"Xóm cào cào" - phim cho mọi lứa tuổi

Đây là sản phẩm của một người yêu trẻ con, có "máu" làm báo, tâm hồn nghệ sĩ, óc hài hước và tâm huyết với điện ảnh", đó là những ý kiến từ hàng ghế khán giả về "Xóm cào cào", sản phẩm đầu tay của đạo diễn Mỹ Khanh, trong buổi chiếu ra mắt bộ phim vào 3/7.

Câu chuyện mở ra với cái tứ tự nhiên, nhẹ nhàng về bốn đứa trẻ bắt cào cào kiếm sống ở một vùng quê nghèo. Sáng sớm, trước khi đi học, Tây, Nghĩa, Liễu, Phương háo hức "hẹn hò" nhau xách vợt ra đồng. Năm mười nghìn tiền bán cào cào bốn bạn kiếm được, khi thì để lo cho bữa cơm, lúc tích góp để đóng tiền trường, lúc giúp bạn thực hiện ước mơ... Nửa ý nghĩa của cuộc mưu sinh ấy là thú vui được quây quần cùng bạn bè, được mặc sức rong chơi, không ưu tư, lo lắng nên hành trình của đám trẻ thiếu thốn nên thơ đến lạ lùng.

Có thể thấy rõ vấn đề giáo dục được Mỹ Khanh "ưu tiên" hơn cả trên phim, như lời chị nói: "Tôi muốn mọi người thấy được những mầm non tương lai của đất nước ở những vùng nông thôn nghèo đang được chăm sóc và giáo dục như thế nào".

Chị sắp xếp ý tứ nhẹ nhàng nhưng đầy trăn trở của một người có nhiều tâm huyết. Khi được thày yêu cầu trở lại lớp mà không phải lo chuyện học phí, Tây thốt lên câu làm đau lòng người lớn: "Thầy có đóng nổi cho tất cả những bạn khác không?". Rồi sau đó không lâu cũng chính em cầm trên tay một xấp tiền bước vào lớp học đưa cho thày và nói: "Bữa nay em đóng tiền, thày cho em đi học lại nha!". Làm người xem phải nghĩ hơn cả là câu nói ấp úng: "Sao thày bắt con nói chuyện không thành có", khi đứa trẻ mồ côi buộc phải làm một bài kiểm tra tập làm văn "mẫu" về cảnh gia đình có cha mẹ. Ống kính tinh tế đã xoáy vào tựa đề của bài báo "Chấn hưng giáo dục" trong một cảnh ngay sau đó.

Không chỉ thế giới tuổi thơ, thế giới người lớn ở làng quê nghèo trong Xóm cào cào cũng đầy bất ổn, túng quẫn đâm ra bài bạc, đồng bóng chữa bệnh lừa gạt thiên hạ... và cả chuyện dân nghèo thi nhau bán đất đổi đời, được Mỹ Khanh đưa lên phim nhẹ nhàng như chuyện đùa.

Bốn diễn viên nhí mà Mỹ Khanh đã "để ý" từ rất lâu, trong thời gian chị làm phó đạo diễn cho Một chuyến phiêu lưu của đạo diễn Lê Bảo Trung, cũng đã góp phần làm nên điều kỳ diệu cho tác phẩm đầu tay này. Thanh Tân, Tân Tiến, Khánh Ngân, Bảo Lộc diễn và ứng xử trên phim như những gì mà thường ngày các em vẫn thường làm. Mỹ Khanh đã chăm chút ghi lại từng câu nói lạ, ngộ nghĩnh của các em và "rinh" nguyên bản lên phim, nên cách xử sự và những câu thoại trên phim, đặc biệt là của những nhân vật nhí, nghe như... đang nói chuyện ngoài đời.

Ngoài các diễn viên nhí xuất sắc trên còn phải kể đến diễn xuất xuất thần của diễn viên "cực kỳ khó mời", nghệ sĩ Hồng Sáp. Sau ấn tượng đã ghi lại với vai một bà lão cái bang trong bộ phim Dốc tình của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, dù ở tuổi trên dưới 80 và mới là lần thứ 2 xuất hiện trên phim nhưng nghệ sĩ Hồng Sáp vào vai ngọt đến bất ngờ. Bà già sáng xỉn, chiều say, thấy tiền là mắt sáng rỡ, làm đủ nghề phi pháp: chứa bài, lừa gạt người bệnh với chiêu "thái tử nhập xác"... nên cái đau cũng khác người, khóc nên lời khi hay tin cháu nội mất, nửa tỉnh nửa điên khi biết mình đã hại một mạng người.

Tất cả những hình ảnh đa dạng của vai diễn bà Tám Tàng đều được bà thể hiện xuất thần. Người xem có lúc được cười thoải mái với diễn xuất "tưng tửng" của bà nhưng cũng không ít phút phải nhói lòng vì ánh mắt và nỗi buồn sâu trong lòng bà Tám Tàng. Cái chết thứ 3 trong phim nhẹ nhàng nhưng buồn và thấm hơn bất kỳ sự đau đớn quằn quại nào khác.

Chất rock dữ dội trong bài hát Sương mai của tác giả Thanh Lâm được lồng loáng thoáng những khúc dân ca nhẹ nhàng của Nam Bộ cũng góp phần không nhỏ vào thành công của bộ phim. Một chút thô ráp ngộ nghĩnh nhưng đầy ẩn ý trong những tình huống, khi thì buồn lặng, âm ỉ, lúc nhẹ nhàng như bay.

Cuối cùng, Xóm cào cào sẽ không thể sinh động và đẹp đến như vậy nếu thiếu ống kính của Bùi Vi Nghi. Vẫn là cảnh đồng cỏ, bụi tre, khung phơi bánh tráng quen thuộc của người dân phương Nam nhưng rất lạ và "hồn". Đặc biệt là những khuôn hình đặc tả vẻ mặt của diễn viên, nét già sạm khắc khổ trên gương mặt của bà Tám Tàng, nét trong trẻo của tính cách cô Hồng, những gương mặt trẻ con nghèo ngây thơ và sáng bừng làm người xem phải xuýt xoa.


Theo Đỗ Duy

Vnexpress