1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Vào cuộc với "dân hip hop"

Đám đông mới lớn mắt tròn mắt dẹt dõi theo anh chàng đội mũ lệch, áo phông thụng, dây xích dài tới rốn lượn xe vè vè theo đường zig-zac. Đỗ xịch xe trước vườn hoa, chàng nhảy xuống, chống đầu làm mấy cú headspin trước những tiếng trầm trồ thán phục...

Vài tay chơi khác cũng vào cuộc, nào power move, nào footwalk, locking, cắt kéo, tay quay… đủ cả. Người đứng ngoài xem cũng thấy mệt đứt hơi, chóng cả mặt. Mà đó mới chỉ là biểu diễn trên sân lát đá, chưa phải là sàn chuyên nghiệp. Gặp các sàn gỗ thật phẳng hoặc sàn granite thì các dancer còn "nghệ" hơn nữa, bởi với loại sàn này, chống xuống thì bám tay, bám giày, còn quần áo thì trơn tuột.

 

Hiện tại, ở Hà Nội chỉ có Discovery ở Tăng Bạt Hổ là đạt tiêu chuẩn, còn lại thì đều chỉ là sân chơi tàm tạm. Để dựng một sân khấu đáp ứng yêu cầu phải tốn chừng vài chục triệu đồng, tuy nhiên, ở phần lớn các show, break dance chỉ là màn dạo đầu warm-up nên không được đầu tư nhiều lắm.

 

Ở Hà Nội, chỉ cần 150.000 đồng, mỗi tuần dành ra 3 buổi đi học là không bị lép vế với chúng bạn, nhưng để thành tài thì cần phải kiên nhẫn. Để có thể "múa võ" trước thiên hạ, những người nghiền hip hop phải mất chừng 6-7 năm tập luyện. Cứ 100 người tập thì chỉ có 2-3 người học nâng cao.

 

"Cần nhất là năng khiếu, thứ nhì là thông minh, và thứ ba là sức khoẻ. Chỉ chơi chơi thế thôi, nhưng nếu không sáng dạ thì còn xơi mới xoay tít", một bboy cho biết. Theo cậu thì các động tác break khá khó, ngay cả các VĐV thể dục dụng cụ muốn chơi ngang cũng còn khuya, bởi không giống như thể thao, nghệ thuật hip hop đòi hỏi người tập phải có những động tác rất loằng ngoằng, không cân bằng, chân co, chân duỗi. Không chỉ thế, các dancer còn phải khá bản lĩnh và dũng cảm, không thì gãy chân, gãy cổ như chơi.

 

Tuy nhiên, một dân teen cho biết, nếu học hành đúng bài bản, không đốt cháy giai đoạn thì tai nạn có muốn tìm đến cũng khó. "Chẳng hạn, trước tiên là phải tập cho tay vững thì mới thả tay mà xoay, chứ đã yếu lại còn ra gió thì xơi đủ", cậu nói. Chính sự sáng tạo ở môn nghệ thuật này đã kéo chân những người mê hip hop. Không chỉ dân 8X xúng xính quần thụng, mà nhiều doanh nhân, nơi công sở thì quần Âu, áo vest, cưỡi Camry, Mondeo sang trọng, đến giờ tan sở lại tự do với áo phông quần hip hop, chơi tới bến.

 

Hip hop đam mê, hip hop ào ạt, nên hip hop kéo theo một loạt những phụ kiện đi kèm với nó. Đơn giản và tiết kiệm nhất là những câu đế Oh Yeah, Hey Ya, Come on", Check it out… cho kịch tính. Nếu thích có thương hiệu thì đặt vài cái nick cho quái như Bình "Hip", Nghĩa "Boy", Hương "Tít"... Chơi sang hơn thì nịt da to bản, băng tay, băng đầu… Nể hơn nữa thì tậu mobile có hình dáng hơi khủng bố một chút, dán hình các ngôi sao ca nhạc đỉnh cao, tất nhiên là phải tải một loạt ca khúc hip-hop ngon lành. Ờ các website chuyên về hip hop, diễn đàn hoạt động khá sôi nổi với những lời chào mua, trao đổi thời trang hip hop như một siêu thị di động, rồi những khẩu hiệu khá bụi như "Không tiền không xế gái không theo".

 

Không phải ai chơi hip hop cũng vì sở thích, nhiều kẻ chạy theo chỉ để mà "nổ" cho sướng, đã chọc giận những người đam mê đích thực. Cách đây không lâu, nhóm Rapclub Hanoi đã than phiền về một số ca sĩ lai căng, bào mòn hip hop bởi những lối bắt chước vụng về, trơ trẽn. Hip hop là những gì dị thường, có tính sáng tạo nhưng không có nghĩa là quái dị, dị hợm

 

Trên thực tế thì dân nhảy break dance ở VN không quá lép vế so với thế giới. Với ngoại hình nhỏ nhắn lại khéo léo, giới trẻ châu Á có nhiều lợi thế. Người Mỹ sản sinh ra dòng nhảy sôi động, nhưng người dân châu lục lớn nhất thế giới lại chiếm thế thượng phong, bằng chứng là Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục gặt hái các giải thưởng trong các cuộc thi break dance quốc tế. Trong giới dancer VN, thì dân chơi Hà Nội có đẳng cấp vượt trội hơn hẳn so với TP HCM. Hầu hết các nhóm break dance hiện nay như Big Toe, Halley, Zig Zag, Zero… đều là dân Hà thành, mà nổi bật nhất là Big Toe. Nhóm đã có chục năm khua khoắng khắp các sân khấu, với thành viên sáng lập là Anh Tuấn, hiện đầu quân cho Nhà hát Tuổi Trẻ, từng tham gia phim Những ngọn nến trong đêm, 12A4H…

 

Giờ đây, người sáng tác các bài tập và duy trì hoạt động của Big Toe là Viết Thành. Với mục đích phổ cập hoá break dance, hip hop, Thành khuấy động phong trào trong giới teen bằng các lớp dạy tại nhà, và tổ chức các cuộc thi đấu. Ngay cả thành viên Big Toe cũng luôn phải cạnh tranh để chiếm vị trí, nếu không muốn bị đào thải. Thành xác định break dance là cái nghiệp, đi đâu anh cũng kè kè DVD bỏ túi, với một xấp video các nhóm nhảy nổi tiếng thế giới. Nhóm có hẳn một DJ riêng, một chuyên gia về graphity thiết kế thời trang cho nhóm.

 

Năm tới, để thúc đẩy mạnh hơn nữa phong trào, Big Toe dự định sẽ tham dự cuộc thi break dance trong khuôn khổ Đông Nam Á. Họ tin mình ngang cơ và hy vọng, biết đâu hip hop VN sẽ làm nên chuyện.

 

Theo Bạch Kim

Ngôi Sao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm