Ôn thi tốt nghiệp THPT 2022:
Bác sĩ: Đừng để trẻ rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, trầm cảm khi ôn thi
(Dân trí) - Những ngày ôn thi tốt nghiệp giai đoạn "nước rút", trẻ đã ở trong trạng thái stress, áp lực. Thời điểm này, nếu gia đình lại tạo thêm áp lực, các con dễ xuất hiện rối loạn lo âu và trầm cảm.
Chỉ một thời gian ngắn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ diễn ra. Các sĩ tử đang tập trung tối đa, ôn luyện ngày đêm cho giai đoạn nước rút. Nhiều em rơi vào tình trạng stress, căng thẳng "chưa từng có" khi đứng trước kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách. Bởi vậy, vấn đề làm thế nào để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con được rất nhiều phụ huynh quan tâm.
Trao đổi với Dân trí, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho hay, tính riêng tại bệnh viện này, ước tính số học sinh, sinh viên tới thăm khám, cần trợ giúp về các vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng khoảng 20-50% mỗi năm.
TS nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ đáng ra nên được thực hiện thường xuyên, hàng ngày chứ không riêng trong giai đoạn thi cử. Tuy nhiên, ở thời điểm "nước rút" này, cha mẹ cần lưu ý áp dụng một số biện pháp sau để con có trạng thái tốt nhất.
Trò chuyện, chia sẻ với trẻ nhiều hơn
Theo TS Thu, sát kỳ thi là giai đoạn trẻ căng thẳng nhất, sự thấu hiểu, động viên của cha mẹ bởi vậy cực kỳ quan trọng. Lo lắng là phản ứng tự nhiên với các kỳ thi, cha mẹ nên tận dụng mặt tích cực của tâm trạng này và giảm thiểu những tác hại không đáng có.
Chỉ khi tiếp cận, nói chuyện, chia sẻ với trẻ nhiều, bạn mới có thể phát hiện ra những vấn đề con đang bế tắc để đồng hành giúp con tháo gỡ. Cần động viên, khuyến khích con nghĩ về những mục tiêu dài hạn trong cuộc sống có liên quan đến thi cử như thế nào.
TS Thu khuyên cha mẹ hãy ưu tiên dành thời gian lắng nghe con, trò chuyện với con càng nhiều càng tốt, làm sao để trẻ cảm thấy thực sự an toàn khi trẻ chia sẻ cả chuyện buồn, chuyện vui.
Không gò ép, tạo thêm áp lực
TS Thu lưu ý, những ngày "nước rút", trẻ đã ở trong trạng thái stress, áp lực. Thời điểm này, nếu gia đình lại tạo thêm áp lực, các con dễ rơi vào nhóm nguy cơ cao xuất hiện rối loạn trầm cảm và lo âu. Do trẻ đã trải qua một quá trình dài ôn tập, trải qua thời điểm dịch bệnh kéo dài nên càng làm tăng nguy cơ quá tải về tinh thần.
Trẻ có thể gặp các triệu chứng về tinh thần như dễ cáu, dễ khóc, mất tập trung, lơ đễnh, hay quên,… Ngoài ra là các triệu chứng bệnh thể chất như mất ngủ, đau dạ dày, đau đầu, đau lưng, rối loạn tiêu hóa, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, cảm giác kiệt sức, mất năng lượng. Các triệu chứng tinh thần và cơ thể rất đa dạng, dễ nhầm lẫn, cha mẹ nên biết để tránh những khám xét không cần thiết lặp đi lặp lại (về các triệu chứng cơ thể).
"Cần dạy con biết lắng nghe cơ thể. Biểu hiện nóng rát, đầy hơi, nôn nao khó chịu trong dạ dày vào ngày sát thi là bình thường, nhưng nếu đau bụng tới mức không thể học tiếp hoặc đau đầu mỗi khi thức dậy cho thấy trẻ đang quá tải với stress. Cha mẹ cần quan tâm để giúp con điều chỉnh áp lực. Việc gây áp lực quá mức cho trẻ sẽ tăng nguy cơ xuất hiện bệnh lý. Một khi stress nặng kéo dài và tiến triển thành bệnh lý, trẻ sẽ phải điều trị chuyên khoa", TS Thu nói.
