Đề xuất bỏ "phao cứu sinh" trong xét tốt nghiệp THPT

Mỹ Hà

(Dân trí) - Lo ngại hồ sơ học bạ được "làm đẹp" có thể khiến việc đánh giá năng lực học sinh bị "méo mó", một số chuyên gia giáo dục tiếp tục đề xuất bỏ "phao cứu sinh" khi xét tốt nghiệp THPT.

Lo ngại học bạ được "làm đẹp"

Từ năm 2020, Bộ GD-ĐT quy định các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh. Các chuyên gia cho rằng, 30% điểm học bạ trên đây được coi là "phao cứu sinh".

Tuy nhiên, với kết quả đối sánh giữa học bạ và điểm thi mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, một số môn có điểm học bạ cao hơn rất nhiều điểm thi khiến một số chuyên gia cho rằng, nên chăng cần bỏ "phao cứu sinh" là điểm học bạ khi xét tốt nghiệp THPT.

Từ năm 2020, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ĐH FPT cũng đã đề xuất bỏ "phao cứu sinh".

Năm nay, chuyên gia này vẫn giữ nguyên quan điểm đó, dựa trên một số nghiên cứu của ông và nhóm cộng sự. 

Đề xuất bỏ phao cứu sinh trong xét tốt nghiệp THPT - 1

Một số chuyên gia đề xuất bỏ "phao cứu sinh" trong xét tuyển tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, theo kết quả phân tích số liệu của TS Lê Trường Tùng và nhóm cộng sự qua dữ liệu điểm thi, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước là 88,51%. Ông đánh giá, con số này phù hợp và có thể chấp nhận được.

Vì thế, chuyên gia này đề xuất, năm học kế tiếp, chỉ nên dùng điểm học bạ làm kết quả đối sánh chứ không áp dụng trong xét tốt nghiệp THPT, nếu không sẽ làm "méo mó" việc đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh.

Ông Q.B, thành viên Hội đồng cố vấn của một trường THPT "hot" ở Hà Nội cho rằng, học bạ là kết quả đánh giá trong suốt thời gian học tập, qua các bài kiểm tra, với cấu trúc đề thấp hơn đề thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, kết quả học bạ cao hơn là điều dễ hiểu.

Điều đáng lo ngại, các điểm kiểm tra thường xuyên chắc chắn sẽ không chặt chẽ như kỳ thi tốt nghiệp nên đương nhiên sẽ có nhiều điểm cao.

Thứ hai, đối với một số em có điểm thấp, sẽ có tình trạng giáo viên "thương" học sinh nên nâng đỡ cho.

Thứ 3, vì bệnh thành tích, chắc chắn đâu đó vẫn có trường hợp nâng điểm để hồ sơ học bạ "đẹp", có lợi khi xét tuyển.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, một trong 7 thành viên tham gia Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đồng tình với đề xuất nên bỏ điểm học bạ khi xét tốt nghiệp THPT, hay nói cách khác bỏ "phao cứu sinh".

Theo cô giáo này, nhiều chuyên gia đã từng đề xuất bỏ điểm học bạ khi xét tốt nghiệp THPT, một phần do lo ngại "làm đẹp" học bạ và quan trọng là áp lực cho giáo viên và nhà trường phổ thông khi các trường ĐH dựa vào học bạ để xét tuyển.

Đề xuất bỏ phao cứu sinh trong xét tốt nghiệp THPT - 2

Tình trạng dựa vào 30% điểm học bạ khi xét tuyển tốt nghiệp như hiện nay, sẽ khó cho các trường và mất công bằng với các em học thật. 

Mất công bằng với những em "học thật"

Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, mặc dù trường mình thuộc top các trường có điểm đầu vào cấp 3 khá cao ở Hà Nội thế nhưng nhà trường không thể "làm đẹp" hồ sơ cho các con bằng cách nọ, cách kia.

"Nhiều khi phụ huynh kêu, tại sao điểm đầu vào cao, tại sao điểm học bạ của con thấp, thấp hơn cả trường ngoài công lập khiến chúng tôi rất áp lực. Nếu không "nới lỏng" cho học sinh thì thiệt cho các em, nhất là những học sinh muốn xét tuyển kết hợp giữa học bạ và chứng chỉ để vào ĐH.

Do đó, nếu vẫn còn tình trạng dựa vào 30% điểm học bạ khi xét tốt nghiệp như hiện nay, sẽ khó cho các trường và mất công bằng với các em học thật", cô Nhiếp nói.

Cũng theo cô Nhiếp, cần có áp lực thi cử thì học sinh mới cố gắng học, không có tâm lý trông chờ "phao cứu sinh".

Học sinh cần nếm trải qua các áp lực, sau những lúc khó khăn như thế, các em hình thành các kĩ năng lúc ấy mới biết trân quý.

Về ý kiến cho rằng, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như hiện nay, nên chăng cần giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương còn tuyển sinh ĐH giao cho các trường ĐH,CĐ tự chủ? Thầy Q.B đồng tình với cách làm này, đồng thời Bộ GD-ĐT hoặc cơ quan kiểm định độc lập sẽ giám sát.

Còn theo cô Nhiếp, việc giao cho địa phương sẽ rất dễ xảy ra tình trạng "xô đổ" tỷ lệ tốt nghiệp, lo các địa phương chấm lỏng, chấm chặt nên thiếu công bằng.

Tốt nhất vẫn tổ chức kỳ thi như hiện nay, dưới sự giám sát và đề thi của Bộ GD-ĐT. Chỉ có điều, nên bỏ điểm học bạ khi xét tốt nghiệp THPT.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Phan Trường Tùng cũng khẳng định, vẫn cần thiết tổ chức kỳ thi như hiện nay. Tuy nhiên, cần điều chỉnh theo hướng không áp dụng 30% điểm của học bạ khi xét tốt nghiệp THPT.