Bạo lực học đường: Một điều nhịn là chín điều lành?

Nhung Nhung

(Dân trí) - "Im lặng đồng nghĩa với sự dung túng, chấp nhận cho bạo lực học đường leo thang, một điều nhịn cũng chưa hẳn là lành", Chuyên gia Tâm lý học Hoàng Trung Học nêu ý kiến.

Vụ việc nữ sinh N. ở Trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử do nghi vấn về bạo lực học đường đang được dư luận xã hội quan tâm. Người mẹ của nữ sinh này từng báo cáo với cô giáo về việc nữ sinh này e sợ bị chặn đánh. Đó là những dấu hiệu cảnh báo về vấn nạn bắt nạt ở trường học.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều vụ học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực cũng được đăng tải trên mạng xã hội, gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của học sinh.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau.

"Hãy dạy con trẻ lên tiếng đúng cách thay vì chịu trận"

Trao đổi về vấn đề này, TS Hoàng Trung Học, Chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, việc xô xát giữa học sinh với nhau là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn nạn bạo lực học đường trở nên đáng lo ngại, xét cả theo số vụ, tính chất nguy hiểm và mức độ ảnh hưởng.

Theo chuyên gia, một trong những lý do khiến "thủ phạm" có xu hướng gia tăng hành vi bắt nạt nạn nhân là vì sự yếu đuối, thụ động của chính người bị bắt nạt.

Sự im lặng, chịu đựng một cách thụ động của nạn nhân trước bạo lực là cách ứng phó tiêu cực, thúc đẩy "thủ phạm" tiếp tục một chu kỳ bạo lực mới. Nạn nhân càng im lặng, càng không dám lên tiếng hay phản kháng thì hành vi bạo lực càng có nguy cơ tái diễn.

Từ đó những vết thương thể chất, tinh thần càng có nguy cơ tích tụ, gây ra hậu quả khôn lường.

Giải thích về phản ứng trên, Tiến sĩ Học cho rằng, một phần nguyên nhân là do lời khuyên "một điều nhịn, chín điều lành" mà nạn nhân thường nhận được khi "kêu cứu".

"Một điều nhịn, chín điều lành là câu tục ngữ của người xưa nhấn mạnh đến tinh thần hòa ái, nhường nhịn để đạt được mối quan hệ hài hòa trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nó cần phải được hiểu đúng và áp dụng phù hợp. Việc nạn nhân thụ động và âm thầm chịu đựng bạo lực là một cách ứng phó tiêu cực, có thể làm hành vi bạo lực gia tăng.

Trong trường hợp này, im lặng đồng nghĩa với sự dung túng, chấp nhận cho bạo lực học đường leo thang. Trong trường hợp này, nhịn cũng chưa hẳn đã là lành", Tiến sĩ Học nêu ý kiến.

Chuyên gia thể hiện sự đồng tình rằng trong các mối quan hệ xã hội để có mối quan hệ hòa ái thì sự chấp nhận, nhường nhịn người khác là cần thiết.

Tuy nhiên, xét trong trường hợp bạo lực học đường, nếu một học sinh liên tiếp bị bắt nạt mà không có bất cứ hành động nào "phản kháng" và chấp nhận nhẫn nhịn thì vấn đề sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Vì thế "lời khuyên" con trẻ hay học trò nhẫn nhịn là sai trái, bởi có thể điều đó sẽ vô tình đẩy "nạn nhân" đến bờ vực đau khổ, tuyệt vọng và lựa chọn phương thức cực đoan để chạy trốn khỏi tình huống bế tắc.

Bạo lực học đường: Một điều nhịn là chín điều lành? - 1
Chuyên gia tâm lý Hoàng Trung Học (Ảnh: NVCC).

Trong trường hợp có con là nạn nhân của bạo lực học đường, theo TS Hoàng Trung Học, bố mẹ của trẻ cần bình tĩnh xử lý và hướng dẫn con cách ứng phó.

