"Hạ chuẩn" đào tạo tiến sĩ để đẩy nhanh tốc độ số lượng?

(Dân trí) - Việc nới lỏng, "hạ chuẩn" đào tạo tiến sĩ Theo Thông tư số 18 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành sẽ góp phần tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo, còn về chất lượng thì khó có thể tăng lên so với quy chế mới.

Hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ để đẩy nhanh tốc độ số lượng? - 1

 Cần xem lại các khái niệm "tạp chí nước ngoài" hay "tạp chí trong nước"

Theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế mới về đào đạo tiến sĩ đã được ban hành và có những điểm khác so với quy chế năm 2017 (Thông tư 08/2017-TT-BGDDT).

Theo đó, Quy chế mới nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ. Theo quy chế mới, nghiên cứu sinh chỉ cần công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trong khi đó, quy chế năm 2017 thì bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố trên các tạp chí/hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus.

Như vậy, quy chế mới giúp cho việc hoàn thành luận án được thuận lợi hơn và tốc độ đào tạo tiến sĩ của Việt Nam có thể sẽ nhanh hơn trong thời gian tới.

Cũng cần nói thêm, đã đến lúc cần xem lại khái niệm "tạp chí nước ngoài" hay "tạp chí trong nước". Thực chất, Việt Nam đã có những tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, thu hút công trình toàn cầu và có những tạp chí đã được công nhận trên thế giới thông qua việc những tạp chí này được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus.

Và ắt hẳn những tạp chí này cũng được xếp vào "tạp chí trong nước", nhưng bản chất thì những tạp chí này là những tạp chí quốc tế. Nếu cần phân biệt thì nên chia nhóm như sau:

Thứ nhất, tạp chí quốc tế gồm cả những tạp chí nước ngoài có uy tín (được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus hay được xuất bản bởi những tổ chức uy tín) và có nhiều tạp chí của Việt Nam đã đạt chuẩn này. Tạp chí không quốc tế (hay tạp chí quốc gia, được tính điểm) gồm các tạp chí xuất bản bằng tiếng Việt.

Từ đó, khó có thể nói quy chế mới giúp nâng cao chất lượng của các luận án tiến sĩ.

Thứ hai, về yêu cầu chuẩn tiếng Anh thì quy chế mới nới lỏng hơn bằng việc chấp nhận chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc, bên cạnh việc đánh giá trình độ tiếng Anh một cách khách quan và chuẩn mực hơn thông qua các chứng chỉ IELTS (Anh) hay TOEFL (Mỹ) thể hiện bằng các mức điểm cụ thể.

Việc này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu sinh trong việc hoàn tất chương trình tiến sĩ và nghĩa là Việt Nam có thể sẽ có nhiều tiến sĩ hơn trong thời gian tới, chứ khó có thể nói giúp tăng chất lượng của các tiến sĩ.

Thứ ba, số lượng nghiên cứu mà mỗi giáo sư được phép hướng dẫn tại mỗi thời điểm được tăng thêm 02, tương ứng với phó giáo sư là 1, so với quy chế cũ. Việc nới lỏng này cũng có thể sẽ góp phần tăng nhanh số lượng tiến sĩ được đào tạo.

Rõ ràng 3 vấn đề được nêu ở trên là liên quan trực tiếp đến chất lượng của đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên theo phân tích ở trên, việc nới lỏng như trên trước mắt là sẽ góp phần tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo, còn về chất lượng thì khó có thể tăng lên so với quy chế mới.

Nên chăng Bộ giáo dục và đào tạo có thể tăng cường quyền tự chủ hơn nữa cho các đại học trong việc đào tạo tiến sĩ. Có thể có xem quy chế trên là quy định mức tối thiểu và cho phép các đại học được phép xây dựng chuẩn riêng trong việc đào tạo tiến sĩ của đại học mình và không mâu thuẫn với quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo vừa ban hành.

