Tranh cãi gay gắt: Muốn có "tiến sĩ thật" phải có công bố quốc tế?
(Dân trí) - Nhiều giáo sư cho rằng, yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật".
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 (gọi tắt là Quy chế 18) mà Bộ GD-ĐT vừa mới ban hành đã gây tranh cãi gay gắt về tiêu chuẩn đầu ra.
Quy định khiến nhiều ý kiến tranh cãi là với Thông tư 08/2017 quy định: Đã công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Đến thông tư Thông tư 18/2021 "hạ chuẩn" hơn là: NCS là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành; và/hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên. Các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên (vì phải là tác giả chính, nên không cần chia điểm cho các đồng tác giả).
Quy chế này của Bộ GD-ĐT áp dụng chung cho cả nước (242 CS GDĐH, 40 Viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ) và áp dụng chung cho các ngành đào tạo. Các cơ sở đào tạo quy định cụ thể và lựa chọn phù hợp với ngành, với nguồn lực để quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo yêu cầu NCS phải là tác giả chính của các bài tạp chí/bài hội nghị quốc tế (thuộc chỉ mục WoS/Scopus) và/hoặc các bài báo trong nước (có sự đánh giá của Hội đồng Giáo sư nhà nước).
GS.TSKH Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học: Công bố quốc tế là điều kiện đánh giá khách quan nhất
Theo quan niệm của thế giới, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất đòi hỏi người có học vị tiến sĩ phải có những kết quả nghiên cứu mới được trình bày trong luận án. Họ sẽ là lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển như Việt Nam, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ vì công bố quốc tế chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của nước đó chưa cao, chưa tự đánh giá được chất lượng nghiên cứu.
Vì vậy các nước đang phát triển thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng.
Trên thế giới có hai danh mục ISI và Scopus lựa chọn các tạp chí khoa học theo chất lượng của các công bố. Do tiêu chuẩn xét chọn cao nên đăng bài ISI khó hơn đăng bài Scopus rất nhiều. Hội đồng giáo sư nhà nước cũng dùng hai danh mục này để xét chọn chức danh. Ví dụ như phó giáo sư hay giáo sư cần có ít nhất 3 hay 5 bài báo trong 2 danh mục này. Quỹ khoa học quốc gia Nafosted cũng quy định các đề tài nghiên cứu phải công bố ít nhất 2 bài ISI trong vòng 2 năm.
Quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài.
So với tiêu chuẩn chức danh thì quy định này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên nó vẫn còn kém các nước Đông Nam Á. Ví dụ như ĐH Malaya (Malaysia) yêu cầu luận án các ngành khoa học tự nhiên phải có 2 bài ISI, các ngành khoa học xã hội có 1 bài ISI hay ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) yêu cầu luận án phải có 1 bài ISI.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới hủy bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế cũ. Thậm chí, luận án chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước loại trung bình là được bảo vệ. Phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường đại học, quy trình duyệt bài dễ dãi, thậm chí còn tùy tiện.
Tôi đã từng thấy có tác giả có đến 5 bài đăng trong cùng một số báo. Chả có mấy người đọc các tạp chí loại này. Qua đó có thể thấy chất lượng các tạp chí này thấp như thế nào. Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng tác động vào quá trình xét duyệt đăng bài, tạo kẽ hở cho việc ra đời các "tiến sĩ rởm".
Đáng nhẽ ra, Bộ GD-ĐT cần nâng tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ lên để có thể đuổi kịp trình độ đào tạo tiến sĩ của Thái Lan thì họ lại hạ thấp tiêu chuẩn cho phép chỉ cần công bố trong các tạp chí trong nước loại làng nhàng.
Điều này rất nguy hiểm vì các tiến sĩ là lực lượng giảng dạy chủ chốt trong các đại học. Với quy chế mới có thể khẳng định giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á.
Trước 2017, chúng ta đã từng xôn xao về các lò tiến sĩ rởm, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Quy chế cũ đã giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh khó lòng "chạy" được. Vậy thì tại sao Bộ GDĐT lại thay thế Quy chế cũ bằng một quy chế không khác gì thời kỳ nhiều tiêu cực trước 2017?
Quy chế cũ không phải là không có những khiếm khuyết: Một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khó đào tạo tiến sĩ vì khó có công bố quốc tế. Không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì có nhiều tạp chí không đảm bảo chất lượng mà nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để mua bài.
Bộ GDĐT vẫn nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong Khoa học Xã hội, nhưng có thể ở mức thấp hơn. Đối với một số ngành chưa thể có công bố quốc tế thì Bộ GDĐT có thể chấp nhận luận án không có công bố quốc tế.
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật". Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... không thể ngăn cản được việc cho ra lò các "tiến sĩ rởm".
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Đại học Quốc gia Hà Nội: Không có công bố quốc tế, các trường đại học sẽ không có nội hàm để tham gia xếp hạng đại học
Quy chế mới có nhiều điểm tiến bộ, quy định chi tiết hơn một số điểm so với Quy chế cũ 2017, tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất là chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ, tính hội nhập quốc tế lại thấp hơn, thụt lùi so với Quy chế 2017.
