Giáo dục "nghiêng ngả" vì Covid-19 và những tin nóng bất ngờ
(Dân trí) - Học sinh Việt Nam đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế; nhiều kịch bản tổ chức thi tốt nghiệp THPT vì Covid-19; phối hợp thí điểm thử ma túy cho HSSV... là những tin nóng giáo dục tuần qua.
Việt Nam giành 6 huy chương Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 26/5, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nhận được thông tin chính thức từ Indonesia về kết quả dự thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Theo đó, cả 6/6 thí sinh tham gia xét giải đều đoạt huy chương gồm: 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng, đứng thứ 4/35 quốc gia tham dự kỳ thi năm nay.
Cụ thể, hai Huy chương Vàng thuộc về em Lê Quang Huy, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội và em Trương Văn Quốc Bảo, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.
Em Hồ Ngọc Vĩnh Phát, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc Học, Tỉnh Thừa Thiên Huế giành Huy chương Bạc.
Các em: Nguyễn Vũ Đăng Huy, học sinh lớp 12 Trường Phổ Thông Năng Khiếu, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh; Đào Duy Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Tỉnh Hải Dương; Trần Xuân Bách, học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội giành Huy chương Đồng.
Với thành tích 2 Huy chương vàng, đoàn Việt Nam và đoàn Nhật Bản xếp sau các đoàn Trung quốc và Iran. Theo cách xếp hạng huy chương, Việt Nam đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Iran, và Nhật Bản.
Việt Nam đoạt 2 Huy chương Vàng Olympic Vật lý Châu Á -Thái Bình Dương
Tối ngày 23/5, Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) nhận được thông tin về kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2021.
Theo đó, cả 8/8 học sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam đều đoạt giải. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có học sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi này.
8 giải của học sinh Việt Nam gồm 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen.
Huy chương Vàng thuộc về em Nguyễn Mạnh Quân, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hà Nội và em Trần Quang Vinh, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hà Nội.
Em Bùi Thanh Tân, Học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An giành Huy chương Bạc.
3 Huy chương Đồng thuộc về các em: Nguyễn Trọng Thuận, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Lê Minh Hoàng, Học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Hoàng Nam, Học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hà Nội.
Em Trang Đào Công Minh, Học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và em Nguyễn Đắc Tiến, Học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh được nhận Bằng khen.
Đặc biệt, em Nguyễn Mạnh Quân, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, thành phố Hà Nội đạt điểm cao nhất của kỳ thi và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng Bằng khen. Đây là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt được thành tích này khi tham gia APhO.
Hơn 400 thí sinh là F0, F1: Nhiều kịch bản tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Căn cứ số liệu thống kê đến hết ngày 26/5, toàn quốc có 18 F0 là học sinh lớp 12 và 394 em là F1, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên. Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều kịch bản.
Đây là thông tin được ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết ngày 27/5, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã trình lãnh đạo các bộ ngành và đặc biệt là Bộ Y tế nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19.
Đặc biệt, các địa phương cũng có kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong khi tổ chức kỳ thi.
Đối với các thí sinh là F0, cũng như các trường hợp ốm đau nên các em không tham dự kỳ thi và được xét đặc cách theo quy định.
Đối với các thí sinh diện F1, sẽ được bố trí điểm thi riêng. Đối với thí sinh diện F2, phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra là bố trí phòng thi hoặc điểm thi riêng.
Ông Trinh cũng cho biết, trong tình huống bất khả kháng khi các địa phương có nhiều thí sinh trong diện F1, F2, Bộ sẽ cân nhắc việc tổ chức đợt thi thứ 2, căn cứ vào kinh nghiệm đã làm năm 2020.
Kỳ thi vào lớp 10 đầu tiên trong cả nước giữa dịch Covid-19 phức tạp
Tuần qua, thí sinh thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM chính thức bước vào môn thi đầu tiên để tìm suất học lớp 10 tại trường (ngày 26/5).
Theo nhiều bạn thí sinh cho biết, kỳ thi năm nay các bạn phải chuẩn bị thật kỹ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đến phòng thi, tất cả các bạn đều thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
"Đến điểm thi, em hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với các bạn khác. Đây là kỳ thi đầu tiên vào lớp của thành phố mà còn là thi chuyên nên em cũng khá hồi hộp", Phương Ngân chia sẻ.
Ngày thi đầu tiên, có 830 thí sinh dự thi môn Toán chuyên được bố trí vào 32 phòng thi. Số thí sinh mỗi phòng thi không vượt quá 24 em để đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh.
TPHCM khẩn cấp ngưng toàn bộ hoạt động dạy học, nội trú
Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, TPHCM yêu cầu khẩn cấp ngưng mọi hoạt động dạy học trực tiếp, cùng hoạt động nội trú trong nhà trường.
Chiều tối 27/5, Sở GD-ĐT TPHCM ra thông báo "nóng" về thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đối với các trường ngoài công lập, Sở đề nghị dừng mọi hoạt động nội trú nếu có trước ngày 30/5.
Lãnh đạo Sở yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác chuẩn bị để giúp học sinh tham dự kỳ thi cuối cấp an toàn, thuận lợi.
Trước đó, TPHCM đã cho học sinh ngừng đến trường từ ngày 10/5. Riêng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 tùy theo điều kiện cụ thể, hiệu trưởng các trường có thể cân nhắc, xây dựng phương án, duy trì tổ chức học tập trực tiếp.
Bộ GD-ĐT giải thích nội dung sốc: "Phối hợp thí điểm thử ma túy cho HSSV"
Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản kế hoạch số 455/KH-BGDĐT về "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021".
Kế hoạch 455 bao gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm…
Theo đó, văn bản đề ra 9 nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiệm vụ 4 và nhiệm vụ 8 đã gây "sốc" dư luận. Cụ thể:
Nhiệm vụ 4 yêu cầu "Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông".
Nhiệm vụ 8 yêu cầu: "Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên".
Sau khi nhận phản hồi của dư luận, ngày 19/5, Bộ GD-ĐT có văn bản số 2043/BGDĐT-GDCTHSSV do Vụ trưởng Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh ký về việc hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455.
Theo hướng dẫn này thì nhiệm vụ số 04, cụm từ "thử ma túy" được hiểu là "xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể".
Nhiệm vụ số 08: Kế hoạch "dự phòng nghiện ma túy" được hiểu là Kế hoạch "hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy".