1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Trần Hoàng Thiên Kim: “Không dễ dàng rũ bỏ thơ ca”

(Dân trí) -“Một vài người trẻ coi văn chương chỉ là chiếc áo màu mè, khoác lên như một cái mốt thời thượng, còn lại, những ai đã trót mang nặng như đó là cái nghiệp của đời mình thì có muốn cũng không dễ dàng rũ bỏ được”, nhà thơ trẻ Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ.

Trần Hoàng Thiên Kim sinh năm 1981 tại Nghệ An. Đã xuất bản 3 tập thơ và một tập ký chân dung, đã đoạt được 5 giải thưởng văn học, nhận bằng Thạc sĩ ngữ văn năm 2007 và đang làm luận án Tiến sĩ tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Hiện chị đang công tác tại Ban Chuyên đề Văn nghệ Công an, báo Công an Nhân dân.

Gặp Trần Hoàng Thiên Kim, ấn tượng vì chị luôn nở nụ cười trên môi, luôn tay bắt mặt mừng với người đối diện, Trần Hoàng Thiên Kim gây cho người ta một cảm giác dễ gần, dễ chịu khi gặp mặt, khi chia sẻ những câu chuyện về công việc và cuộc sống. Nhưng khi đọc thơ chị, người đọc sẽ lại tìm kiếm được một góc bí ẩn của một nhà thơ trẻ với những nỗi trăn trở, lo âu, với một nỗi buồn cố hữu của một người  nhạy cảm, đa sầu và nhiều nghĩ ngợi. Nhân Ngày thơ Việt Nam, phóng viên có cuộc trò chuyện cùng chị.
 
Trần Hoàng Thiên Kim: “Không dễ dàng rũ bỏ thơ ca” - 1
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim

Cảm giác của chị khi vừa trở thành hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam?

Tôi cảm thấy rất sung sướng, vinh dự, và nói như một nhà văn “đàn chị” đã ghé tai tôi chúc mừng: “Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách lắm”. Trở thành hội viên Hội Nhà văn trẻ nhất cũng đồng nghĩa với việc mình phải nỗ lực gấp nhiều lần trong sáng tạo nghệ thuật để có thể có những tác phẩm tốt hơn.

Trong khi nhiều bạn trẻ không còn mặn mà với văn chương thơ phú, không còn khao khát “vào Hội”  thì đối với Trần Hoàng Thiên Kim dường như ngược lại?

Tôi cho rằng, khi đã làm nghề, ai cũng sẽ muốn được ở trong một tổ chức nghề nghiệp nào đó để được đứng vững hơn khi bên cạnh mình có nhiều sự khích lệ của nhiều bậc đàn anh, đàn chị đi trước. Hội Nhà văn là nơi hội tụ của tất cả những nhà văn của đất nước Việt Nam từ xưa đến nay, vì vậy không có lý do gì khiến một người muốn làm nghề một cách thực sự, yêu và đam mê văn chương lại không muốn vào.

Tôi cũng không cho rằng, nhiều bạn trẻ hiện nay không còn mặn mà với văn chương. Bởi vì, trừ cá biệt một vài người trẻ nào đó coi văn chương chỉ là một chiếc áo màu mè, khoác lên như một cái mốt thời thượng, còn lại, những ai đã trót mang  nặng như đó là cái nghiệp của đời mình thì có muốn cũng không dễ dàng rũ bỏ được. Tuy nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật không phải lúc nào cũng viết, viết và viết… Nếu có lúc nào đó người ta tạm dừng lại thì tôi cho rằng, chẳng qua chỉ vì đó là một khoảng dừng cần thiết để cho một chặng vượt rào sắp tới.
 
Trần Hoàng Thiên Kim: “Không dễ dàng rũ bỏ thơ ca” - 2
"Con người đời thường" của chị cởi mở, dễ gần...

Chị vừa cho ra mắt tập thơ thứ ba của mình mang tên “Mưa tượng hình”. Đây là một tập thơ dày dặn và được chị trau chuốt kỹ càng cả về nội dung lẫn hình thức. Chị có thể chia sẻ đôi chút về tập thơ mới này cũng như cảm hứng sáng tác của chị?

Tập thơ của tôi có 33 bài. Tôi cũng đã dành nhiều thời gian để đầu tư cho tập thơ thứ 3 này của mình vì tác phẩm của mình sẽ mang gương mặt của mình vì thế, tôi rất chú trọng về cả hình thức và nội dung. Những bài thơ trong tập tôi đã viết trong khoảng vài năm lại đây. Có những bài thì vừa ráo mực.  Đó là những khoảnh khắc của xúc cảm, của những suy tư về cuộc sống, về tình yêu, về gia đình, quê hương… Tôi thường viết khi trong lòng mình có những cảm xúc dồn nén chứ thường không nỗ lực vì những kỹ thuật của ngôn ngữ.

Khi đọc thơ của chị, tôi có cảm giác đó là một Trần Hoàng Thiên Kim rất khác với con người đời thường. Thơ chị khá buồn, sâu lắng với những cảm xúc...
 
“Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Gương mặt tôi và tính cách tôi là cha mẹ cho. Cho đến nay, tôi có cuộc sống khá bình lặng và cảm thấy bằng lòng với những gì mình đã có và đang có. Còn với thơ ca, tôi chỉ có thể đặt bút viết khi trong lòng mình có một nỗi niềm nào đó, thật buồn, hoặc thật trống trải. Tôi chẳng bao giờ làm thơ khi tôi đang vui cả. Bởi thế thơ chắc chắn không thể reo ca được rồi.  
 
Trần Hoàng Thiên Kim: “Không dễ dàng rũ bỏ thơ ca” - 3
"Con người thơ" thì lại buồn và sâu lắng...

Chị là một nhà báo trong lực lượng vũ trang, với quân hàm Trung úy Công an, một người với nhiều bài viết chân dung khá sắc sảo và, hiện tại chị lại đang đi làm Nghiên cứu sinh văn học tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam… Liệu với ngần ấy công việc, cảm hứng sáng tác của chị có lúc nào bị cạn kiệt không?

Bận rộn là một từ phổ biến cho hầu hết những người viết trẻ chứ không chỉ riêng tôi. Bởi vì hiện nay, không có một tác giả trẻ nào chỉ ăn rồi đi viết văn… suông cả. Ai cũng có một công việc làm chính, công việc làm thêm, đấy chưa kể con cái học hành, tề gia nội trợ trong gia đình phải lo toan.

Viết văn dù không phải là thứ lúc nào người ta cũng phải làm ngay nhưng là điều mà lúc nào người ta cũng nghĩ tới. Có khi, chính trong hoàn cảnh sống, trong sự tất bật của cuộc sống, văn chương đã được sinh ra. Tôi vẫn nghĩ rằng, thật may vì có văn chương làm điểm tựa trong những lúc mình thực sự cô đơn, thực sự cảm thấy có những buồn phiền trong cuộc sống. Sức lực có thể cạn kiệt, nhưng cảm xúc thì không. Văn chương, đối với tôi, đôi khi còn hơn cả một người bạn tri âm.

Tôi thì cho rằng, càng ngày, với nhiều những thay đổi của nhiều điều kiện kinh tế, xã hội thì khán giả hiện nay đang dần quay lưng lại với thơ. Chị nghĩ sao về điều này?

Như chị đã nói đấy, thơ ca hiện nay đang phải cạnh tranh với hàng trăm loại hình giải trí tiện ích và nhanh nhạy khác, bởi vậy, khán giả không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để dành cho thơ một khoảng thời gian nhất định nào đó để ngâm ngợi, chia sẻ.

Độc giả trẻ thì đam mê phim ảnh, âm nhạc vì nó dễ tiếp cận và có nhiều hình thức để tiếp cận. Nếu có đọc sách thì họ cũng sẽ tìm đến những thể loại “khủng” hơn như kinh dị, viễn tưởng… Độc giả lớn tuổi thì sẽ tìm đến thơ của các nhà văn quen thuộc, vì nhiều đọc giả người đọc thơ trẻ bây giờ bị… sốc vì không phải bao giờ họ cũng cố để hiểu những điều mà lớp trẻ muốn chuyển tải…

Tóm lại, có rất nhiều lý do khiến thơ hiện nay bị “mất giá” có cả điều kiện khách quan và chủ quan… Song có một điều đáng trân trọng nhất là những nhà thơ trẻ vẫn đầy tinh thần nhiệt huyết dành cho thơ, vẫn luôn lấy thơ ca làm cứu cánh trong đời sống hiện đại ồn ã, xô bồ này…
 
Trần Hoàng Thiên Kim: “Không dễ dàng rũ bỏ thơ ca” - 4
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim đưa con trai đến Ngày thơ Việt Nam năm 2008

Sắp đến Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 10, ở vị trí một người viết trẻ, Trần Hoàng Thiên Kim có thể chia sẻ điều gì về Lễ hội thơ những năm trước đây và chờ đợi điều gì ở Lễ hội thơ năm nay?

Tôi chưa bỏ sót một ngày Thơ nào kể từ 10 năm nay. Thời gian đầu, khi còn là một sinh viên của Trường Viết văn Nguyễn Du, tôi có tham gia làm Cây Thơ, có năm thì đọc thơ tại sân thơ Trẻ. Đó là một ngày Hội có nhiều ý nghĩa vì sau những ngày Tết về với gia đình, những người yêu văn thơ lại được tụ hội để cũng gặp gỡ, chia sẻ, chuyện trò.

Năm nay, Lễ hội thơ diễn ra sớm hơn mọi năm, bắt đầu từ tối ngày 13 tháng Giêng đã diễn ra chương trình Dạ hội Thơ Mùa xuân Đất nước, ngày 14 sẽ diễn ra lễ Khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X và đến chiều 14 sẽ diễn ra lễ Trao giải thưởng Văn học 2010 và 2011 tại sân Thái Học. Nhìn qua chương trình năm nay đã có quy mô hơn, Hội cũng đã diễn ra dài hơn, thay vì chỉ diễn ra vài tiếng rồi tan Hội như mọi năm. Và tôi đang háo hức đến Văn Miếu để gặp gỡ, cổ vũ những người bạn của mình.

Xin cảm ơn chị!

Nguyễn Hằng thực hiện

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm