GS Nguyễn Minh Thuyết: Sẽ điều chỉnh những gì chưa phù hợp SGK tiếng Việt 1

Mỹ Hà

(Dân trí) - “Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế về SGK tiếng Việt 1 để điều chỉnh những gì chưa phù hợp”.

Trước việc SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều bị chê suồng sã phương ngữ, một số bài học chưa có tính giáo dục cao, GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên cuốn sách, lên tiếng giải thích và cho biết sẽ điều chỉnh những gì chưa phù hợp.

"Chúng tôi không làm ẩu"

Bộ SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều vừa đưa vào giảng dạy được hơn một tháng nhưng có nhiều ý kiến tranh cãi.

Cụ thể một số độc giả cho rằng, thay vì dùng từ phổ thông chuẩn, nhóm biên soạn sử dụng ngôn ngữ địa phương.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 11/10, GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều cho biết, sở dĩ sách dùng một số từ có thể ít thông dụng do thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc nên phải dùng một số từ như vậy.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Sẽ điều chỉnh những gì chưa phù hợp SGK tiếng Việt 1 - 1

GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK tiếng Việt 1. 

Chẳng hạn tác giả sử dụng từ “nhá” – nhá cỏ, nhá dưa chứ không sử dụng từ “nhai” trong bài tập đọc “Thỏ thua rùa”. GS Thuyết lý giải, đến thời điểm có bài tập đọc này, học sinh chưa học đến vần “ai”, nên tác giả sách sử dụng từ “nhá”.

Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà là từ phổ thông, có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê.

“Tương tự với những thắc mắc về việc sao không sử dụng từ “hiên” mà lại là từ “hè”… Hè hay hiên, đều là từ phổ thông, đều có mặt trong Từ điển Hoàng Phê.

Hoặc ở những bài đầu, ý nghĩa phủ định được thể hiện bằng từ “chả” thay cho các từ “không” hoặc “chẳng” vì đến giai đoạn này, học sinh chưa được học các vần “ông”, “ăng” – ông Thuyết lý giải.

Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp".

(GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK tiếng Việt 1). 

Trong sách cũng có một số từ địa phương như “ba, má”. GS Nguyễn Minh Thuyết lý giải, sách dạy cho học sinh cả nước nên tác giả xây dựng 2 tuyến nhân vật: Học sinh sống ở các tỉnh phía Bắc thì gọi bố gọi mẹ, học sinh sống ở các tỉnh phía Nam thì gọi ba gọi má.

Giải thích về từ “thở hí hóp” được đưa vào sử dụng trong SGK mà nhiều người phản ánh rằng khó hiểu, GS Thuyết cho hay, từ này từng có trong thơ Trần Đăng Khoa từ lúc nhà thơ còn là một nhi đồng. Nguyên văn câu thơ: “Thóc mặc áo vàng óng. Thở hí hóp trên sân”.

Sửa chi tiết cốt truyện để đảm bảo tính giáo dục cao hơn

Về một số câu chuyện gây tranh cãi và cho rằng thiếu tính giáo dục như bài tập đọc “Hai con ngựa”, Bài tập đọc "Ve và gà"…, GS Thuyết chia sẻ, hầu hết các câu chuyện dựa vào, phỏng theo đều của các tác gia lớn như Lev Tolstoy, La Fontaine…

Không có bài học nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như nên hiểu hay cố tình hiểu theo cách khác.

Chẳng hạn ở bài “Hai con ngựa”, bài học đưa ra là: xui người khác làm bậy thì sẽ chịu hậu quả.

Để bảo đảm bài đọc có tính giáo dục cao, phù hợp với học sinh mới vào lớp 1, các tác giả còn phải chỉnh sửa một số chi tiết trong truyện.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Sẽ điều chỉnh những gì chưa phù hợp SGK tiếng Việt 1 - 2

Độc giả cho rằng, một số bài học trong SGK tiếng Việt 1 chưa có tính giáo dục cao. 

Cụ thể, trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại.

“Vì không thể khuyên trẻ em như nguyên tác câu chuyện nên ở đây có hai chi tiết chúng tôi phải sửa.

Thứ nhất, để ngựa tía khuyên ngựa ô trốn đi. Thứ hai, không đề cập đến giới tính (nói ngựa đực chăm và ngựa cái lười) vì dễ gây phản ứng và cũng vì đến bài này học sinh chưa học các vần "ưc", "ai".

Tương tự, bài tập đọc "Ve và gà" cũng được phỏng theo truyện "Ve và kiến" của La Fontaine, nhà văn Pháp.

Truyện dài nên cũng phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, dạy liền nhau. Tác giả SGK phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì đến lúc này học sinh chưa học vần ''iên", nhưng cốt truyện cơ bản giữ nguyên.

Tác giả sách giáo khoa chỉ sửa chi tiết cuối truyện để bảo đảm tính giáo dục cao hơn: Gà cho ve thức ăn và bảo: “Ve chăm múa và chăm làm nữa thì chả lo gì”.

Đối với những câu chuyện dài, tác giả sách phải cắt làm 2 phần, đặt liền nhau.

Tuy nhiên, những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách của chúng tôi cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2 để người đọc tin vào những lời mà họ nói” – ông Thuyết cho hay.

Hay bài đọc Cua, cò và đàn cá bị cho là dạy học sinh khôn lỏi. Đây là bài đọc theo truyện dân gian Việt Nam. Mà truyện dân gian vốn dĩ sâu sắc lắm, khai thác như thế nào là do tâm địa mỗi người.

Có người cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng ý nghĩa của câu chuỵện dân gian này rất đơn giản: Nó dạy người ta cảnh giác, chớ vội tin lời kẻ xấu. Bố mẹ nào cũng thường dặn trẻ con điều này” – ông Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Sẽ điều chỉnh những gì chưa phù hợp SGK tiếng Việt 1 - 3

Câu chuyện Ve và Gà được chỉnh sửa khi đưa vào SGK tiếng Việt 1.

Sẽ lắng nghe và điều chỉnh

Về ý kiến tại sao SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều thiếu vắng các bài đọc là ca dao, tục ngữ Việt Nam, GS Thuyết cho hay, sách của mình có khoảng 100 văn bản của các tác giả Việt Nam.

Các văn bản này gồm đồng dao, câu đố, truyện dân gian VIệt Nam và sáng tác của các tác giả có tên tuổi như Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Quang Huy, Phong Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai,…

Sở dĩ sách không dạy ca dao tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca dao, tục ngữ. Do vậy, chúng tôi sẽ dạy ca dao tục ngữ ở lớp khác, khi học sinh có nhận thức phù hợp hơn.”, GS Thuyết khẳng định.

Trả lời câu hỏi trước những phản ứng của dư luận, liệu nhóm tác giả SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều có tiếp thu, chỉnh sửa hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Không riêng gì SGK, kể cả chương trình trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa phù hợp vẫn phải điều chỉnh.

Việc điều chỉnh sản phẩm sau một thời gian sử dụng là bình thường. Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp.

Tuy nhiên, tôi mong dư luận bình tâm, để không gây áp lực cho các thầy cô đang hào hứng bước vào năm học mới”.