Quan trọng nhất không phải chỉ là dạy con cách thoát khỏi tình trạng bạo lực hiện tại, mà cần giúp con biết cách ứng phó trong các tình huống tương tự khác.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần tạo điều kiện để trẻ thoải mái bày tỏ ý kiến và cảm xúc của cá nhân về các vấn đề đang phải đối mặt. Cha mẹ cần lắng nghe, không nên xem nhẹ những điều trẻ nói. Đặc biệt, cần phải thể hiện cho con thấy rằng luôn có bố mẹ sẵn sàng ở bên cạnh trẻ để trẻ không bị đơn độc trong bất kỳ tình huống nào.

Ông Học khẳng định các bậc phụ huynh cần chú ý giáo dục nhận thức cho con trẻ hiểu rằng, nếu chúng vung nắm đấm với bạn, đó không phải là hành động của một "anh hùng",  mà là một hành vi bạo lực đáng bị lên án. Ngược lại, nếu chúng thụ động chấp nhận hành vi bạo lực, chúng sẽ phải chịu đựng những thương tổn không đáng có.

Chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh rõ ràng: "Chúng ta không tán thành việc con cái dùng bạo lực với người khác. Chúng ta cũng không cổ xúy việc dùng bạo lực để chế ngự bạo lực, nhưng cần dạy trẻ cách ứng phó tích cực. Đó là biết tự vệ, biết lên tiếng trước bạo lực thay vì chịu trận và trở thành nạn nhân".

Bạo lực học đường là trách nhiệm của gia đình, trường học và toàn xã hội

Mặc dù bạo lực học đường là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng đáp án cho câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp nào để đẩy lùi vấn nạn này vẫn luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bạo lực học đường: Một điều nhịn là chín điều lành? - 2

 Các nạn nhân của bạo lực học đường có thể phải đối mặt với cả những hệ lụy về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần (Ảnh minh họa: Infobae.com).

Tiến sĩ Tâm lý học Hoàng Trung học nhận định, vấn nạn học đường rất khó để chấm dứt nếu xã hội, nhà trường và gia đình chưa thống nhất được phương thức đối thoại trong giáo dục và xây dựng môi trường lành mạnh, văn hóa cho học sinh.

Bởi, ai cũng có thể bị trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.

Với các bậc phụ huynh, điều quan trọng là nhận biết sớm những dấu hiệu con bị bạo lực học đường để đưa ra hướng giải quyết kịp thời.

Không phải chỉ những vết bầm tím mới là dấu hiệu duy nhất của bạo lực học đường. Những biểu hiện như: cảm xúc thất thường, tâm lý sợ đến trường, trạng thái mất tập trung, những giấc ngủ bất an xuất hiện ở con đều là những "cảnh báo" rõ ràng cần được phụ huynh chú ý.

Theo chuyên gia tâm lý, con trẻ gặp phải tình trạng bạo lực học đường là một điều đáng tiếc, không ai mong muốn xảy ra nhưng thay vì đổ lỗi, việc tập trung sửa lỗi cần được chú trọng hơn hết.

Trong đó, việc giáo dục con nhận thức và có hành vi đúng đắn trước bạo lực học đường là việc ưu tiên mà phụ huynh cần phải thực hiện. Điều này một mặt giúp con tránh rơi vào tình huống tiêu cực, mặt khác trang bị cho con cách thức xử lý vấn đề khoa học, văn minh.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần gần gũi với con cái để xây dựng sự gắn kết giữa cha mẹ với con cái, khiến con tin tưởng và coi bố mẹ là chỗ dựa vững chắc trong mọi trường hợp, trước mọi khó khăn.

"Các phụ huynh chính là người dẫn dắt con em của mình nói không với bạo lực và ứng phó phù hợp trước nguy cơ bạo lực. Cao hơn, các phụ huynh cần trở thành tấm gương cho các con về cách hành xử văn minh, không bạo lực.

Cùng với phụ huynh, các nhà trường cũng cần tích cực thúc đẩy văn hóa học đường lành mạnh, xây dựng thành công trường học hạnh phúc. Đây là những giải pháp căn bản, lâu dài để kiểm soát bạo lực học đường", chuyên gia nhắn nhủ.