Thứ nhất, quy chế mới bỏ hoàn toàn yêu cầu yêu cầu về công bố quốc tế với nghiên cứu sinh, cũng như thầy hướng dẫn và thành viên hội đồng. Chuẩn đầu ra của Quy chế cũ 2017 cũng chưa phải là cao so với khu vực, chỉ yêu cầu phải có tối thiểu 1 bài trên tạp chí ISI, hoặc 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện (chưa yêu cầu phải ISI/Scopus), hoặc 2 bài đăng Kỷ yếu hội thảo quốc tế, viết bằng tiếng nước ngoài có phản biện.
Thứ hai, yêu cầu về ngoại ngữ, theo quyết định khung trình độ quốc gia do Thủ tướng ban hành, Tiến sĩ phải có trình ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 (B2), Quy chế mới quy định điểm TOEFL iBT 46 điểm là quá thấp (B2 phải tối thiểu 72 điểm). Quy chế 2017 cũng yêu cầu nếu nghiên cứu sinh có ngoại ngữ khác đã đạt chuẩn B2, thì vẫn phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, Quy chế này bỏ hẳn đi.
Như vậy, Quy chế mới ban hành có một số điểm bổ sung chi tiết hơn, nhưng rất tiếc, những điểm tiên quyết về chuẩn chất lượng và ngoại ngữ như Quy chế 2017 đã bị hạ thấp.
Nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp như thế, sau 5 hay 10 năm tới, khi lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng phó giáo sư, giáo sư của chúng ta sẽ như thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của Việt Nam.
Quy chế 2017 đang thực hiện, chưa hết một khóa đào tạo, cũng chưa có tổng kết đánh giá.
Ngày nay, công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín vẫn là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực và trình độ nghiên cứu của nhà khoa học. Không có công bố quốc tế, các trường đại học sẽ không có nội hàm để tham gia xếp hạng đại học và hội nhập. Mà thực tiễn trên thế giới cho thấy nghiên cứu sinh chính là lực lượng quan trọng thực hiện các ý tưởng của các giáo sư hướng dẫn và qua đó thúc đẩy công bố quốc tế của các trường.
Vì vậy, yêu cầu ngoài công bố trên các tạp chí trong nước, nghiên cứu sinh, GS, PGS nhất định phải có công bố quốc tế. Công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/scopus có uy tín vừa xem như một điều kiện cần, một công cụ quan trọng đánh giá khách quan chất lượng luận án tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ, còn có ý nghĩa góp phần quan trọng thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của khoa học và giáo dục đào tạo của Việt Nam.
Thiết nghĩ, Bộ giáo dục đào tạo nên cân nhắc và tiếp thu ý kiến, sửa đổi Quy chế vừa ban hành cho phù hợp hơn. Quy chế mới nếu không cao hơn, thì cũng nên chí ít giữ nguyên chuẩn đầu ra về chất lượng, có điều chỉnh những khiếm khuyết cho hoàn thiện hơn.
Nếu bỏ đi chính sách yêu cầu về công bố quốc tế, hạ chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh trong toàn ngành là chúng ta đang đi thụt lùi và ngành Giáo dục khó có thể thực hiện được Nghị quyết của Đảng theo hướng thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam tiên tiến, hiện đại, hội nhập trong thời gian tới.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hà Nội: Tiếng Anh trình độ tiến sĩ cao hơn năm 2017
Tôi nhận thấy yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu vào ở Quy chế 18 là phù hợp cho Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Quy định ở Quy chế 18 nhất quán về trình độ ngoại ngữ với yêu cầu đầu vào ở Quy định về chuẩn chương trình đào tạo (Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT).
Chuẩn chương trình đào tạo yêu cầu đầu vào trình độ tiến sĩ là có trình độ ngoại ngữ bậc 4/6 theo Khung NNNN 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương với trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ). Đồng thời, chi tiết hóa để thuận lợi cho các cơ sở GDĐH tổ chức thực hiện tuyển sinh.
Về chứng chỉ tiếng Anh, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2017 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT yêu cầu ngoại ngữ đầu vào là: chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh IELTS 5,0-6,5 và TOEFL iBT từ 45-93.
Tại Quy chế 18 quy định IELTS từ 5,5 trở lên; TOEFL iBT từ 46 trở lên; Bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do các đơn vị được tổ chức thi; Cambridge Assessment English B2, và First/B2 Business Vantage/Linguaskill: từ 160 trở lên.
Quy chế 08 năm 2017 | Quy chế 18 năm 2021 |
IELTS 5.0-6.5 | IELTS 5.5 trở lên |
TOEFL iBT 45-93 | TOEFL iBT 46 trở lên |
Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do các đơn vị được phép tổ chức thi | |
Cambridge Assessment English: B2 |
Bảng so sánh chứng chỉ tiếng Anh yêu cầu đầu vào của 2 quy chế.
Theo Website chính thức của Tổ chức Khảo thí tiếng Anh Cambridge (Cambridge Assessment English), trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) tương đương với mức điểm Cambridge từ 160 đến 180 điểm; và mức điểm IELTS 5.5-6.5.
