Cảnh giác vì "ở nhà trốn dịch" trẻ nảy sinh cảm xúc tiêu cực, mất kiểm soát

Kiều Phương

(Dân trí) - PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia HN) cho hay: "Cách ly thời gian dài trong nhà là lý do khiến trẻ em cảm thấy mất định hướng, kém hoạt động, lúc nào cũng cảm thấy bí bách, bất an và dễ nóng giận".

Việc tìm sân chơi cho trẻ trong những ngày hè là vấn đề mà nhiều phụ huynh và gia đình quan tâm. Đặc biệt, dịp nghỉ hè năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi hoạt động của trẻ chỉ có thể diễn ra tại nhà để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Áp lực cho con chơi gì, ở đâu, và cả bài toán về tâm lý, phát triển về thể chất cho con trẻ đang là một bài toán khó đặt ra cho bậc làm cha, làm mẹ, bên cạnh nỗi lo "cơm áo gạo tiền".

Cảnh giác vì ở nhà trốn dịch trẻ nảy sinh cảm xúc tiêu cực, mất kiểm soát - 1

Do dịch Covid-19 nên các hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ bị hạn chế. 

"Đau đầu" bài toán tìm sân chơi cho trẻ

Gia đình có hai con đang độ tuổi tiểu học, việc làm thế nào để con có thể thoải mái vận động, vui chơi nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong mùa dịch khiến chị Nguyễn Bích Luân (trú tại Hải Phòng) vô cùng bối rối.

Chị Luân chia sẻ, khi nhận được thông báo nghỉ hè sớm, hai con tỏ ra vô cùng vui mừng và phấn khởi. Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 tuần, các con đã cảm thấy chán vì cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà với ông bà, không có bạn bè chơi cùng và không được ra ngoài thoải mái chạy nhảy như trước.

"Dịch bệnh phức tạp, không thể ra ngoài nên các con ở nhà xem tivi, chơi game cả ngày. Nếu dịch bệnh không khả quan hơn, tôi e việc hai con bị phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ là rất lớn" - chị Luân lo ngại.

Những năm trước, vào mỗi dịp hè, chị Đỗ Thị Thùy (Quảng Ninh) thường đưa con về quê chơi với ông bà hai bên nội ngoại với mong muốn con có thêm nhiều trải nghiệm với cuộc sống ở làng quê. Ngoài ra, chị còn đăng ký cho con gái đi chơi, đi học thêm lớp kỹ năng mềm ở các trung tâm. Thế nhưng, mùa hè năm nay, kế hoạch của gia đình chị Thùy phải thay đổi.

Chị Thùy tâm sự: "Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, gia đình tôi hạn chế cho cháu ra đường. Con trẻ đang ở độ tuổi chạy nhảy, phát triển, bị bó buộc ở nhà, vợ chồng tôi rất thương con nhưng không còn cách nào khác vì phải đảm bảo an toàn cho con và cộng đồng".

Cảnh giác vì ở nhà trốn dịch trẻ nảy sinh cảm xúc tiêu cực, mất kiểm soát - 2

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD-ĐHQG Hà Nội) cho hay: "Cách ly thời gian dài trong nhà là lý do khiến trẻ em cảm thấy mất định hướng, kém hoạt động, lúc nào cũng cảm thấy bí bách, bất an và dễ nóng giận".

Trẻ cảm thấy bí bách, bất an và dễ nóng giận

Đối với trẻ nhỏ, nghỉ hè được coi là khoảng thời gian đáng mong chờ nhất khi các em có cơ hội được vui chơi, hoạt động ngoài trời, đi nghỉ cùng gia đình hay tham gia các hoạt động trải nghiệm kỹ năng sống. Tuy nhiên, do dịch bệnh, kỳ nghỉ hè của các em bị giới hạn trong nhà, từ đó, mọi dự định và lịch sinh hoạt cá nhân bị xáo trộn một cách đáng kể.

Phụ huynh Nguyễn Bích Luân chia sẻ, do phải "ở nhà trốn dịch" quá lâu, đôi khi, hai bé nhà chị lại nảy sinh những cảm xúc tiêu cực.

"Nhiều khi, hai cháu liên tục than phiền vì không được đi chơi, bị "cuồng chân" và bí bách. Thậm chí, khi chơi với nhau, những lúc bất đồng quan điểm, cậu con trai còn "tiện tay" đánh chị gái hay nằm ra giữa nhà để ăn vạ ông bà".

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD-ĐHQG Hà Nội) cho hay: "Cách ly thời gian dài trong nhà là lý do khiến trẻ em cảm thấy mất định hướng, kém hoạt động, lúc nào cũng cảm thấy bí bách, bất an và dễ nóng giận".

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, nhiều em không có thói quen chủ động bày tỏ cảm xúc qua lời nói nên thường chuyển hóa thành những hành vi như: phàn nàn về mọi thứ từ món ăn, cái điều khiển hay đồ dùng học tập; hành vi giận cá chém thớt mất kiểm soát; thậm chí còn trở nên lười biếng và ngủ suốt ngày.

