1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Thơ trẻ đi về đâu?

(Dân trí) - Trước khi bàn về thơ trẻ, cũng cần làm rõ hai khái niệm, đó là thơ của những tác giả trẻ hay một dòng thơ mới mẻ, non trẻ vừa mới xuất hiện.

Nói cách khác là trẻ của thơ hay trẻ người làm thơ bởi có không ít bài thơ, câu thơ rất già song tác giả của nó còn rất trẻ và ngược lại, có những tác phẩm rất trẻ, tác giả của nó lại rất già.

Điển hình cho xu hướng già tác phẩm - trẻ tác giả có lẽ là nhà thơ Trần Đăng Khoa với tập Góc sân và Khoảng trời. Cậu bé chín mười tuổi Trần Đăng Khoa khi đó đã có những câu già dặn và cổ kính như thời Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa – Tiếng rơi nghe mỏng như là rơi nghiêng”.

Tiêu biểu cho xu hướng già tác giả - trẻ tác phẩm là các nhà thơ Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… và gần đây là Dương Tường, Hoàng Hưng. Các tác giả trên đều đã cao tuổi nhưng vẫn không ngừng nghỉ trên con đường trẻ hóa thi ca. Ở bài viết này, xin được lấy quan niệm thơ trẻ tức là thơ của những người trẻ tuổi có xu hướng làm mới thi ca qua lăng kính của Nhà phê bình văn học Văn Giá - Trưởng khoa sáng tác, lý luận, phê bình Đại học Văn hóa và Nhà thơ Trần Quang Quý – Ủy viên Hội đồng Thơ Việt Nam – TBT NXB Hội Nhà văn.

Bị bóng quá khứ đè lên quá nặng

Theo Nhà phê bình Văn Giá, thơ trẻ hiện nay có thể hình dung mấy xu hướng. Thứ nhất là thơ theo kiểu truyền thống cổ điển, hai là thơ theo kiểu tryền thống Thơ mới (1932-1945) và ba là thơ hiện đại (chữ “hiện đại” ở đây được hiểu là khác với 2 xu hướng trước, thuộc về thì hiện tại, hôm nay).

Ở xu hướng thứ nhất, có một số cây bút trẻ làm thơ lục bát, thơ 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ kiểu Đường thi... nhìn chung đó là loại thơ Cách luật. Điều quan trọng ở đây là phải làm mới, “lạ hoá” chúng. Đây là một thử thách đối với những người làm thơ, nhất là thơ trẻ.

Xu hướng thứ hai, về cơ bản đó là những cây bút đang còn bị trì kéo bởi điệu thơ truyền thống từ những năm 30, đi qua nền thơ chống Pháp, chống Mỹ, kéo dài đến tận bây giờ. Trừ một thiểu số cách tân, nhưng không phải là chủ âm của nền thơ giai đoạn này. Các cây bút theo xu hướng này vẫn loay hoay về bút pháp, chưa đủ nội lực để bứt phá. Bóng của quá khứ đè lên họ quá nặng.
 
Thơ trẻ đi về đâu? - 1
Sân thơ trẻ tại Văn Miếu

Xu hướng thứ ba thuộc về một số cây bút đầy khát vọng tìm tòi, cách tân. Tiếc là họ vẫn chưa thoát đuợc cái bóng của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Tường, Đặng Đình Hưng - những người mạnh dạn đưa tinh thần cách tân của chủ nghĩa hiện đại phương Tây vào thơ từ những năm chống Pháp. Sự cách tân của họ quy về những tên gọi như: thơ tượng trưng, thơ siêu thực, thơ đồ hình, thơ thị giác, thơ con âm, thơ sắp đặt, thơ tân hình thức... Mọi thể nghiệm này đang ở những bước đi ban đầu kéo dài đến hôm nay.

Nhìn chung các thành tựu đang còn mỏng mảnh, chưa có nhiều đỉnh cao, vì thế chưa đủ làm nên một diện mạo thơ ca mới. Tuy nhiên, chính những người đi theo con đường này đã góp phần làm nên sự đa dạng  và một tinh thần mới trong thơ ca. Tiếng nói của họ đang ngày càng được khẳng định một cách đường hoàng trên thi đàn. Tin rằng xu huớng này dần dần, với độ chín và bứt phá cần thiết sẽ trở thành chủ lực trong thi đàn Việt Nam. Cái thiếu nhất hiện nay ở họ là đang còn hiếm những bài thơ hay. Mọi cách tân ồn ào rồi sẽ qua đi, cái còn lại cuối cùng là phải kết tinh vào tác phẩm, những tác phẩm tầm cỡ, thuyết phục

Vùng vẫy tìm “giọng” cho thế hệ mình

Đa dạng trong hình thức biểu hiện, hăm hở tìm tòi và sáng tạo. Nhà thơ Trần Quang Quý cho rằng thơ trẻ đang cố bắt nhịp với hơi thở cuộc sống đương đại. Cái được của thơ trẻ là sự táo bạo trong câu chữ, kể cả bày tỏ cái tôi tính dục, cái tôi bản thể một cách trần trụi. Thơ trẻ đang vẫy vùng để tìm “giọng” cho thế hệ mình. Dường như lớp trẻ đang cố gắng giã từ những thứ mòn cũ, những điệp khúc, vần điệu quen tai, cứ lặp đi lặp lại nhiều thập kỉ. Có những tìm tòi thể hiện, thể nghiệm và phát hiện mới về ngữ nghĩa. Thơ trẻ đã đã góp phần mang lại cho thơ Việt hơi thở hiện đại và đang nỗ lực tạo lập hệ thống ngôn ngữ mới. Thơ trẻ đang có một nguồn năng lượng và động lực mới.

Tuy nhiên, phần lớn thơ trẻ vẫn là thơ “cải biên” của truyền thống. Những tìm tòi thể nghiệm chưa định hình, nhiều sáng tác gượng gạo, chỉ thấy ngôn từ “kiểu cách”, phóng đại, cường điệu, “bẻ ghi”, hoặc mông lung ngữ nghĩa, thi tứ như người ta đi vào rừng rậm, lắm dây rợ lằng nhằng. Độc giả không biết nhà thơ định bày tỏ quan niệm và hệ thống thẩm mỹ của mình là gì. Có không ít ý kiến cho rằng thơ trẻ thiếu đời sống, thiếu đời và sự trải nghiệm, thiếu sự tham gia vào những vấn đề của “chúng ta”, của đất nước. Đã có những phát biểu về thơ trình diễn là, “chỉ thấy diễn, mà không thấy thơ, nhưng vui”. Đã có thơ sắp đặt, nghĩa là viết những câu thơ lên bu gà lồng chim, lên xe máy, và các vật thể khác, thu hút rất nhiều người tò mò, lạ lẫm, mặc dù người ta cũng không hiểu, không cảm được thơ, chỉ coi như “thơ triển lãm”, khác cách cảm truyền thống là qua ngôn ngữ chữ viết, giọng điệu, thi tứ… Cũng có thể đó là lối hành thơ của hậu hiện đại chăng?

 Không có một cuộc cách mạng thơ – Vì sao?

Cuộc sống luôn biến động và văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng không thể đứng ngoài sự bến động của đời sống xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật những năm đầu thế kỉ XXI, người ta hi vọng sẽ có cuộc cách mạng thơ ca như thời kỳ Thơ mới. Thế nhưng cuộc cách mạng võ đoán ấy đã không nổ ra. Vậy vì sao nó không xảy ra và trong tương lai liệu có xảy ra?  

Theo nhà thơ Trần Quang Quý, nếu gọi Thơ mới là cuộc cách mạng thơ, thì những nhân tố khách quan cũng như chủ quan và các điều kiện để nó xảy ra lúc đó là tất yếu. Trước đó là sự “thống trị” hàng trăm năm của thơ Đường, thơ chữ Hán. Người ta quá tù túng, kìm hãm trong những khắt khe vần luật, niêm luật của thơ Đường và hệ tư tưởng khổng giáo Trung Hoa. Sau thế chiến thứ nhất, Chủ nghĩa tư bản phương Tây, và chế độ thuộc địa nửa phong kiến Pháp tăng cường áp đặt nền thống trị lên thể chế chính trị và kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam. Kèm theo nó là là văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp, đặc biệt là thơ ca Pháp đã du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Bắt đầu là cuộc tiếp nhận của giới trí thức trẻ, những người khởi xướng học hỏi và thể nghiệm một trào lưu văn hóa, trào lưu thơ ca mới, đáp ứng với những khát khao đòi hỏi của lớp trẻ. Thơ mới ra đời, ban đầu vấp phải một cuộc tranh cãi về tư tưởng và học thuật quyết liệt, nhưng cuối cùng nó đã thắng thế. Một nền thơ ca lãng mạng và những cái tôi lí tưởng hóa ra đời như vậy, chấm dứt sự thống trị của thơ Đường.

Trẻ là sự năng động, sự khát khao khám phá và tiếp thu cái mới. Thơ trẻ cũng vậy. Tuy nhiên, cái gọi là cách mạng thơ kia không thể diễn ra, vì cơ chế xã hội bây giờ không giống như thời Thơ mới. Chúng ta lại đã mở cửa hội nhập. Thế giới là cái bình địa văn hóa mở, có thể tự do ra vào, sàng lọc và hấp thụ. Vì vậy, những người sáng tác cứ từng bước tự thay đổi mình, từng bước tiệm tiến tới nhu cầu làm mới thi ca, hiện đại thi ca một cách tự nguyện, tự nhiên, nó không còn những nhân tố bức bách để có thể bùng nổ một cuộc cách mạng nữa. Thậm chí, không ít người của xã hội hiện đại và công nghệ lại khát khao trở về cái tự nhiên, nguyên thủy, nguồn cội.

Nhà phê bình văn học Văn Giá cũng cho rằng không thể có một cuộc cách mạng thơ trong bối cảnh lịch sử - văn hoá đương đại, thế giới trong trạng thái phơi mở toàn bộ những chân trời văn hoá, văn học  trên toàn thế giới, phơi mở những dự cảm, những tìm kiếm, những cách tân, những dằn vặt và suy tư nghệ thuật. Không có gì xảy ra trên trái đất mà con người không biết; thậm chí, biết rất nhanh, rất dễ. Một thế giới phẳng. Như vậy, thế giới không còn gì là yếu tố bất ngờ, đột biến, nhảy vọt, cát cứ… bởi một cuộc cách mạng về thơ ca phải hội đủ ít nhất mấy yếu tố sau:

Thứ nhất, phải có va chạm văn hoá. Thứ hai, khi nhu cầu thay đổi đã chín, cái cũ đã trong quá trình tự huỷ, cái mới đã hiện hình rõ ràng. Thứ ba, quan trọng nhất, đó là: điệu sống, điệu tâm hồn của lớp người trẻ tuổi đã phải thay đổi hoàn toàn so với thời kỳ trước đó. Trong khi hiện nay, lớp người trẻ tuổi trong xã hội ta đang trong quá trình thay đổi dần dần, chứ không thay đổi theo kiểu “đột biến”. Vả lại tinh thần tiêu dùng tiện lợi dễ dãi  đang tràn ngập lên lớp người trẻ tuổi, dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng khí để thổi bùng nhu cầu cách tân. Bởi cách tân bao giờ cũng cần phẩm cách trí thức, bao giờ cũng khó nhọc, tốn nhiều công sức và tâm trí.

Và cuối cùng, thiếu những “thủ lĩnh” là những tài năng lớn trên cả hai phương diện: lập thuyết và sáng tác. Vì vậy, thay đổi thơ ca nói riêng và văn học nói chung ở ta bây giờ không có cuộc cách mạng mà nó thay đổi theo cách tiệm tiến, dần dần, theo kiểu “tằm ăn dâu”, rồi nó sẽ có một diện mạo mới, với nền mới và những đỉnh mới.

Bùi Hoàng Tám 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm