Võ Thị Hảo: “Tôi nhẹ dạ nhưng nửa vời”
(Dân trí) - “Tôi thường nói với hai cô con gái Uyên Ly và Hạnh Ly, các con phải hạnh phúc vì nếu các con đau khổ, mẹ sẽ thù các con. Tôi muốn làm tất cả để chúng không phải đa đoan như mẹ”, nhà văn Võ Thị Hảo tâm sự trong ngày Công ty Võ Thị tròn tuổi thôi nôi.
Chị được và mất những gì khi quyết định giã từ môi trường báo chí chuyên nghiệp để gánh vác vai trò người đàn bà làm kinh doanh?
Tôi xin nghỉ hưu non vì muốn được tĩnh tâm để viết và dồn tâm huyết cho Công ty Võ Thị. Cũng không có nghĩa khi nghỉ hưu là tôi giã từ môi trường làm báo, tôi vẫn viết, và khó từ chối một số tờ báo mới đặt bài và chấp nhận được cái ngông nghênh của tôi. Tôi không thích nghĩ nhiều về được mất, mà thường tâm niệm rằng con đường dẫn mình tới đâu, mình sẽ đi đến đó. Có lẽ vì thế mà nhiều người gọi tôi là kẻ thích rong chơi.
Sau một năm, vừa là nhà văn, vừa là một doanh nhân, cảm xúc của chị ra sao?
Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mở công ty để kinh doanh. Nhất là với một người thường hay tính sai như tôi, các bài học thương trường thường mặn mồ hôi và nước mắt. Công ty Võ Thị của tôi còn nhỏ, có rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Mỗi sáng tỉnh dậy, tôi phải đối diện với một thách thức mới. Nhưng có một điều tôi nhận rất rõ là khi bước vào thương trường, dù nhọc nhằn đến mấy, nó luôn luôn là sự thật và buộc mình phải đương đầu với nó.
Không chỉ dừng ở văn học, tác phẩm mới của Võ Thị Hảo lại gắn liền với thể loại mới, kịch bản phim truyện, điều gì thôi thúc chị?
Trước khi bắt tay vào làm, tôi cũng băn khoăn vì trước đó chưa viết kịch bản bao giờ. Nhưng con người tôi là thế, khi người ta cứ ngỡ mình sẽ đi thẳng đường này thì tôi lại muốn rẽ sang lối khác.
Khi tôi in cuốn Kịch bản phim truyện, đạo diễn Phạm Xuân Hưng - Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam nói với tôi rằng: “Những ý tưởng kịch bản bao giờ cũng được giữ kín nhưng Hảo lại dám tung ý tưởng kịch bản lên sách (biết đâu nó lại gợi mở cho một ý tưởng khác). Không biết Hảo là người thông minh hay dại dột”. Nhưng rồi tôi thấy tự tin khi ba đứa con tinh thần ra đời. “Mùa thu kiếp sau” viết theo đơn đặt hàng của hãng BHD (Việt phim), còn “Con dại của đá” và “Biển cứu rỗi” vừa mang tính văn học, vừa mang tính điện ảnh.
![]() Nhà văn Võ Thị Hảo |
Có điều là khi đọc xong ba kịch bản của chị, người ta thấy số phận các nhân vật nữ chính bao giờ cũng bi thương, chị lý giải ra sao?
Tôi viết ba kịch bản trong các hoàn cảnh khác nhau. Và cũng không ngờ, khi kết thúc cả ba nữ nhân vật đều kết thúc cuộc đời bằng cách trẫm mình. Nhưng dù có chung một kết cục thì ở mỗi nhân vật, tôi đều có cách xử lý khác nhau. Có người được giải thoát và cứu rối ở kiếp sau. Những số phận bi quan này nhiều khi do chính những ám ảnh trong tôi ảnh hưởng đến trang viết.
Suy nghĩ của chị về những người phụ nữ Việt Nam thường rất khổ, liệu có quá bi quan dù bản thân chị và các con gái chị đều thành đạt?
Tôi muốn nhìn vào cái khổ ấy để muốn cho số phận của mình không tồi đi. Dám đối đầu với nó, tôi không nghĩ đó là suy nghĩ bi quan.
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhiều người thắc mắc liệu trong ngày 20/10 tới này, có người đàn ông nào xuất hiện cạnh chị?
Có lẽ tôi là người đa tình nên phải nếm trải sự đa đoan. Cũng may, tôi là người nhẹ dạ nhưng nửa vời. Nhiều người đọc những trang viết của tôi xong, thường hỏi, sao khi viết thì yêu đương quyết liệt, táo bạo thế mà ngoài đời lại có vẻ rụt rè. Nếu nghĩ đến một người đàn ông làm chỗ dựa lâu dài sau này, có lẽ tôi không dám vì hiện nay quỹ thời gian của tôi quá eo hẹp.
Chị thường nói gì với hai cô con gái sau những vấp váp đã trải qua?
Tôi thường nói, các con phải hạnh phúc vì nều các con đau khổ, mẹ sẽ thù các con. Và có lẽ người mẹ nào cũng như tôi, cũng mong những điều tốt đẹp nhất với con của mình. Nhưng nếu chẳng may, con gái tôi có vấp váp hay đau khổ thì đó cũng là lẽ thường bởi mỗi người khi sinh ra đã có một số phận, một cuộc đời riêng.
Xin cảm ơn chị!
Hà Anh