Nhiều em xuất hiện các biểu hiện cơ thể như bồn chồn, chân tay run, tim đập nhanh, căng mỏi cơ, cảm giác kiến bò, chóng mặt, căng thẳng, sợ sệt, cảm thấy mình sắp điên tiết lên…

"Cần bình thường cảm xúc tiêu cực của trẻ"

Nhận thấy sự thay đổi cảm xúc và tính cách theo chiều hướng tiêu cực của con, chị Nguyễn Bích Luân đã vạch ra một kế hoạch để con có một kỳ nghỉ hè vui vẻ nhưng an toàn, lành mạnh ngay tại nhà.

"Buổi sáng, hai con có thể xem tivi, đọc truyện hay chơi đồ chơi theo ý muốn. Buổi chiều bớt nắng, tôi cho các cháu ra khoảng sân trước nhà để đá bóng, đạp xe hay tắm trong bể bơi phao mini".

Chị Luân cho hay, những hoạt động ngoài trời đã tạo cho các con cảm giác thích thú. "Hai con đã ngoan hơn, biết nghe lời. Đặc biệt, lúc nào chúng cũng mong tới buổi chiều để được đá bóng hay vui đùa.

Tạm gác lại kế hoạch đi trải nghiệm tại các trung tâm hay về quê với ông bà, gia đình chị Đỗ Thị Thùy đã tìm lại cảm hứng cho con mình bằng những thú vui khác. Chuẩn bị sẵn các bộ đồ chơi bổ ích như: bộ tranh vẽ, đồ xếp hình, bàn cờ cá ngựa… chị Thùy giúp con mình có khoảng thời gian được vui chơi và thỏa sức sáng tạo.

Tranh thủ những ngày rảnh rỗi, cả nhà chị Thùy lại cùng nhau nấu cơm, làm bánh hay dạy con làm việc nhà… "Sau mỗi lần cùng bố mẹ vui chơi, tâm sự, con gái tôi lại trở nên vui vẻ như được tiếp thêm động lực trong cuộc sống" - phụ huynh Đỗ Thị Thùy cho hay.

Cảnh giác vì ở nhà trốn dịch trẻ nảy sinh cảm xúc tiêu cực, mất kiểm soát - 3

PGS.TS Trần Thành Nam nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh: "Trẻ em luôn thích phần thưởng. Vì vậy, cha mẹ cũng nên hào phóng lời khen trong giai đoạn này...".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để giúp trẻ em ứng phó với những cảm xúc tiêu cực khi phải ở nhà quá nhiều trong mùa dịch Covid-19, phụ huynh cũng cần bình thường những cảm xúc này.

"Cha mẹ có thể cùng với con rèn luyện cách ứng phó với căng thẳng và cảm giác khó chịu bằng cách sử dụng chiếc hộp ứng phó. Chiếc hộp được đặt tại vị trí ai cũng có thể tiếp cận, bên trong có chứa những cách thức vui nhộn và khả thi để giải tỏa cảm xúc tiêu cực như ôm gối hoặc thú bông, tập đánh vần ngược tên các thành viên trong gia đình, trở về góc trấn tĩnh, thực hiện một tư thế yoga hoặc bóp vặn quả bóng stress. Khi một thành viên phát hiện bản thân có cảm xúc khó chịu sẽ tới rút thăm một phương án giải tỏa. Ai thực hiện tốt sẽ có quà".

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, vì dịch bệnh có thể kéo dài, do đó, bố mẹ cần tạo cho con một lịch trình mới thật hứng thú trong ngày; bao gồm những công việc mà con phải làm (chăm cây hoa, giúp việc nhà) bên cạnh những công việc mà con thích làm (như mua một bộ phim phụ đề và xem online), những hoạt động thể chất (tập thể dục buổi sáng cùng cha mẹ, tập nhảy cùng huấn luyện viên youtube), những hoạt động xã hội như tương tác với bạn bè trực tuyến, đi thăm quan các bảo tàng ảo...

"Cha mẹ hãy thống nhất với con nguyên tắc "giờ nào việc nấy" - PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Thành Nam nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh: "Trẻ em luôn thích phần thưởng. Vì vậy, cha mẹ cũng nên hào phóng lời khen trong giai đoạn này và sẵn sàng với những phần thưởng bất ngờ để trẻ thấy những cố gắng làm việc của mình luôn mang lại những điều thú vị.

Cần mở rộng quan niệm về phần thưởng. Không chỉ là những phần thưởng có giá trị cao mà nên tận dụng những phần thưởng hoạt động như: chơi bóng với bố trong sân, được mẹ ôm trong lòng và đọc sách cho nghe; hay những phần thưởng tương tác: bố mẹ nấu một món ăn con thích, con được chọn một bộ phim và cả nhà cùng ăn snack và xem với nhau;

Với phần thưởng xã hội có ý nghĩa thì cha mẹ cùng con làm tấm chắn giọt bắn, làm các thiệp chúc mừng, cảm ơn những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm