(Dân trí) - Năm học 2020 - 2021 vừa khép lại, đánh dấu năm thứ 2, ngành giáo dục gồng mình "chung sống" với "bão" Covid-19. Cũng chính từ dịch đã xuất hiện những điều "chưa từng thấy" của ngành giáo dục.
Do đã có thời gian "sống chung" với Covid-19 trong năm học trước, nên hình thức trực tuyến đã không còn xa lạ với các thầy trò trên cả nước.
Sáng 5/9/2020, học sinh Đà Nẵng tham dự lễ khai giảng trực tuyến. Trường Tiểu học Phù Đổng (TP Đà Nẵng) đăng trên cổng thông tin của trường những hình ảnh chào mừng năm học mới.
Tại Hà Nội, lễ khai giảng cũng được tổ chức ngắn gọn. Một số ít học sinh đeo khẩu trang, dự khai giảng ở sân trường, các học sinh còn lại đồng phục ngay ngắn, xem livestream, thực hiện nghi lễ trong lớp học.
Học kì 1 của thầy trò trên cả nước diễn ra bình thường. Vừa bước sang học kì 2, dịch Covid-19 một lần nữa bùng phát với biến thể nCoV mới tại Anh, Hải Dương và Quảng Ninh ghi nhận gần 100 ca bệnh.
Dịch lan ra rộng khiến học sinh của 36 tỉnh, thành phải nghỉ Tết sớm. Giáo viên, học sinh, phụ huynh lại sẵn sàng tâm thế dạy và học trong đợt dịch mới.
Vợ chồng chị Lê Thị Thu Lan (Long Biên, Hà Nội) sắm cho con trai chiếc laptop mới, chuyển phòng học đến nơi có sóng wifi mạnh, chuẩn bị sẵn sàng để con học online lâu dài.
"Đầu năm 2020, mình làm tạm thời, có gì dùng đó. Nhưng năm nay phải chuẩn bị bài bản hơn để con tiếp thu bài học tốt nhất.
Dịch bệnh còn kéo dài, tôi nghĩ việc học online sẽ trở thành bình thường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào", chị Lan chia sẻ.
Những nơi khó khăn như Trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội), nhà trường đến tận nhà để hướng dẫn học sinh học online, thầy cô cho học sinh mượn điện thoại để học.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết: "Hiện nay, việc học trực tuyến đã dần đi vào nền nếp. Nếu đợt học trực tuyến năm trước, chỉ có 70% học sinh lớp 1 tham gia học trực tuyến thì năm nay đã đạt gần 100%".
Việc thi học kỳ online lần đầu được một số tỉnh, thành triển khai, khi dịch bùng phát trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Các trường kiểm tra trên phần mềm như Google Forms, Quizizz, vnEdu LMS, Microsoft Teams... Thầy cô ra đề trắc nghiệm kết hợp tự luận hoặc tự luận tùy môn học.
Tại Hà Nội, từ ngày 10/5, học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ làm bài kiểm tra học kỳ 2 trên Microsoft Teams. Trong suốt thời gian làm bài, học sinh mặc áo đồng phục trường, bật video và tắt audio.
Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) bố trí 100% cán bộ, giáo viên tham gia coi thi trực tuyến. Giám thị coi thi kiểm tra 2 người/ phòng, sử dụng Zoom, bật camera và mic suốt quá trình coi.
Cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng nhà trường đánh giá "đây là kì kiểm tra thử thách lòng trung thực".
___
Trong năm học này, lễ bế giảng của học sinh nhiều tỉnh, thành cũng không có văn nghệ sôi động, không chụp ảnh lưu niệm. Tất cả đều qua màn hình máy tính.
Lễ bế giảng online của thầy trò trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc) thu hút tới 25.000 người theo dõi qua livestream, số người xem gấp 20 lần số học sinh nhà trường.
Ở Trường Tiểu học Lê Lai (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), phụ huynh được hẹn giờ đến trường để nhận bằng khen, phần thưởng cuối năm học mang về nhà cho con em.
Có lớp, cô giáo chủ nhiệm đặt sẵn quà, giấy khen, bảng thành tích học tập trên chiếc bàn ở ngay cửa lớp. Phụ huynh lặng lẽ đến nhận giúp các con.
Trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) có 1 học sinh mắc Covid-19. Từ đêm 30/1, trường này trở thành nơi cách ly tập trung cho 57 học sinh, 11 giáo viên của trường và 47 phụ huynh theo trông con. Họ phải đón Tết Tân Sửu ngay tại đây, trong hồi hộp, lo lắng.
Đến đợt dịch bùng phát mạnh mẽ tại Bắc Ninh và Bắc Giang vào cuối năm học. 2 tỉnh này đã cách ly gần 70.000 học sinh, giáo viên (tính đến ngày 17/5).