Cũng theo chuyên gia này, phụ huynh nên giúp con có tinh thần thoải mái bằng cách động viên con cố gắng đạt kết quả cao nhất có thể thay vì áp đặt, giao nhiệm vụ. Động viên con rằng thất bại không phải là dấu chấm hết. Nếu mọi thứ không suôn sẻ, con có thể thi lại. Đặc biệt, trong giai đoạn sắp thi nên giảm tải mọi yêu cầu khác, tạo điều kiện tốt nhất cho con tập trung ôn tập. Hạn chế tối đa hoặc tuyệt đối không mắng nhiếc, chê trách con.
Không lên lịch học tập cho con quá dày đặc, cần nhắc trẻ học phải xen kẽ vận động thể chất; các hình thức "chơi không bị áp lực" (chơi không có sự cạnh tranh hay mục tiêu cuối cùng nào) như đạp xe, ném bóng, đá cầu, bơi lội, đi bộ,…
Cha mẹ cũng cần chăm sóc bản thân
TS Thu nhấn mạnh, giai đoạn nước rút, cha mẹ cũng nên quan tâm chăm sóc bản thân và quản lý cảm xúc của chính mình. Căng thẳng rất dễ lây lan, khi cha mẹ căng thẳng, con cái cũng căng thẳng. Nếu phụ huynh luôn cáu kỉnh, con cũng sẽ bị "tập nhiễm". Cha mẹ luôn là tấm gương để con noi theo, đối phó tốt với stress mới có thể giúp con hoặc dạy con quản lý căng thẳng.
"Việc giúp trẻ cảm thấy an toàn, được yêu thương và chăm sóc là cách tốt nhất để bù đắp căng thẳng. Cảm giác gần gũi với cha mẹ, được cha mẹ yêu và chấp nhận là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Bạn nên tạo thói quen đi ngủ đúng giờ cho chính bản thân, cùng ăn với con hoặc chuyện trò sau giờ học, để con yên tâm, tin tưởng và bớt cảm giác áp lực", TS nói.
Không nên quá buông lỏng, cho chơi thỏa thích
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương nhấn mạnh, "điều gì quá mức đều không tốt", tức tạo áp lực, khiến trẻ quá hoảng sợ sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực; nhưng cũng không nên buông lỏng quá mức vì lý do "tránh áp lực".
Việc trẻ xao nhãng học những ngày sát thi có thể khiến con mất kiến thức, thi trượt, ảnh hưởng đến quyền lợi "sát sườn" và cả tương lai của con. Đến lúc đó, trẻ sẽ phải đối mặt với stress và các vấn đề sức khỏe tâm thần nặng nề hơn.
"Phụ huynh vẫn nên động viên, nhắc nhở con học trong mức độ vừa phải, không nên kiếm cớ "tránh căng thẳng" để con chểnh mảng học hành. Một chút căng thẳng có thể là một điều tốt: stress tích cực đôi khi là động lực cần thiết để thúc đẩy chúng ta hoàn thành công việc", TS Thu cho hay.
Giấc ngủ rất quan trọng cho sức khoẻ tinh thần
TS Trần Thị Hồng Thu lưu ý, ngủ đủ giấc rất cần thiết. Giấc ngủ giúp giảm thiểu căng thẳng, thúc đẩy tâm trạng và cải thiện thành tích học tập. Thời kỳ sát ngày thi, không nên lo thiếu thời gian mà bỏ qua giấc ngủ. Thiếu ngủ sẽ làm suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần của con người, gây mệt mỏi. Lúc đó, trẻ học tập không thấy năng suất, khó tập trung, đến ngày thi có thể bị ốm. Thiếu ngủ cũng làm tăng các vấn đề stress lo âu, hay quên, hiệu quả ôn tập giảm.
"Cho con ăn, ngủ, nghỉ, vận động điều độ; kết nối, nói chuyện, để trẻ thoải mái chia sẻ mọi chuyện buồn, vui;… là những điều rất cần để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con. Việc ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ cũng là thực hiện "phòng bệnh hơn chữa bệnh", TS Thu nói.