5 điều cha mẹ nên làm để giúp con trở nên kiên cường

Đức Chung

(Dân trí) - Phụ huynh nào cũng muốn con lớn lên kiên cường, tự tin, và thông minh. Một nhà tâm lý học đã chỉ ra, chìa khóa để đạt được điều đó bắt đầu từ việc tạo niềm tin vững chắc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

5 điều cha mẹ nên làm để giúp con trở nên kiên cường - 1

(Ảnh: Getty Images).

Đôi lúc con trẻ cần được xác nhận rằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng là bình thường, không có gì bất ổn. Các chuyên gia tâm lý tin rằng tạo cảm giác yên tâm cho trẻ chính là một trong những vũ khí mạnh nhất trong hành trình dạy con.

Trấn an cảm xúc của trẻ không có nghĩa phụ huynh phải bỏ qua hoặc đồng ý với những hành động của con. Đơn giản là phụ huynh chỉ cần lắng nghe, thấu hiểu, và chấp nhận những hành vi đó.

Phương thức này sẽ giúp trẻ gọi tên được những cảm xúc của bản thân và dễ hòa hợp với môi trường xã hội xung quanh hơn. Từ đó, trí tuệ cảm xúc của trẻ cũng tăng lên.

Dưới đây là 5 phương pháp để giúp trẻ phát triển trí tuệ xã hội:

1. Bình thường hóa mọi trải nghiệm

Tình bạn giúp trẻ phát triển những kỹ năng sống quan trọng, như hòa hợp với những người khác và giải quyết vấn đề tình cảm. Tuy vậy, không tình bạn nào là hoàn hảo.

Hãy nhắc trẻ rằng tình bạn nào cũng có những lúc thăng trầm. Trong những mối quan hệ lâu dài, sẽ không tránh khỏi việc bị những người thân nhất làm tức giận, thất vọng.

Nếu con trẻ dễ tiếp thu, hãy kể cho chúng nghe về những nỗi buồn mà chị gái, anh em họ, hoặc chính bản thân bạn đã trải qua ở độ tuổi của trẻ. Những câu chuyện này sẽ là bằng chứng cho việc trẻ không đơn độc và không nên cảm thấy xấu hổ.

2. Vỗ về con trẻ

Trừ khi con trẻ nhạy cảm với việc âu yếm vỗ về, thì phương pháp này có hiệu quả nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bất kỳ lời nói nào. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của việc vỗ về con trẻ, ví dụ như làm giảm huyết áp và mang lại cảm giác được chăm sóc an toàn cho trẻ.

Khi con trẻ cảm thấy buồn, trước khi mở lời hỏi han, phụ huynh có thể xoa lưng, ôm trẻ vào lòng. 

5 điều cha mẹ nên làm để giúp con trở nên kiên cường - 2

Không mở lời ngay khi thấy trẻ buồn cũng giúp cho trẻ có thời gian để nói về nỗi buồn của chúng (Ảnh: Learningliftoff).

3. Dạy trẻ chất lượng hơn số lượng

Trẻ thường đánh giá bản thân bằng số lượng bạn bè của chúng. Nhưng trẻ cũng chưa có đủ nhận thức để nhận ra sự bền chặt trong những mối quan hệ còn quan trọng hơn cả. Theo như một nghiên cứu, trẻ có nhiều tình bạn hời hợt lại dễ mắc phải chứng lo âu như người lớn.

Thêm vào đó, trái với điều mà hầu hết trẻ em nghĩ đến, nổi tiếng ở trường không đồng nghĩa với việc không cô đơn. Mà chính sự nổi tiếng được tạo ra bằng những lời đồn thổi và quyền lực ở trường mới không có tính ổn định và khó duy trì trong tương lai.

Hãy trấn an rằng trẻ không cần phải có hàng trăm người bạn ở trên mạng xã hội hay là đời thực. Chỉ cần một vài người bạn đáng tin cậy và hết lòng ủng hộ trẻ là đủ. Những mối quan hệ bạn bè lành mạnh đó sẽ mang lại cho trẻ thành tích học tập tốt, cũng như sức khỏe tâm thần khỏe mạnh.

4. Tập trung vào những điều tích cực

Chỉ cần một lỗi nhỏ nhặt hoặc chút thất vọng cũng sẽ khiến trẻ quên đi tất cả những điều tốt đẹp trong đời sống và chìm đắm vào những cảm xúc tiêu cực hơn.

Vì vậy, trong khi đồng cảm với nỗi buồn của trẻ, việc tập trung sự chú ý của trẻ vào những thành tích và niềm vui gần đây của trẻ sẽ giúp trẻ có cái nhìn lớn hơn, sáng hơn, tích cực hơn về cuộc đời.

5. Tạo hy vọng cho trẻ

Hãy nói với trẻ rằng dù khoảng thời gian hiện tại có khó khăn đến đâu thì nó cũng không kéo dài mãi mãi. Mọi thứ rồi cũng sẽ tốt đẹp hơn. Mọi điều khó khăn trong cuộc sống sẽ qua đi nếu trẻ em cũng thay đổi.

Ví dụ như, trẻ muốn có những thay đổi trong quan hệ bạn bè, phụ huynh cần nhắc trẻ rằng mọi thứ đều cần có thời gian để thay đổi. Điều cần thiết mà trẻ phải làm trong lúc chờ đợi đó chính là có những hành vi phù hợp trong khoảng thời gian đó.

Theo www.cnbc.com