Siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2022

Minh Thu

(Dân trí) - "Tuyệt đối không được chủ quan" - đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trong 2 ngày (14, 15/6), tại tỉnh Bình Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra của 32 Sở GDĐT, 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Nam về Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2022.

Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, về Quy chế thi, kiểm tra, phát hiện thiết bị công nghệ cao gian lận trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn...

Siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT 2022 - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tới công tác phối hợp, thứ trưởng cho rằng, đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp. Kỳ thi diễn ra trên phạm vi rộng, số lượng chủ thể tham gia kỳ thi đông, do đó các lực lượng tham gia cần phối hợp tốt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm.

Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng là rất quan trọng, qua đó vừa giữ được kỷ cương, kỷ luật trường thi, nhưng cũng không tạo ra áp lực không cần thiết.

Đề cập tới công tác chuẩn bị như một trong những yếu tố quan trọng nhất, Thứ trưởng khẳng định, công tác chuẩn bị càng kỹ lưỡng, chu đáo bao nhiêu sẽ đưa tới chất lượng, hiệu quả bấy nhiêu. Hoạt động tập huấn thanh tra, kiểm tra được tổ chức cũng là một trong những nội dung của công tác chuẩn bị, do vậy cần phải được làm kỹ lưỡng.

"Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra kỳ thi đã có nhiều năm làm công việc này nhưng cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ hệ lụy sẽ là rất lớn. Do đó chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, cần bao quát hết các công việc, kể cả việc biết rồi cũng phải nghiên cứu chu đáo, kỹ lưỡng hơn", Thứ trưởng chia sẻ.

Hai yếu tố khác được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo là công tác thanh tra, kiểm tra và công tác truyền thông. Thanh tra, kiểm tra theo Thứ trưởng để phòng ngừa là chính, từ đó tăng cường kỳ cương, giảm thiểu vi phạm. Còn công tác truyền thông là để phụ huynh, xã hội hiểu, phối hợp, giúp đỡ tổ chức thành công kỳ thi này.

"Để giữ kỷ thi an toàn vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra là rất lớn. Làm sao để vừa nghiêm minh, vừa hài hòa nhưng cũng nhân văn, nhân ái; đảm bảo đúng quy chế, quy định nhưng cũng thân thiện, ứng xử phù hợp". Thứ trưởng nói.

Để Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt hiệu quả, Thứ trưởng lưu ý các báo cáo viên bên cạnh việc trình bày các chuyên đề hướng dẫn, cần dành nhiều thời gian lắng nghe, tiếp thu, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn từ đơn vị, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó lựa chọn những tình huống phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề còn chưa rõ, còn có cách hiểu khác nhau để cùng thảo luận, cùng phòng ngừa.

Thứ trưởng đề nghị, sau Hội nghị, Ban Tổ chức và các báo cáo viên tổng hợp đầy đủ các ý kiến, trong trường hợp cần thiết có thể tham mưu lãnh đạo Bộ GDĐT để tiếp tục ban hành các hướng dẫn cụ thể. Đối với các cán bộ cốt cán tham gia tập huấn, sau Hội nghị hôm nay sẽ về làm tốt công tác tập huấn lại cho đội ngũ thanh tra, kiểm tra ở địa phương, cơ sở giáo dục. "Cố gắng tổ chức sớm để có đội ngũ làm công tác thanh tra, cộng tác viên thanh tra phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó, trong 2 ngày (10, 11/6), tại tỉnh Ninh Bình, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra của các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Bắc.