Tết của nghệ sĩ xiếc, chèo: Đi diễn từ mùng 2, cát-xê cao gấp đôi
(Dân trí) - Tuy không phải diễn giao thừa nhưng các nghệ sĩ ở các ngành nghệ thuật: Tuồng, chèo, xiếc... khai xuân khá sớm. Có những người ở quê mùng 1 Tết đã tất tả lên Hà Nội làm việc.
Sẵn sàng gửi con ở nhà ông bà để diễn Tết
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cho biết, cuối năm 2024 và đầu năm mới 2025, các nghệ sĩ xiếc luôn tất bật với các dự án phục vụ khán giả.
Những ngày cuối năm, Liên đoàn Xiếc có chương trình Chào đón năm mới, sự kiện kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam (16/1/1956-16/1/2024). Bên cạnh đó, các nghệ sĩ còn có tiết mục xiếc tổng hợp đặc sắc để mang sang Lào diễn trong chương trình văn hóa, hữu nghị hai nước.
"Chúng tôi phải phân bố nhân sự đều ra để các nghệ sĩ có thể phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ khán giả trong nước mà không bị chồng chéo…", ông Thắng nói.
Theo đó, vào Tết Ất Tỵ 2025, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng 2 chương trình mới là: Không muốn cũng phải cười - hài kịch có nội dung dựa trên cốt truyện dân gian Nghêu, Sò, Ốc, Hến và chương trình xiếc Mừng Đảng, mừng Xuân.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ xiếc thuộc đơn vị của anh sẽ nghỉ vào ngày 27 Tết và sẽ khai xuân vào mùng 3.
"Thậm chí có năm, mùng 2 Tết chúng tôi đã diễn xiếc khai xuân. Việc tính ngày khai xuân tùy thuộc vào sự cảm nhận vào không khí, cách khai thác khán giả của lãnh đạo Liên đoàn.
Dịp Tết, chúng tôi thường bán vé trực tiếp và online. Khán giả đi du xuân thấy chương trình hay, dừng lại mua vé hoặc thông qua lịch Tết chúng tôi đưa lên mạng xã hội", ông Thắng nói.
NSND Tống Toàn Thắng cho biết, nhiều năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam không có khái niệm nghỉ lễ. Ngày Tết, diễn viên cũng được nghỉ rất ít vì anh xác định, đây là ngành phục vụ khán giả. Anh cho rằng, ngày nghỉ cũng chính là ngày làm việc, nếu tạo ra nhiều tiết mục hay sẽ thu hút người xem.
"Chính vì thế, tôi cho các nghệ sĩ nghỉ sớm và vào ngày mùng 1, mùng 2 Tết, các nghệ sĩ ở quê xa đã phải về Hà Nội để chuẩn bị các tiết mục đầu xuân.
Chúng tôi quan niệm rằng, những ngày Tết có những chương trình hay, vui nhộn, được khán giả cổ vũ nhiệt tình là một năm có nhiều niềm vui và những sáng tạo mới", nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Nghệ sĩ xiếc luyện tập rất vất vả (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, năm 2024, đơn vị của anh diễn được hơn 300 buổi, số buổi diễn đã vượt năm 2023, đồng nghĩa với doanh thu có tăng.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết, trong năm qua, việc chi tiêu của Liên đoàn cũng tăng ở một số sự kiện như: Công tác đền ơn đáp nghĩa, việc quyên góp sau bão số 3… nên việc cân đối tài chính của Liên đoàn cũng phải tính toán rất nhiều.
"Chúng tôi làm nhiều nhưng chi cũng không ít, vì vậy, mức thưởng Tết cho các nghệ sĩ vẫn theo quy định của Nhà nước. Thưởng Tết cao nhất của nghệ sĩ là được 1 tháng lương.
Trong năm 2024, các nghệ sĩ đã có tiền cát-xê ở các buổi diễn, nếu ai không lấy luôn, để lại lĩnh một "cục" thì cũng rất cao. Chúng tôi vẫn cố gắng thưởng Tết bằng năm ngoái. Nếu vượt lên thì quá tốt nhưng không được thấp hơn năm trước...", NSND Tống Toàn Thắng thông tin.
Ông Thắng chia sẻ thêm, những năm gần đây, thu nhập của các nghệ sĩ xiếc đã tăng cao, có những người đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là một tín hiệu vui để các nghệ sĩ cố gắng hơn với nghề, dù có vất vả nhưng công sức họ bỏ ra cống hiến cho nghệ thuật cũng được nhận thù lao xứng đáng.
Nghệ sĩ xiếc Phạm Thị Hương (SN 1990) quê ở Bắc Giang cho biết, trước Tết chị cùng chồng con về quê nội và quê ngoại thăm ông bà, bố mẹ và sắm Tết cùng gia đình. Sau đó, ở quê ăn Tết vào mùng 1, mùng 2, nếu đơn vị có chương trình đầu xuân, chị sẽ ra Hà Nội sớm để đi diễn.
"Các con đã lớn nên những ngày đầu năm sẽ vẫn ở lại nhà bà nội hoặc bà ngoại ăn Tết tiếp còn tôi sẽ lên cơ quan trước để đi diễn. Tôi không thấy thiệt thòi vì "máu" đam mê đã ngấm từ nhỏ.
Ngày Tết đi diễn cũng được khán giả mừng tuổi nhiều. Tôi luôn chia lộc cho tất cả anh em để mọi người đều có xuân an vui, no ấm. Cát-xê ngày Tết cao gấp đôi ngày thường…", nữ nghệ sĩ cho hay.
Có nghệ sĩ 2 tháng không về nhà vì bận
NSƯT Quang Khải - Trưởng đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho biết, những năm gần đây, các nghệ sĩ cải lương không diễn vào đêm giao thừa mà sau ngày mùng 3 Tết, họ mới triển khai các hoạt động biểu diễn.
Vào dịp cuối năm, một số đơn vị tổ chức đã đăng ký với Nhà hát về kế hoạch biểu diễn đầu năm. Các sự kiện chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở Bắc Ninh vì ở địa phương này có rất nhiều lễ hội, từ dòng họ, thôn, làng đến xã, huyện…
"Các sự kiện đó mời rất nhiều các nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương về. Chúng tôi diễn các trích đoạn về lịch sử, tướng lĩnh, anh hùng dân tộc… những vở diễn này rất hợp không khí Tết đến Xuân về", nghệ sĩ Quang Khải nói.
Ở Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn có lịch trực Tết, một số cán bộ lãnh đạo chia nhau ra trực, nghệ sĩ ở xa được ưu tiên trực những ngày đầu, sau đó về quê đón Tết cùng gia đình. NSƯT Quang Khải quê ở Nghệ An, vì thế thường trực vào các ngày 26, 27 tháng chạp và khi được nghỉ, anh cùng vợ con về quê đón Tết.
"Bà xã tôi quê Thái Bình nên vợ chồng con cái thường sẽ về quê ngoại trước khi về quê nội. Thường là 28 Tết chúng tôi về Thái Bình, 29 Tết về Nghệ An, đến mùng 2 Tết lại từ Nghệ An ra Hà Nội.
Có năm, tôi để bà xã và con út ở bên ngoại, tôi và con lớn về quê nội. Ngày Tết, ai cũng muốn gần gia đình nên chúng tôi sẽ sắp xếp hợp lý", nghệ sĩ Quang Khải tâm sự.
Nghệ sĩ Xuân Khoát - Nhà hát Chèo Việt Nam - cho hay, từ sau ngày mùng 5 Tết đến giữa tháng giêng, tháng hai, các nghệ sĩ của Nhà hát cũng nhận được nhiều lời mời biểu diễn.
Các đơn vị tổ chức hợp đồng với Nhà hát Chèo Việt Nam nên nghệ sĩ Xuân Khoát và đồng nghiệp đi theo đơn vị của mình.
"Chúng tôi đi khắp các tỉnh để biểu diễn. Đi làm sớm cũng vui, vừa được ngắm cảnh đầu năm lại được gặp khán giả sớm. Vì diễn ngoài trời nên phụ thuộc vào thời tiết nhiều, ai cũng mong đầu xuân năm mới thời tiết nắng đẹp, ấm áp để phục vụ khán giả tốt hơn", Xuân Khoát nói.
Nghệ sĩ tuồng Xuân Ba cho phóng viên Dân trí biết, đầu năm, các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương rất bận rộn, họ đi các tỉnh liên tục, có những ngày phải di chuyển 2-3 tỉnh theo yêu cầu của buổi diễn.
"Nói thì không ai tin nhưng có nghệ sĩ 2 tháng không về nhà vì lịch diễn dày đặc. Nhất là những diễn viên trẻ, còn độc thân, chưa vướng bận gia đình nên họ sẵn sàng đi theo lịch diễn dày đặc. Nhưng lịch diễn này chỉ nhiều vào dịp đầu năm, còn trong năm thì chúng tôi cũng không bận như vậy", nam nghệ sĩ trẻ thành thật.
Sau Tết, các nghệ sĩ tuồng cũng đi biểu diễn khá sớm (Ảnh: Thành Đông, Nguyễn Hà Nam).
Xuân Ba nói: "Lương của tôi giờ là 6 triệu đồng/tháng. Nếu dịp cuối năm, đầu xuân có bận rộn hơn, chúng tôi cũng không nề hà vì thu nhập cũng tăng lên.
Tôi đã từng nghỉ làm một thời gian nhưng không được biểu diễn, thấy nhớ quay quắt sân khấu nên đã trở lại. Tuy vất vả nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ nghề, yêu nghề".