuyển NCS  đầu vào online.

Ngay sau video bảo vệ đề cương NCS online được lan truyền trên mạng, hàng loạt các ứng viên đã nộp đơn xin làm NCS với mong muốn được hưởng ưu đãi về công nghệ mới trong thời gian làm NCS.  

Bỏ một cấp hội đồng đánh giá luận án, "nhìn người mà ngẫm đến ta"

Theo thông tư 08/2017, sau khi hoàn thành xemina bộ môn, NCS phải trải qua 02 lần bảo vệ luận án ở Hội đồng cấp cơ sở và Hội đồng cấp Trường (Viện, Trung tâm).

Một NCS (do tác giả hướng dẫn) sau khi hoàn thành luận án TS đã thốt lên: "Nếu còn kiếp sau, em xin thề với thầy sẽ không bao giờ  làm NCS trong nước để bị hai hội đồng hành như vậy".

Thông tư 18/2021 bỏ một cấp Hội đồng đánh giá, tiết kiệm tiền và thời gian của  NCS từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là ưu điểm của thông tư 18/2021 mà các NCS đang mong đợi.

Nhìn ra Thế giới, rất hiếm quốc gia nào trên thế giới  lại tổ chức đến 2 Hội đồng như ở Việt Nam. Ở các nước văn minh, NCS chỉ cần đáp ứng yêu cầu bài báo (một số trường châu Âu chỉ khuyến khích có báo) và thầy hướng dẫn thấy đạt sẽ cho bảo vệ.

Khi bảo vệ được trước hội đồng là qua. Thậm chí như ở Hà Lan, nội dung luận án chính là các bài báo của NCS gộp lại. Bởi họ đề cao tính "tự chịu trách nhiệm" của giảng viên hướng dẫn.

Không nên để nhà khoa học trong nước phản biện độc lập luận án Tiến sĩ có công bố ISI/Scopus

Bộ GD-ĐT cần giao quyền cho cơ sở đào tạo toàn quyền quyết định có đưa luận án cho phản biện độc lập hay không. Những luận án có công bố quốc tế ISI/Scopus, đã được các nhà khoa học thế giới phản biện thì không nên  để các nhà khoa học trong nước phản biện độc lập nữa, vừa mất thời gian vừa tốn tiền của cơ sở đào tạo.

Việc để các nhà khoa học trong nước phản biện độc lập luận án tiến sĩ có công bố ISI/Scopus thể hiện thiếu tôn trọng và xúc phạm đến tập thể hướng dẫn và NCS.

Với cơ sở đào tạo chấp nhận đầu ra tiến sĩ là các tạp chí trong nước thì rất cần có phản biện độc lập để đánh giá độ tin cậy của luận án tiến sĩ.

PGS.TS Ngô Tứ Thành

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!