1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nguyễn Huy Thiệp: “Ngày thơ năm nay vừa vĩ đại vừa…nhố nhăng”

(Dân trí)- “Ngày thơ năm nay vừa vĩ đại vừa…nhố nhăng. Vĩ đại vì tôi thấy nhiều gương mặt hồ hởi, nhìn ngắm. Điên cuồng và nhố nhăng vì nhiều người bỏ nhà, bỏ cửa hăng say để đến với lễ hội”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp “thẳng tưng” chia sẻ sau Ngày hội thơ.

Thưa nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp, ngày Thơ Việt Nam lần thứ X tại Văn Miếu vừa qua, có thể bình chọn anh là một người… bận rộn nhất vì phải ký tặng sách mới, tập “Vong bướm”. Anh có nhớ mình đã bán được bao nhiêu tập không?

Thực ra thì cuốn “Vong bướm” này do Nhà sách Nhã Nam phát hành nên tôi cũng không biết cụ thể lắm, có thể khoảng 200 cuốn gì đó.
 
Nguyễn Huy Thiệp: “Ngày thơ năm nay vừa vĩ đại vừa…nhố nhăng” - 1
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự năm nào cũng đi Ngày thơ gặp bạn bè (Ảnh: Xuân Anh)

Anh thấy việc bán sách ở Ngày Thơ có… thú vị không?

Tôi đã ra nhiều cuốn sách và khi ra nước ngoài như Đức, Pháp… thì việc bán và ký tặng sách như thế này là chuyện bình thường. Nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên và tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi nghĩ, chúng ta cũng cần phải duy trì điều này vì đây là một hoạt động nhằm giúp nhà văn gần hơn với độc giả.

Năm nay có Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương, hẳn sẽ có người nước ngoài nào mua sách của Nguyễn Huy Thiệp?

Có một người Ấn Độ, nhưng là khách du lịch thôi!

Anh có thường xuyên có mặt ở Ngày Thơ hàng năm không?

Năm nào tôi cũng cố gắng đáo qua để xem gặp gỡ bạn bè.

Anh thấy Ngày Thơ năm nay có gì khác so với mọi năm trước?

Hình như Ngày thơ năm nay đông hơn. Nó vừa vĩ đại vừa điên cuồng vừa… nhố nhăng. Vĩ đại vì tôi thấy nhiều gương mặt hồ hởi, sung sướng, ngây ngất nhìn ngắm, một dân tộc yêu chuộng thơ ca nhưng thế thì còn gì bằng. Điên cuồng và nhố nhăng vì nhiều người bỏ nhà, bỏ cửa hăng say để đến với lễ hội, trong khi đó, những lều thơ, quán thơ của các CLB ầm ĩ tiếng ngâm nga đã thu âm sẵn luôn có thể làm giật mình ai đó…

Anh có ghé qua sân thơ Trẻ chứ? Anh có nhận xét gì?

Buồn cười nhất là tôi để ý thấy toàn những người già ngồi dưới hàng ghế khán giả. Rất ít người trẻ ở đó.
 
 
Nguyễn Huy Thiệp: “Ngày thơ năm nay vừa vĩ đại vừa…nhố nhăng” - 2
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng độc giả ở Ngày thơ Việt Nam (Ảnh: Hoàng Điệp)

Cuốn sách mới của anh “Vong bướm” lại là một kịch bản chèo bao gồm hai kịch bản chèo “Vong Bướm” và “Truyền thuyết tìm vua”. Anh muốn lấn sân sang sân khấu chăng?

Tôi viết chèo bởi theo tôi đó là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, đậm chất Việt Nam, hấp dẫn bởi sự giản dị nhưng cũng rất ảo của nó. Hơn thế nữa, trong thời hiện đại, rằng chèo đang bị dung tục hóa một cách thô bạo, và tôi viết như một cách lưu giữ truyền thống.

“Vong Bướm” là câu chuyện lấy cảm hứng từ cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Bính (1917-1966), cũng là của nhiều văn nghệ sĩ khác đương thời. Thi sĩ Điệp Lang xuất thân từ nông thôn, không gian biểu tượng cho văn hóa tâm linh và các giá trị đạo đức truyền thống của người dân Việt. Chàng bỏ quê đi ra thành phố để kiếm tìm lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ. Nhưng Điệp Lang phải lên chuyến tàu định mệnh, phải ký khế ước bán linh hồn với Ma vương, làm bạn cùng bốn con quỷ Rượu chè, Sắc dục, Cờ bạc và Ma túy, phải vượt qua bốn ngọn núi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Kết cục, Điệp Lang đã chết khi chưa đến được với ánh sáng mình khao khát.

“Truyền thuyết tìm vua” được viết trên cảm hứng về cuộc đời chúa Chổm, một nhân vật đặc biệt ở trong lịch sử. Cuối thế kỷ XVI ở Việt Nam, nhà Lê sơ đến buổi suy đồi, xã tắc rối ren. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Hưng quốc công Nguyễn Kim tập hợp các công thần nhà Lê giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc”. Nguyễn Kim và con rể Trịnh Kiểm đã tìm ra chúa Chổm - giọt máu nhà Lê duy nhất còn sót lại tôn phò làm vua, mở ra thời kỳ lịch sử Lê trung hưng tồn tại 255 năm với 16 đời vua…

Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp!

Lâm Anh