 Ngoài ra, Bộ giáo dục và đạo tạo cân nhắc thêm việc đào tạo tiến sĩ ứng dụng (đặc biệt là đối với một số lĩnh vực đặc thù), không nhất thiết phải có các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong luận án tiến sĩ, mà luận án tiến sĩ có thể chỉ là các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn.

Khoa học là không biên giới

Ngoài ra, có những quan điểm khá thú vị và cũng có phần bất ngờ về việc nới lỏng của quy chế mới về đào tạo tiến sĩ rất cần được bàn thêm. Cụ thể: Có ý kiến cho rằng có những lĩnh vực chỉ công bố ở Việt Nam. Thật ra quan điểm như thế này là không đúng tinh thần của nghiên cứu khoa học, bởi lẽ nghiên cứu khoa học là không biên giới.

 Chỉ có việc công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học rộng lớn thì mới nâng được chất lượng. Khi chúng ta sử dụng các sản phẩm công nghệ thì chúng ta hay ưa chuộng những sản phẩm "made in USA, made in Japan, made in Finland" thì cớ gì trong công bố kết quả chỉ trên các diễn đàn khoa học "made in Vietnam". Ngay cả đối với các lĩnh vực nghệ thuật, nhân văn, chúng ta cũng luôn quan tâm hoặc thưởng thức các sản phẩm ngoại đó chứ. Và các tạp chí quốc tế, hội thảo quốc tế luôn chào đón sự khác biệt, nghĩa là các ấn phẩm có chất lượng trên thế giới luôn được chấp nhận, không có sự phân biệt nào về địa lý.

Có ý kiến cho rằng cộng đồng khoa học khó chấp nhận các nghiên cứu mang tính đặc thù của Việt Nam như lịch sử Việt Nam, Triết học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh… Nhận định chủ quan như thế là không đúng với tinh thần khoa học. Hãy thử vào các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín của thế giới mà xem, các học giả trên thế giới công bố rất nhiều kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực thuộc đặc thù của Việt Nam như đã liệt kê ở trên.

Do đó, rất cần các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam cũng công bố về những đặc thù của Việt Nam để có thể quảng bá, thông tin và phản biện thêm với các học giả quốc tế. Đây là cơ hội vừa nâng cao đẳng cấp khoa học và vừa bảo vệ hình ảnh đất nước trước cộng đồng khoa học quốc tế. Ví dụ, khi tìm kiếm thống tin về "sea disputes" (tranh chấp biển, đảo) trong cở sở dữ liệu Web of Science (ISI, Mỹ) thì có ngay 47 công trình công bố về vấn đề này.

Sau khi cố gắng soi hết tác giả của những công trình này thì không tìm thấy công trình nào từ Việt Nam, trong khi đó có rất nhiều học giả từ Trung Quốc. May mắn là tìm được một tác giả với tên Việt Nam "Hiep LH" nhưng rất tiếc vì đây là một học giả người Việt sử dụng địa chỉ cơ quan bên Úc (nghĩa là đang làm việc cho Úc). Việc không có (hoặc có ít) học giả Việt Nam tham gia công bố những kết quả nghiên cứu này trên các tạp chí uy tín của thế giới thì rất có thể cũng là một thiệt thòi cho đất nước trong quá trình đấu tranh cho chủ quyền biển, đảo thân yêu của tổ quốc. Đây nên là câu hỏi cơ bản dành cho các nhà sử học hàng đầu của Việt Nam.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu công bố những kết quả về ô nhiễm, các vấn nạn xã hội, tham nhũng, … trên các tạp chí quốc tế có thể làm xấu hình ảnh Việt Nam. Thật ra, một khi đã công bố một kết quả khoa học trên các tạp chí (dù quốc gia hay quốc tế) thì các học giả trên thế giới đều có thể tiếp cận được.

Hầu hết các tạp chí quốc gia bằng tiếng Việt thì đều có phiên bản điện tử và các nhà khoa học nước ngoài có thể dùng các công cụ dịch để biết nội dung. Hơn nữa, các vấn đề thuộc về khoa học với dữ liệu rõ ràng thì cũng rất cần được công bố và biết đâu các học giả trên thế giới sẽ có những nghiên cứu để tìm ra giải pháp giúp Việt Nam giải quyết được những vấn đề không hay đó. Về khía cạnh khoa học và phát triển thì việc đó rất cần thiết.

Chuẩn càng thấp, mua bán trong công bố khoa học càng dễ, giá rẻ

Có ý kiến cho rằng yêu cầu chuẩn luận án tiến sĩ cao nên dễ dẫn đến việc "mua bán" trong công bố khoa học. Thật vậy, đã gọi là mua bán thì chuẩn nào cũng có thể mua bán cả.

Nguy hiểm hơn nữa, chuấn càng thấp thì có thể việc mua bán càng dễ dàng hơn, giá rẻ hơn nhưng có thể khó phát hiện hơn vì ít bị cộng đồng khoa học quốc tế quan tâm. Ngoài ra, ý kiến này cũng na ná kiểu như: đi xe máy thì dễ gây tai nạn và dễ chết người hơn đi xe đạp nên chúng ta nên bỏ xe máy và chỉ nên đi xe đạp thôi, và hệ quả là cùng nhau lạc hậu.

Về ý kiến cho rằng bộ lọc ISI/Scopus chưa chắc tốt. Ý kiến này đúng. Thật chất thì bộ lọc ISI/Scopus chỉ là bước đầu thôi và trong số các tạp chí ISI/Scopus thì có cả những tạp chí không tốt, tạp chí "ăn thịt",… và do đó hiện nay có đại học ở Việt Nam chỉ công nhận khoảng 50% tốp đầu các tạp chí trong danh mục ISI.

Tuy nhiên, có thể khẳng định là những tạp chí chưa được vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus thì hoặc là các tạp chí mới thành lập (nhưng được xuất bản bởi những tổ chức uy tín) hoặc là các tạp chí mà chuyên gia trong chuyên ngành ít biết đến, và những tạp chí mà giới chuyên gia trong chuyên ngành ít biết đến đó là những tạp chí chưa uy tín.

Ngay từ năm 2003, số lượng tạp chí chưa uy tín đã lên đến hàng triệu (theo Michael Mabe, Serials, 2003), và sau 18 năm qua thì con số này chắc phải tăng lên vài mươi triệu. Như vậy, số lượng tạp chí chưa uy tín là rất lớn, so với số lượng khiêm tốn những tạp chí uy tín trên thế giới.

Về ý kiến cho rằng quy chế đào tạo tiến sĩ mới sẽ làm giảm việc mua bán công trình. Ý kiến này cũng thú vị nhưng thực sự là rất bất ngờ. Theo logic thông thường thì yêu cầu sản phẩm càng dễ thì việc mua bán càng thuận lợi và dễ dàng thực hiện.

Nếu yêu cầu sản phẩm càng cao thì việc mua bán chắc chắn sẽ khó hơn vì giá sẽ cao hơn và cũng dễ bị phát hiện (do phải công khai). Như vậy nói nới lỏng yêu cầu khoa học của luận án tiến sĩ sẽ góp phần làm giảm tệ nạn mua bán trong khoa học thì là vấn đề cần được nghiên cứu một cách cẩn thận hơn.

Trong thực tế, các cơ sở đào tạo phải tăng cường việc quản lý và xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến liêm khiết khoa học, bởi lẽ tiêu cực thì lúc nào cũng có, đặc biệt là việc lạm dụng các chính sách hỗ trợ trong xuất bản khoa học.

Việc vi phạm tính liêm khiết đối với các công bố ISI/Scopus thì nói chung là dễ bị phát hiện hơn công bố trên tạp chí quốc gia của các nước, bởi lẽ các công bố ISI/Scopus thì được soi nhiều hơn bởi cả cộng đồng khoa học chuyên ngành trên thế giới, trong khi đó thì đôi khi những kết quả trên các tạp chí quốc gia của các nước thì ít được nhiều người quan tâm.

TS. Lê Văn Út, Trưởng Nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm