Bộ GD-ĐT "giấu" điểm học sinh giỏi quốc gia là không minh bạch

Hoàng Lam Nguyễn Thùy

(Dân trí) - Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT 2021-2022 vừa qua, Bộ GD-ĐT chỉ công bố danh sách học sinh đoạt giải mà không công bố cụ thể điểm từng thí sinh đang khiến nhiều giáo viên phản ứng.

Chia sẻ về vấn đề trên, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố danh sách học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT năm học 2021-2022, mà không bố điểm thi là việc làm không minh bạch.

Thầy Hiếu cho hay, trong công tác thi cử, chuyện đỗ hay trượt là chuyện rất bình thường, phụ thuộc vào chất lượng bài làm của mỗi thí sinh và cũng lệ thuộc luôn đáp án như thế nào. Công bố điểm thi sẽ làm cho các thí sinh biết được nội dung kiến thức bài làm của mình đang ở mức nào tương xứng điểm bài thi. Trong kỳ thi HSG quốc gia, việc chênh nhau chỉ cần 0,25 điểm thôi cũng đã quyết định chất lượng giải giữa các thí sinh với nhau trong cùng một môn thi.

Bộ GD-ĐT giấu điểm học sinh giỏi quốc gia là không minh bạch - 1

Trường THPT Chuyên Lam Sơn có 58 học sinh đạt giải HSG quốc gia năm học 2021-2022 (Ảnh: CTV).

"Nhân câu chuyện Bộ GD-ĐT không công bố điểm thi HSG quốc gia THPT năm 2021-2022, tôi lại nói về đáp án chấm (còn gọi là hướng dẫn chấm) của đề thi. Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đáp án của các môn thi Khoa học xã hội. Câu hỏi là tại sao?

Đọc kỹ đáp án của đề thi sau khi kết thúc công việc chấm thi, dù đó là kỳ thi ở cấp độ nào cũng là một cách học kiến thức và kỹ năng làm bài thi. Ý nghĩa của việc đọc và học đáp án chấm đó không chỉ có tác dụng với học sinh sau khi thi mà còn có ích về chuyên môn với các giáo viên bồi dưỡng HSG. Nói ngắn gọn, cả thầy và trò khi được đọc đáp án đều rất bổ ích, học được kiến thức và rèn được kỹ năng và phương pháp làm bài thi HSG", thầy Trần Trung Hiếu bày tỏ.

Cùng với việc công bố điểm thi của các thí sinh, thầy Hiếu cũng cho rằng cần thiết phải công bố công khai bài thi đoạt giải cao, bởi đây là nguồn tham khảo đối với thầy cô giáo đang giảng dạy, bồi dưỡng HSG và các em học sinh. Bài thi đã đoạt giải HSG quốc gia của các thí sinh sau khi đã công bố điểm/giải liệu có phải là tài liệu nằm trong danh mục "bí mật quốc gia" không? Nếu không thì tại sao lại không công bố khi có rất nhiều ý kiến đề xuất?

"Rất mong các cơ quan chức năng của Bộ GD-ĐT có quan điểm rõ ràng và cách hành xử minh bạch về vấn đề này. Nếu sai thì phải sửa, sót thì phải bổ sung để mọi cuộc thi luôn công bằng, sòng phẳng, minh bạch và hạn chế đến mức thấp nhất (nếu có) yếu tố gian lận trong một kỳ thi cấp quốc gia", thầy Hiếu nhấn mạnh.

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An, về mặt thi cử, đã công bố giải thì phải công bố cả điểm, dù được bao nhiêu đi nữa thì đó là kết quả bài làm của các em. Điều đó thể hiện tính khách quan của kỳ thi.

Việc công bố điểm thi của từng thí sinh giúp các em đánh giá đúng bài làm của mình. Trong kỳ thi này có nhiều thí sinh đang học lớp 11, tức là các em vẫn còn cơ hội tham dự kỳ thi vào năm sau, bởi vậy việc biết được điểm thi dù cao hay thấp, đạt hay chưa đạt sẽ giúp các em đánh giá đúng năng lực, bổ sung các phần kiến thức chưa tốt để rút kinh nghiệm chuẩn bị cho kỳ thi năm sau. Điểm thi này còn là cơ sở để thí sinh biết và làm thủ tục phúc khảo

Ngược lại, điểm thi của từng thí sinh sẽ giúp những người làm công tác bồi dưỡng, hướng dẫn HSG rút kinh nghiệm cho năm sau.

Cùng quan điểm trên, một giáo viên (xin dấu tên) tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, việc chỉ công bố giải mà không có điểm thì bản thân học sinh cũng không biết thực sự mình đang ở đâu, cảm giác rất khó chịu kể cả những người có giải và không có giải.

"Đây là một kỳ thi lớn, học sinh và giáo viên phải mất rất nhiều công sức, thời gian. Nếu không có kết quả minh bạch, chắc chắn sẽ không hài lòng với cách làm của Bộ GD-ĐT. Việc công bố điểm và bài thi được in thành sách như trước đây sẽ đảm bảo sự công khai, minh bạch của kỳ thi. Những học sinh có khát vọng chinh phục kỳ thi quốc gia cũng nhìn vào đó để cố gắng, phấn đấu", giáo viên này chia sẻ thêm.