Nhiều khu cách ly tập trung bị quá tải, các trường học đã được tận dụng để cách ly tập trung.
Huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có 306 công dân thực hiện cách ly tại 17 Trường mầm non trên địa bàn huyện.
Tại Hà Tĩnh, UBND thành phố Hà Tĩnh đã lựa chọn 2 khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Thạch Hưng và Trường Mầm non xã Thạch Bình.
Trường THCS Võng Xuyên B (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) trở thành khu cách ly tập trung với 150 giường bệnh.
Sinh viên nhiều trường đại học cũng phải rời ký túc xá, nhường chỗ cho người cách ly.
Tại khu cách ly Trường mầm non Dư Xá, em Nguyễn Thị Phương Thảo (học sinh trường THPT Thuận Thành số 1, Bắc Ninh) là F1, vừa phải thực hiện cách ly tập trung vừa ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra.
Phương Thảo đặt điện thoại dựa vào thành giường, kê sách vở lên gối thay cho bàn học để học trực tuyến. Tranh thủ thời gian rảnh trong khu cách ly, Thảo tự tìm xem các video giảng bài của các thầy cô trên mạng. Thảo cho rằng, trong điều kiện này, tự học là cách tốt nhất.
Trước "bão" Covid-19, hàng trăm nghìn sinh viên, giảng viên trường Y cũng đã không ngại chi viện tuyến đầu chống dịch.
Khi nhận được thông báo số lượng các học viên chi viện tỉnh Bắc Giang chống dịch, bạn Nguyễn Minh Anh (lớp DH50A, Hệ 4, Học viện Quân y) xung phong đi trước dù chưa hoàn toàn bình phục sau khi tháo bột khớp cổ chân.
Tập huấn lại công tác phòng dịch xong, Minh Anh chỉ kịp chuẩn bị đồ dã chiến, mấy bộ quần áo, chăn màn.
"Trong lòng em lúc đó chỉ còn mỗi suy nghĩ là nhân dân nuôi mình bao năm rồi giờ cũng có cơ hội cống hiến. Khi chốt danh sách đi đợt đầu có tên em thì em vui lắm, và em không bận tâm đến cái chân đau nữa", Minh Anh hào hứng.
Đang miệt mài ôn thi cuối học kỳ tại phòng, bạn Nguyễn Minh Tuấn (học viên năm thứ 5, Bí thư Chi đoàn lớp DH50A, Hệ 4, Học viện Quân y) nhận được thông báo đi chi viện tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19. Bắc Giang cũng là quê ngoại của Tuấn.
Nam sinh gấp sách, gác lại việc ôn thi, lập tức tham gia tập huấn lại công tác lấy mẫu, khử khuẩn, chuẩn bị quân tư trang. Tuấn không quên gọi điện về nhà để thông báo với bố mẹ.
"Em cảm thấy hào hứng khi được thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà quân đội và nhân dân giao phó. Cũng như làm tròn trách nhiệm của một người bộ đội, một người con với quê hương.
Đồng thời em cũng khá hồi hộp vì đây là nhiệm vụ cấp bách, xen lẫn nhiều nguy cơ rủi ro. Lần đầu em thực tế chống dịch như những gì đã được tập huấn", Tuấn cho biết.
Nam sinh tự tin vào tâm dịch. Công tác phòng dịch đã được tập huấn rất kĩ, cùng kiến thức về truyền nhiễm đã được trang bị trong quá trình học và thực tập. Tuấn chỉ lo lắng về kinh nghiệm thực tế còn ít.
Chưa bao giờ số giáo viên, học sinh phải cách ly tập trung vì dịch bệnh nhiều như trong năm học vừa qua.
Trong hơn 50.000 giáo viên, học sinh bị cách ly, có 511 học sinh, giáo viên là F1 phải cách ly tập trung, hơn 10.000 học sinh, giáo viên là F2 và hơn 38.000 học sinh, giáo viên là F3 cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ngày 10/5, theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh Bắc Ninh có 14 học sinh, giáo viên mắc Covid-19. Các trường hợp này đều liên quan đến ổ dịch tại huyện Thuận Thành.
Chiều 5/5, ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng GD-ĐT TP Pleiku (Gia Lai) cho biết, lực lượng y tế đã tiến hành phun khử khuẩn Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Pleiku), đồng thời hơn 1.000 học sinh, giáo viên của trường phải tự cách ly tại nhà để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Hơn 1.730 học sinh và 100 cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi phải nghỉ học, cách ly tại nhà vì bệnh nhân Covid-19 từng đến đón con.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thầy trò cả nước kết thúc năm học trong vội vã.
Ngày 3/5, học sinh Hà Nam, Vĩnh Phúc dừng đến trường. Những ngày sau, thêm Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên và một số nơi cũng cho học sinh "dừng đến trường nhưng không dừng học".
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học.
Chạy dịch Covid-19, học sinh các tỉnh, thành gấp rút thi học kỳ sớm, dồn mấy môn thi trong một ngày, thi cả vào thứ 7, chủ nhật.
Chiều tối ngày 5/5, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Sở GD&ĐT TP HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh kế hoạch và kết thúc kiểm tra học kỳ 2 trực tiếp tại trường trước ngày 9/5/2021.
Ngay trong đêm, hàng loạt trường điều chỉnh lịch thi, thông báo đến học sinh, phụ huynh.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM) học sinh các khối 6,7, 8 thi dồn từ ngày 6/5 đến ngày 8/5.
Một phụ huynh ở quận 7, TP HCM có con học lớp 3 tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học cho biết, tối 5/5, chị nhận được thông báo các con sẽ kiểm tra kết thúc năm học ngay vào sáng 6/5, thi dồn dập 3 môn trong một ngày.
Riêng Hà Nội, học sinh nghỉ hè sớm nửa tháng (từ 15/5). Những trường chưa kiểm tra và tổng kết học kỳ 2 được yêu cầu thực hiện trong thời gian nghỉ hè, khi dịch bệnh ổn định.
Thay vì tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngay đầu tháng 6 như kế hoạch cũ. Một số tỉnh, thành đã phải lùi lịch thi.
Xuất hiện những cách tổ chức thi và phương án tuyển sinh lớp 10 chưa từng có tiền lệ.
Sáng 4/6, Trường phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa, Phú Yên) là trường duy nhất tại Phú Yên được tổ chức kỳ thi. Các trường còn lại trên địa bàn tỉnh được rời lịch thi đến sau ngày 20/6.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất tuyển thẳng thí sinh diện F0,1 vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Trên cơ sở đề xuất của Sở GD&ĐT, chiều 2/6, UBND TP Hà Nội đồng ý điều chỉnh lịch thi, thời gian làm bài và phương án tuyển sinh theo từng nhóm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021- 2022.
Về phương án tuyển sinh, chia thành 3 nhóm thí sinh:
Nhóm 1: thí sinh F0, F1.
Nhóm 2: thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường do ảnh hưởng dịch Covid- 19.
Nhóm 3: các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến phòng thi.
Đối với nhóm 1: Thí sinh được tuyển thẳng vào trường THPT công lập không chuyên mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định, phù hợp với nơi cư trú của thí sinh.
Đối với nhóm 2: Xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh theo công thức: Điểm THCS+ điểm trung bình (TB) môn Toán+ điểm TB môn Ngữ văn + điểm TB môn Ngoại ngữ+ điểm TB môn Lịch sử+ điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, điểm THCS là tổng điểm tính theo kết quả rèn luyện 4 năm cấp THCS; nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Đối với nhóm 3: Đến trường thi theo quy định, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Các nội dung khác liên quan đến công tác tuyển sinh thực hiện theo đúng quy định và quy chế thi.
Đối với lớp 10 chuyên và hệ song bằng tú tài, thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 đã đăng ký dự thi vào hệ này, nếu có nguyện vọng sẽ được phép đăng ký dự thi kỳ thi tuyển bổ sung.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT cũng đang lên các phương án tổ chức thi đợt 1 tại những địa phương không giãn cách xã hội. Việc tổ chức thi thành nhiều đợt có thể được áp dụng ở nơi có dịch diễn biến phức tạp. Như ở Bắc Giang hiện có hơn 9.000 học sinh lớp 12 phải cách ly xã hội và có thể vẫn ở trong khu vực cách ly, giãn cách khi kỳ thi diễn ra (ngày 7-8/7).
Học sinh lớp 12 nhiều nơi đang "chạy nước rút" ôn thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến. Điều buồn nhất với các em là không được học cùng nhau trong mùa Hạ cuối cấp.
Bạn Gia Bách (Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy) học online kín các ngày trong tuần, học xong lại ngồi xem lại các video thầy cô giảng, tự tìm các bài giảng trên mạng để học thêm.
Bạn Trương Ngọc Ánh (Trường THPT Cầu Giấy) tải các ứng dụng giúp người dùng tránh cầm vào điện thoại, đếm thời gian học bài, đếm ngược thời gian đến ngày thi để khi nhìn vào sẽ có động lực ôn tập.
"Giống như những lần trước, vẫn là cảm giác mong chờ ngày em được đến trường, gặp bạn bè và bế giảng bên các bạn", Ngọc Ánh trăn trở.