Quy chế 18 đã sử dụng cận dưới của mức điểm là IELTS 5.5. Điều này cũng phù hợp với tiêu chuẩn chung cho cả nước, còn các cơ sở đào tạo và các ngành đào tạo như ngành ngôn ngữ có thể yêu cầu trình độ cao hơn như IELTS 6.0 hoặc 6.5.
Tôi đã kiểm tra tại Website của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (Educational Testing Service - ETS), so sánh thang điểm IELTS và TOEFL iBT cho thấy: 5.5 IELTS tương đương với 46-59 điểm TOEFL iBT.
Việc lực chọn cận dưới mức điểm 46 TOEFL iBT vẫn bảo đảm tương đương IELTS 5.5 và có cao hơn mức điểm 45 ở Quy chế 08 năm 2017.
Mặc dù một bảng so sánh khác gợi ý trình độ B2 của CEFR tương đương với 72 điểm của TOEFL iBT, so sánh này dựa vào trình độ tiếng Anh của các nước nói tiếng Anh là Vương quốc Anh, Australia, Canada và Hoa Kỳ (Papageorgiou và cộng sự). Việc đòi hỏi ứng viên của Việt Nam đạt được mức điểm tối thiểu 72 theo thang điểm TOEFL iBT là chưa thực tế.
Ngoài ra, Quy chế 18 yêu cầu ứng viên phải đạt cấp độ 4/6 cũng tương đương với trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 1 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo tôi, chọn mức điểm như vậy là phù hợp. Đây là điều kiện tối thiểu và các trường có thể phát huy quyền tự chủ của mình, yêu cầu cao hơn mức yêu cầu tối thiểu của Bộ GD&ĐT. Theo tôi được biết, việc yêu cầu ngoại ngữ đầu vào đã gây nhiều khó khăn cho ứng viên dự tuyển kể từ khi Quy chế 08 năm 2017 có hiệu lực thi hành.
Bảng so sánh chứng chỉ IELTS và TOEFL iBT tại Website của ETS
Vì vậy, tôi thấy quy định thang điểm IELTS, TOEFL tại Quy chế 18 này bảo đảm yêu cầu đầu vào với quy định về chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GDĐT ban hành và có cao hơn một chút so với Quy chế 08 ban hành năm 2017.
GS.TS Lê Anh Vinh, phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Nên có tiến sĩ thực hành
Quy định tiêu chuẩn cứng chung cho tất cả các ngành và lĩnh vực kiểu gì cũng dẫn đến bất cập. Tuy nhiên, nếu như không ra quy định cho từng ngành, từng lĩnh vực thì chỉ nên đưa ra mức tối thiểu và khả thi cho tất cả. Các cơ sở đào tạo, có thể đưa ra những quy định cao hơn đối với từng ngành cụ thể. Do đó, dưới góc độ là một văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi áp dụng rộng, một số điều chỉnh của Thông tư 18 theo tôi là hợp lý.
Nhu cầu học tiến sĩ hiện nay rất đa dạng. Không phải ai muốn học Tiến sĩ cũng muốn trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy ở bậc Đại học (mọi người hay chỉ trích việc này nhưng đây là thực tế không phải chỉ riêng ở Việt Nam, các nước khác cũng vậy). Ở nhiều nước, giải pháp là mở các chương trình Tiến sĩ thực hành. Tiến sĩ thực hành cũng có những yêu cầu về luận án và về bằng cấp thì tương đương Tiến sĩ định hướng nghiên cứu như cách hiểu của chúng ta hiện nay, nhưng sẽ không được giảng dạy sau đại học hay trở thành PGS/GS.
Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục ở Mỹ, những người muốn học trình độ tiến sĩ nhưng không theo con đường học thuật sẽ theo học Doctor of Education, thay vì PhD. Tôi nghĩ một cách chủ quan, nếu được chọn, nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo ở trường phổ thông sẽ chọn làm Doctor of Education (Tiến sĩ thực hành). Đây chính là Học thật - Học cái thực chất.
Tôi đồng ý là nghiên cứu khoa học không chỉ để ra bài báo quốc tế mà cao nhất là có những đóng góp cho xã hội, đặc biệt là đối với Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tuy nhiên, nếu theo con đường học thuật thì rõ ràng học tiến sĩ mới chỉ là giai đoạn học làm nghiên cứu. Công bố quốc tế hay trong nước thực chất chỉ để giúp nghiên cứu sinh có cơ hội để học cách làm việc chuẩn chỉnh, bài bản.
Do đó, nếu là các chương trình Tiến sĩ nặng về nghiên cứu để đào tạo ra những người đi theo con đường học thuật thì nên áp tiêu chuẩn cao với lộ trình cụ thể.
Với ngành Toán thì có chuẩn riêng, nghiên cứu sinh mặc định phải có bài quốc tế. Với lĩnh vực giáo dục thì giải pháp khả thi nhất là nên có hệ Tiến sĩ Thực hành.
Nhật Hồng (ghi)
Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!