Về hiện tượng “sex” trong tác phẩm văn học...
Gần đây đã xuất hiện hiện tượng "thơ sex" do chính các cây bút nữ viết. Họ đã đề cao thân thể và phơi trần dục tính trong thơ. Liệu đây có phải là điều bình thường trong đời sống văn học?
Ngựa trời là tên nhóm thơ nữ gồm 5 cô gái trẻ Sài Gòn, vừa tổ chức ra mắt cuối tuần qua tại nhà hoạ sĩ Trịnh Cung. Để biểu đạt đúng tinh thần nhóm này, hoạ sĩ đã vẽ một con bọ ngựa lớn với hai chiếc càng cao lêu đêu như hai thanh gươm vung lên trời đầy đe dọa.
Trong nhóm, có hai cô đã tốt nghiệp đại học là Phương Lan và Nguyệt Phạm. Thanh Xuân và Khương Hà đều đã qua phổ thông, đang theo học những khoá vi tính và ngoại ngữ. Thơ của họ từng được giới thiệu trên nhiều báo như Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Mực Tím, Áo Trắng..., có bài còn được dịch sang tiếng Hàn, tiếng Anh. Chỉ có cô Lynh Bacardi là học hành không tới đâu, nhưng đã trải qua nhiều nghề từ nhà hàng, cà phê. Một tập thơ chung của các cô được dịch giả Dương Tường cổ vũ không tiếc lời, nhưng rất tiếc cho đến nay tập thơ này vẫn trôi nổi ở các nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc khá lâu vì không được cấp giấy phép.
Hiện tượng nữ giới làm thơ ca ngợi thân thể và giới tính không phải là mới, nhưng vẫn "hot" trong đời sống văn nghệ... Nhiều truyện ngắn trong tập truyện Bóng đè vừa được NXB Đà Nẵng phát hành của Đỗ Hoàng Diệu như Tình chuột, Bóng đè, Những sợi tóc màu tang lễ, Cô gái điếm và 5 người đàn ông... nếu trước đây không dễ dàng được in, thì giờ lại được tuyển chọn trang trọng và được nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên hết lời khen ngợi.
Theo Hoàng Diệu, "Sex chỉ là các vỏ, không phải mục tiêu, chỉ là phương tiện để tôi chuyển tải thông điệp khác" và "cuộc sống tình dục của tôi rất bình thường, không bị ám ảnh, u uất, chèn ép gì cả". Vậy thì lý giải thế nào khi tràn ngập dưới ngòi bút của cô là "đàn bà, đàn bà, sẽ thành đàn bà", "bàn tay, không phải, gọi tên đam mê bằng xới từng phân vuông đê mê trên thân thể"...
Còn với Phan Huyền Thư, một giọng thơ nữ của trào lưu thơ trẻ thì trước đây "từ vô thức, tôi không bao giờ dám nói về tình dục một cách trắng trợn. Về khía cạnh nào đó, tôi vẫn dùng ý thức để kềm nén, dùng cái khôn ngoan để lấp liếm nó đi"; còn bây giờ là "Tình dục là căn bản để nhận diện thơ trẻ. Thơ nói về tình yêu, chăn gối thời nào cũng có, nhưng để tình dục bước chân mạnh mẽ vào văn chương thì phải tìm ở ngôn ngữ thơ ca hiện đại".
Như vậy, rõ ràng đã có sự "cởi trói", bớt ràng khắt khe khi các nhà thơ nữ trẻ chọn đề tài một thời vốn bị coi là cấm kỵ này? Phan Huyền Thư cho rằng, cơn lốc tình dục trong văn chương của các cây bút nữ đã được "đồng thuận từ phía xã hội". Cô lý giải "Tại sao trong thơ trẻ có thể thắng thắn nói về tình dục đến mức nhiều người thấy trơ tráo nhưng số người đồng tình ủng hộ thơ trẻ khá đông. Tại sao Vi Thuỳ Linh với hai tập Khát và Linh xuất hiện mà không bị ném đá, phản đối? Chẳng phải người ta đã có một sự chấp thuận ngầm với nhau hay sao?"...
Gần như hiển nhiên và công khai là NXB Hội Nhà Văn cùng nhiều NXB khác đã mạnh dạn giới thiệu những tác phẩm văn học theo những làn sóng mới đề cập mạnh dạn và thẳng thắn đến vấn đề tình dục như các tác giả nữ Trung Quốc Vệ Tuệ (Búp bê Bắc Kinh, Điện cuồng như Vệ Tuệ), Cửu Đan (Quạ đen), Miên Miên, Xuân Thụ... Khi sách đi vào đời sống giới trẻ thì không thể nào không có những tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ. Như vậy, đúng là "có sự đồng thuận" chăng?
Chúng tôi chỉ nêu ra một hiện tượng có thật, đang là vấn đề được quan tâm của bạn đọc yêu văn chương. Thơ nữ bây giờ là như thế sao? Mong có thêm nhiều hướng tiếp cận, trao đổi.
Ý kiến về "thơ sex": Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi nghĩ đời sống đang cởi mở hơn dẫn đến những quan niệm cởi mở hơn trong sáng tạo thi ca. Thơ ca ngợi vẻ đẹp thân thể hay những vấn đề bao quanh tính dục rõ ràng là đang được đề cập nhiều hơn từ phái nữ. Có thể dẫn chứng cụ thể là thơ Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư… và nhiều tác giả trẻ khác. Tính dục không đơn thuần là chuyện sex mà rộng hơn giải toả nhiều vùng bí ần, kỳ bí trong đời sống con người. Nhu cầu của đời sống cũng chính là nhu cầu của văn chương. Và đó cũng là xu hướng dân chủ hoá của văn học. Tôi nghĩ cần phải vỗ tay hoan hô tất cả những gì thuộc về con người. Nhà thơ Dư Thị Hoàn: Tôi ủng hộ xu hướng thơ này vì tôi đã phát biểu cụ thể trong buổi giao lưu gần đây nhất với các bạn sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Vấn đề nằm ở chỗ mỹ cảm dục tính hay sex văn hoá. Cuộc sống vận động không ngừng và chưa bao giờ dừng lại ở một điểm bởi thế cái đẹp cần vận động theo xã hội để phát triển. Tâm thế phá bỏ nhiều “hàng rào” bây giờ chính là xu thế chung. Vậy “hàng rào” dục tính, đề tài vẫn cho là cấm kỵ tại sao không phá bỏ nếu nó chính là “lực cản” để làm cho thơ hay lên? Nhà thơ Lê Minh Quốc: Hàn Mặc Tử nói làm thơ là một sự phi thường, khi một người phụ nữ làm thơ tôi nghĩ họ đã có gấp đôi sự phi thường đó. Nhưng cái khó của thơ chính là chỗ một bài thơ khi đưa ra có nhiều người đọc và nó không còn của riêng cá nhân nào nữa. Vấn đề là nghệ thuật viết. Có vật vã trăn trở thơ mới hay được. Hiện nay có nhiều người làm thơ nữ không viết vì nhu cầu của mình mà chỉ bắt chước hay khai thác đề tài thân xác để được sớm nổi tiếng. Đó là sự dễ dãi, dung tục làm nghèo nàn thơ ca. Tôi không ủng hộ những trường hợp như vậy. |
Theo Phụ Nữ, Thanh Niên